Có một làng Đông Sơn ở Idonesia

Vào thượng tuần tháng 10-1998, tại TP Thanh Hóa đã diễn ra cuộc hội thảo khoa học đóng góp cho cuốn Địa chí thành phố Thanh Hóa do nhà giáo Vũ Lê Thống, Phó Chủ tịch phụ trách khối văn xã của UBND TP Thanh Hóa hồi đó chủ trì. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa và các chuyên ngành khoa học khác như khí tượng thủy văn, thổ nhưỡng, địa chí, kinh tế, an ninh, quốc phòng... từ Hà Nội vào tham gia nhiều ý kiến đóng góp thẩm định, gợi mở khá thú vị, trong đó ý kiến của Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh*, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) rất được hội thảo quan tâm.

Du khách tham quan làng cổ Đông Sơn. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Ông đã đưa ra một thông tin rất mới. Đó là ở đảo Sumatra của Indonesia có một làng Đông Sơn, chính giáo sư đã đến tận nơi và được nghe cư dân của ngôi làng này kể, tiền nhân của họ đời đời truyền lại cho con cháu rằng, nguồn gốc giống nòi của họ từng cư ngụ ở một làng Việt Nam có tên gọi là làng Đông Sơn, sau đó bị phiêu dạt ra Nam Dương quần đảo (Indonesia) từ thời thượng cổ. Kể rồi, họ hỏi rất tỉ mỉ về cái làng Đông Sơn ở Việt Nam, cội nguồn xa xưa của mình hiện nay như thế nào!

Tôi chỉ là một người làm phim nhưng luôn có chút máu mê lịch sử nên sau hội thảo tôi nuôi ý định xin gặp Giáo sư Ngô Đức Thịnh để hỏi thêm về thông tin trên. Nhân có nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Kim Lữ, tác giả biên soạn cuốn Địa chí thành phố Thanh Hóa là người đồng hương mang bản thảo từ trong Thanh ra Hà Nội mời Giáo sư Ngô Đức Thịnh biên tập và viết lời giới thiệu cho cuốn sách, tôi theo ông Lữ đến chào Giáo sư Ngô Đức Thịnh tại tư gia của ông ở một khu phố ngoại đê sông Hồng đoạn gần Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Khi hỏi thêm ông về thông tin quý hiếm nêu trên, ông nói, chuyến công tác của ông có nhiều công việc đã lên kế hoạch từ trong nước, thời gian có hạn, việc đi lại ở quốc đảo Indonesia rất khó khăn nên ông chỉ chứng kiến việc này như một điều mắt thấy tai nghe và nhân dịp hội thảo về cuốn địa chí thì thông tin lại cho lãnh đạo TP Thanh Hóa lưu ý quan tâm và đưa vào cuốn sách quan trọng của địa phương như một chi tiết để tham khảo, hoặc nghiên cứu, tìm kiếm tiếp vậy thôi. Tôi năn nỉ, với vị trí công tác và uy tín trong nghiên cứu văn hóa lịch sử của ông, ông nên có thêm nhiều đề xuất nữa để các cơ quan hữu trách của Trung ương, của tỉnh Thanh Hóa và TP Thanh Hóa quan tâm đến việc này. Tôi còn hứng chí nói thêm, nếu xác định được ngôi làng ấy có nguồn cội từ làng Đông Sơn, Thanh Hóa, Việt Nam thì việc này sẽ ngang ngửa với sự kiện hậu duệ của Hoàng tử nhà Lý, Lý Long Tưởng từ Hàn Quốc tìm về cố quốc Đại Việt, cố hương Bắc Ninh của họ. Giáo sư Ngô Đức Thịnh gật gù tâm đắc nhưng chắc rằng ông bị nhiều công việc nghiên cứu khác cuốn hút, hoặc đã đề xuất nhưng chưa có hồi âm nên không thấy ông nhắc lại.

Sau đó trong một vài dịp được học Giáo sư Trần Quốc Vượng và Giáo sư Phạm Đức Dương ở Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, tôi có thưa lại câu chuyện Giáo sư Ngô Đức Thịnh đã kể, thầy Vượng đưa ra giả thuyết, có thể một bộ phận cư dân của làng Đông Sơn thời cổ đã chạy giặc Mã Viện nhà Hán, bạt sang quần đảo Nam Dương rồi lập làng tại đó. Tuy qua hàng ngàn năm sinh sống ở xứ người nhưng họ vẫn giữ tên làng của tổ tiên và bản sắc lề thói của ông cha. Nói rồi, thầy giảng thêm: Theo sách Hậu Hán thư, vào tháng Chạp, năm 17 niên hiệu Kiến Vũ nhà Đông Hán (tức tháng 1 năm 42 CN), viên lão tướng Mã Viện, được vua Hán phong là Phục Ba tướng quân cử đi đánh dẹp ở Lĩnh Nam. Sau khi đã chiếm xong quận Giao Chỉ có kinh đô Long Biên của Trưng Nữ Vương, tháng 10 năm 19 niên hiệu Kiến Vũ (44 CN), Viện đem 2.000 lâu thuyền cùng hai vạn quân thủy bộ vây đánh thành Tư Phố là quận trị của Cửu Chân và các thành trì khác trong quận này. Có trận đánh, quân Mã Viện đã giết và bắt hơn hai ngàn người Việt... Từ đấy suy ra, dân tình Cửu Chân, đặc biệt dân tình làng Đông Sơn bị hoảng loạn biết chừng nào vì làng Đông Sơn chỉ cách thành Tư Phố vài cây số đường chim bay. Thế nên, việc dân làng Đông Sơn phải chạy giặc là một thuyết có thể tin cậy được.

Thầy Phạm Đức Dương, nguyên là Viện trưởng Viện Đông Nam Á của Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đồng ý với giả thuyết của thầy Vượng nhưng bổ sung thêm, dân Cửu Chân và nói chung là cư dân vùng Bách Việt rộng lớn ở phía Nam sông Dương Tử cho đến các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam chuộng nghề đánh cá, họ đã xăm mình những hình giao long, thuồng luồng và vươn khơi đánh cá như một nghề mưu sinh chính. Thử đặt thêm một giả thuyết, có thể là, một nhóm người đánh cá nào đó của làng Đông Sơn do gặp bão, hoặc do lạc phương hướng mà dạt vào cư ngụ ở đảo Sumatra của Indonesia chăng? Nói thế rồi, Giáo sư Phạm Đức Dương khẳng định: “Có thể lắm chứ!”.

Năm 2008, tôi may mắn có chuyến công tác ba ngày trong khuôn khổ hội nghị trù bị của LHP Châu Á - Thái Bình Dương tại TP Jakarta, thủ đô của Indonesia. Trước khi đi tôi đã ấp ủ một dự định mạo hiểm sẽ tìm đến ngôi làng Đông Sơn mà Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh đã nêu ra trong cuộc hội thảo tại TP Thanh Hóa mười năm trước đó. Tôi báo cáo riêng với NSND Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người trực tiếp thay mặt Bộ trưởng phụ trách khối nghệ thuật trong Bộ. Thứ trưởng Lê Tiến Thọ rất đồng tình ủng hộ. Ông còn xin cho tôi ở lại Indonesia hai ngày nghỉ tự túc cuối tuần, sau đợt công tác để có thêm thời gian đi lại. Nhưng khi đến Indonesia tôi mới được biết thêm, Jakarta nằm trên đảo Java cách thành phố trung tâm của đảo Sumatra là Medan gần ba ngàn ki lô mét và muốn đến đó chỉ có hai loại phương tiện là máy bay và phà biển. Đúng là phương tiện giao thông đi lại rất khó khăn như Giáo sư Ngô Đức Thịnh đã vài lần nói với tôi. Tôi đem nguyện vọng của mình nhờ các đồng nghiệp điện ảnh Indonesia giúp đỡ. Họ rất nhiệt tình và làm các động tác tìm thông tin về làng Đông Sơn ở đảo Sumatra. Nhưng việc tìm kiếm không hề dễ vì đảo Sumatra thực ra là một quần đảo rất lớn trong thành phần của quốc đảo Indonesia, diện tích của quần đảo này gần gấp rưỡi diện tích nước ta (473.842 km2) dân số xấp xỉ 50 triệu người, cư ngụ trên ba, bốn trăm hòn đảo nên không thể nhanh chóng tìm ra được ngôi làng có tên Đông Sơn, nguồn gốc từ Thanh Hóa, Việt Nam. Lại gặp phải đận Indonesia đang bị nạn cháy rừng, khói tràn sang cả Malaisia và Singapore, nhiều sân bay nội địa và quốc tế không thể hoạt động được. Thời gian năm ngày kết thúc nên tôi phải quay về Việt Nam. Các bạn điện ảnh Indonesia của tôi có hứa sẽ tiếp tục giúp tìm kiếm nhưng có lẽ do gặp nhiều khó khăn nên sau đó, tôi thư từ cho họ mấy lần mà không có hồi âm.

Năm 2014, nhà giáo, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa Vũ Lê Thống ốm nặng, tôi đến thăm ông ở Bệnh viện Bạch Mai, ông cầm tay tôi nhắc lại ý kiến mà Giáo sư Ngô Đức Thịnh đã nêu ra trong cuộc hội thảo về cuốn Địa chí thành phố Thanh Hóa hồi năm 1998, tôi vắn tắt kể lại cho ông một số việc tôi đã làm nhưng chưa thành. Đến nay, là giữa năm 2020, tôi vẫn coi đó là một món nợ với TP Thanh Hóa, với cố nhà giáo Vũ Lê Thống, với làng cổ Đông Sơn và cả cái làng Đông Sơn ở đảo Sumatra mà Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh đã nêu ý kiến phát hiện từ 22 năm trước.

Để kết thúc bài báo nhỏ này, tôi mong muốn được đề nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo TP Thanh Hóa sẽ làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam để lập một đề án khả thi, sao cho xác định được ở đảo Sumatra có một làng Đông Sơn, nguồn cội từ làng cổ Đông Sơn, Việt Nam, nơi phát tích văn minh trống đồng và là một nền văn hóa của nhân loại. Việc này sẽ vô vàn khó khăn nhưng nếu làm được sẽ là một sự kiện lịch sử văn hóa nổi bật của không riêng Thanh Hóa mà của cả đất nước Việt Nam chúng ta.

Ghi chú: Rất tiếc là Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh mới tạ thế hôm mồng 6 tháng Sáu năm 2020.

Lê Ngọc Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/co-mot-lang-dong-son-o-idonesia/124600.htm