Có một ngòi bút góc cạnh

Trần Hoàng ở Báo Quân đội nhân dân (QĐND) không lâu (1983-1990), nhưng ngòi bút của anh cũng để lại những dấu ấn nhất định trong lòng bạn đọc. Có được thành công bước đầu ấy, theo tôi, là nhờ anh lấp lánh hai tố chất rất cần cho một phóng viên: Sự say mê nghề nghiệp và khả năng phát hiện.

Trần Hoàng tới Cơ quan Đại diện phía Nam Báo QĐND nhận nhiệm vụ lúc anh còn rất trẻ, mang hàm thiếu úy, mới tốt nghiệp lớp đào tạo phó đại đội trưởng về chính trị Trường Quân chính Quân đoàn 4. Trưởng ban Đại diện, Đại tá Nguyễn Vũ Linh xếp Hoàng làm trợ lý Thư ký tòa soạn (TKTS), công việc chủ yếu là sửa bài từ chữ không dấu ra chữ thường, có dấu, cho bộ phận sắp chữ chì (anh em gọi nôm na là "thả dấu"). Hoàng không muốn đóng vai "thả dấu" mà muốn sang bộ phận viết bài, hạ quyết tâm đổi việc bằng cách tranh thủ viết nhiều tin, bài cho báo. Do trước đây đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và cộng tác với Thông tấn xã Việt Nam nên Hoàng tác chiến nhanh, tin, bài xuất hiện đều trên báo. Tôi lúc ấy là Phó trưởng ban Đại diện phụ trách Tổ phóng viên, vừa nhắc Hoàng phải làm tốt nhiệm vụ TKTS, đồng thời khuyến khích anh viết báo. Trong công việc, Hoàng rất chỉn chu, có trách nhiệm. Anh em TKTS phía Nam trực xuất bản rất vất vả, không ít lần đường truyền trục trặc, phải thức trắng đêm. Xong việc, kíp trực còn sang tận Xí nghiệp In 5 kiểm tra trước khi máy chạy. Trần Hoàng ở tại cơ quan, sẵn sàng gánh việc thay cho trợ lý biên tập khác vì lý do gì đó, nghỉ đột ngột.

Cho đến nay tôi vẫn không quên ngày ấy, sau một đêm thức "thả dấu", Hoàng ghé mái tóc dài vào vòi nước ngay cửa nhà ăn tập thể cho ướt sũng, lau qua người, ăn vội bát cơm rồi xách chiếc xe đạp “cuốc” cao lêu đêu đi sục tìm tài liệu. Khi đi lấy tài liệu, Hoàng luôn bám sát thực tế do đó tin, bài đều nóng hổi. Sự định hướng rõ ràng cho bản thân và ý chí phấn đấu cao đã mang lại hiệu quả mong muốn: Năm 1984, Trần Hoàng là trợ lý TKTS đầu tiên chuyển sang Tổ phóng viên. Được làm công việc mình ưa thích, chàng trai trẻ tha hồ bộc lộ khả năng và nhiệt huyết. Và như anh tự bạch trong quyển sách “Thăm thẳm một thời” (xuất bản năm 2011): Làm báo QĐND là những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời.

Nhà báo Trần Hoàng.

Năm 1986, phóng viên Trần Hoàng nhận lệnh ra tòa soạn ngoài Hà Nội công tác. Anh là phóng viên phía Nam đầu tiên thực hiện “đổi đầu”. Ra “đại bản doanh” Báo QĐND hành nghề. Thời gian thường trú tại Hà Nội theo quy định là 6 tháng, nhưng Hoàng kéo ra hơn một năm.

“Phát hiện” là tố chất hết sức cần thiết của người làm báo. Phát hiện cái mới, nét độc đáo trong muôn ngàn sự việc bề bộn, phát hiện ra “mỏ tài liệu” và khai thác đến tận cùng… là một việc khó. Trần Hoàng phần nào có được tố chất quý giá đó. Xin nêu hai ví dụ điển hình:

Một lần, tôi cùng Phó trưởng ban Đại diện Trần Thế Tuyển và phóng viên Trần Hoàng đi Củ Chi. Sau hai ngày làm việc với Huyện ủy, UBND huyện và anh Ba Tẻo, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện, Trần Hoàng xin ở lại. Chục ngày sau Hoàng về, mặt mày phờ phạc, chỉ đôi mắt là tươi rói. Một tuần sau, anh đưa tôi bài ký dài: “Niềm tự hào và nỗi xót đau âm thầm”, nói về số phận thương binh, bệnh binh và các bà mẹ có công vùng Đất thép nhưng hiện đang bị lãng quên, sống quá khổ. Quả thật, đọc tới đoạn anh thương binh nặng Đặng Hồng Nết què chân, mất một mắt, mảnh đạn còn găm trong đầu, ngực và chân tay, bước đi vẹo vọ vẫn ngày ngày chui xuống lòng đất đào giếng thuê lấy tiền nuôi vợ bị chấn thương sọ não và đứa con gái tâm thần, ai cũng phải khóc...

Ví dụ thứ hai: Cuối năm 1985, tòa soạn cử Trần Hoàng sang Campuchia dự lễ tổng kết, mừng công của Sư đoàn 5. Khi nghe báo cáo điển hình, anh "chấm" ngay đơn vị đang ở vùng biên giới Poi Pét đầy nguy hiểm. Về tòa soạn, sau 10 ngày “cày sâu cuốc bẫm”, Hoàng đưa tôi bút ký: “Thế trận Tây Bắc Campuchia”, bài được đánh giá cao.

Đến thời “đổi mới”, cuộc chiến chống tiêu cực trong làng báo Việt Nam nói chung, Báo QĐND nói riêng, rất sôi động. Nhà báo Trần Hoàng đã tham gia tích cực. Tuy không học trường luật nhưng Hoàng chịu khó đọc, chú ý cập nhật những chủ trương, chính sách mới ban hành... Nhờ vậy, hầu hết những vụ việc Hoàng làm mang lại kết quả tốt, không có vụ việc nào sai, phải xin lỗi.

Năm 1990, Trần Hoàng đang độ sung sức, viết khỏe, bước đầu có chất giọng riêng thì đột nhiên xin nghỉ hưu sớm để thử sức trên những lĩnh vực khác, như: Chủ thầu xây dựng, làm thơ văn, hội họa và gần đây là sáng tác nhạc. Tuy nhiên, làm báo vẫn là cái nghiệp của Trần Hoàng. Điều này rõ nhất khi tôi cùng anh em trong Ban liên lạc truyền thống phía Nam Báo QĐND phối hợp với Ban Đại diện làm cuốn hồi ký “Nghề báo-nợ đời-tình người”, Trần Hoàng một lần nữa thể hiện rõ sự đam mê nghề nghiệp. Anh bỏ tiền túi thuê khách sạn ở Tân Bình để tiện bàn bạc với chủ biên và rảnh rang viết bài, gom bài, biên tập...

Trần Hoàng xuất thân trong một gia đình trí thức, kinh tế khá giả, 3 người em đều thành đạt, con gái Tố Hảo và Tố Hiền đều học giỏi… nhưng thật không may, thể lực anh lại sớm suy kiệt và để rồi ra đi mãi mãi! Nhớ về Trần Hoàng, người ta nhớ nhiều đến những bài báo góc cạnh của anh trên Báo QĐND.

TP Hồ Chí Minh, ngày 23-10-2018

PHẠM ĐÌNH TRỌNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/co-mot-ngoi-but-goc-canh-552888