Có một nghĩa trang lạ ở Hưng Yên

Trong khi những khu mộ xây dựng một cách phô trương mọc lên ở khắp nơi thì tại Hưng Yên, từ hàng chục năm trước đã có một nghĩa trang khang trang nhưng tiết kiệm, văn minh.

Trong khi những khu mộ xây dựng một cách phô trương mọc lên ở khắp nơi thì tại Hưng Yên, từ hàng chục năm trước đã có một nghĩa trang khang trang nhưng tiết kiệm, văn minh.

Nằm ven đường vào thôn Ngô Xá, xã Quảng Lãng, H.n Thi, Hưng Yên là một nghĩa trang nhân dân ngăn nắp khiến nhiều người nhầm tưởng đó là nghĩa trang liệt sĩ chứ không phải là nghĩa trang do người dân xây dựng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ đầu những năm 1960, dân làng đã chuyển toàn bộ mồ mả từ các cánh đồng về một nghĩa trang. Mỗi dòng họ được chia một khu vực, nhưng do điều kiện kinh tế không cho phép nên hầu hết các ngôi mộ đều đắp đất.

Năm 1980, ý thức được việc cần dành đất cho sản xuất, đồng thời tạo điều kiện cho việc thăm viếng, người dân thôn Ngô Xá đã bàn bạc và đi đến thống nhất giữa 6 dòng họ là Đào, Cao, Nguyễn, Vũ, Đỗ, Lưu là xây nghĩa trang đồng bộ.

Theo quy định của nhân dân trong thôn lúc bấy giờ, mỗi ngôi mộ chỉ được dùng tối đa 350 viên gạch, một tạ xi măng, 5 tạ cát và quét vôi trắng, nhằm tạo nề nếp cho người dân dễ dàng thực hiện, thuận lợi cho việc giám sát của chính quyền.

Năm 1988, khi xây dựng quy ước làng văn hóa, thôn Ngô Xá lại quy định mộ cát táng dài 1,2m, rộng 0,6m, cao 0,5m, xây thẳng hàng theo hướng bắc nam, khoảng cách hàng ngang giữa các mộ là 0,8m, hàng dọc 0,7m, khi cải táng phải để thẳng hàng theo hướng bắc nam và theo hướng từ đông sang tây.

Để phân biệt mộ của các dòng họ với nhau, thôn quy định mộ họ Cao có kiểu mũ bia hình bán nguyệt, mộ họ Vũ vát thêm mặt phẳng trên đầu, còn họ Đào có hình phẳng theo kiểu bán lục giác… Mỗi dòng họ chỉ được xây một ngôi mộ tổ cao 1m, rộng 1,2m, dài 1,6m.

Ông Cao Bá Diệu, quản trang của thôn cho biết: “Cũng có gia đình phá lệ vì cho rằng xây như quy định là không đàng hoàng, to đẹp nhưng chính quyền và các đoàn thể trong thôn đã buộc phải xây lại theo quy định, nếu không thì phải cải táng ở ngoài khu vực của thôn. Những hộ này khi xây dựng lại theo quy định còn phải chịu sự “giám sát” của dòng họ và chính quyền trong hai năm, sau đó ngôi mộ mới được công nhận là “thành viên” chính thức trong nghĩa trang”.

“Dù có là Việt kiều hay cán bộ hay bất cứ ai cũng vậy, thế mới là công bằng và hợp lý. Các dòng họ, các gia đình cũng không cạnh tranh nhau xem dòng họ nào, gia đình nào xây mộ to đẹp, hoành tráng hơn”, một người dân trong thôn cho hay.

Tuy vậy, trong nghĩa trang vẫn còn gần chục ngôi mộ xây sai quy định, có mộ xây tam cấp, có mộ ốp đá hoa, hoặc hai mộ nằm liền nhau. Cụ Cao Văn Vinh, một người dân đã 86 tuổi trong thôn cho biết: Đó là những ngôi mộ xây trước năm 1980, một số xây cách đây gần hai mươi năm, khi chính quyền thôn đang chuyển giao nên không kịp xử lý.

Nghĩa trang thôn Ngô Xá còn quy định khi thăm viếng phải theo sự hướng dẫn của quản trang, mộ cải táng xong, gia chủ phải lấy những thứ không tiêu hết đưa ra ngoài, nghiêm cấm chăn thả gia súc gia cầm, chặt phá cây cối…

Ông Vũ Đình Luyến, trưởng thôn Ngô Xá cho hay: “Để có được nghĩa trang thôn khang trang, sạch đẹp như ngày hôm nay là công lao của các cụ đi trước. Để giữ gìn và phát huy tinh thần đó, cấp ủy của thôn đã họp thống nhất chủ trương rồi đưa ra chi bộ lấy ý kiến, sau cùng là họp bàn với các dòng họ để thống nhất quy ước. Khi đã có quy ước, nhân dân sẽ tự giác thực hiện dưới sự giám sát của chính các họ với nhau, rồi mới đến chính quyền thôn”.

Ông Luyến cho biết thêm, thôn cũng dự tính mở rộng quỹ đất cho việc cải táng của các dòng họ. Theo đó thôn sẽ chia đất cho các dòng họ sang ô đất ngay bên cạnh, diện tích phụ thuộc vào suất đinh của họ đó.

“Theo chúng tôi được biết thì đây là nghĩa trang nhân dân duy nhất của tỉnh Hưng Yên đã được xây dựng từ hàng chục năm trước, theo một mô hình thống nhất, chống lãng phí”, ông Luyến chia sẻ.

Lê Miền

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/nhip-song-dia-phuong/co-mot-nghia-trang-la-o-hung-yen-112425.html