Có một 'Người Thầy không bục giảng'

Đào tạo hàng trăm luật sư 'ra lò' tại Văn phòng luật sư Vạn Lý, giờ đây cứ đến ngày 20/11, các học trò lại nhớ tới 'Người thầy không bục giảng' - LS Nguyễn Trường Thành.

Từ sáng sớm 20/11, điện thoại, thư điện tử của luật sư Trường Thành (trưởng Văn phòng luật sư Vạn Lý - Cần Thơ) lại rung chuông liên tục bởi những tin nhắn chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Những người gửi tin chúc mừng là những luật sư đã thành danh tại vùng ĐBSCL và một số tỉnh thành khác trên cả nước - họ là những “học trò” được ông đào tạo, “nhào nặn” tại Văn phòng luật sư Vạn Lý, nơi mà họ gọi đó là lớp, là trường.

Luật sư Nguyễn Trường Thành, nói chữ tín được đặt lên hàng đầu, giúp mang lại công lý cho nhiều người luôn thôi thúc trong lòng ông, bởi vậy những học trò do ông hướng dẫn, đào tạo đều được nhắc nhiều đến cái tâm, chữ tín và từng bước nâng tầm qua thực tiễn. Ảnh: Tâm Y

Chính tại nơi đây, nhiều người học luật đến thực tập, nghiên cứu, nhờ ông hướng dẫn, cộng tác… đã “ra trường” và giờ trở thành những luật sư giỏi. Chính sự chỉ bảo tận tình bằng cái tâm, cái tầm, bằng thực tiễn của một luật sư giỏi mà những học trò đã gọi ông là Thầy - một người Thầy không đứng trên bục giảng. Hàng năm, cứ đến ngày 20/11, những học trò từ khắp các tỉnh lại trở về Cần Thơ để họp mặt, chúc mừng người Thầy của mình - luật sư Nguyễn Trường Thành.

Nói Người thầy không bục giảng vậy cho vui, đúng thực tế hiện nay, tuy nhiên trong quá khứ luật sư Trường Thành từng là giáo viên giảng dạy các môn Luật Hiến pháp, Luật Hình sự, Luật liên quan đến hợp đồng kinh tế… tại Trường Nghiệp vụ Công an Hậu Giang (cũ), Trường Đảng Tỉnh ủy Hậu Giang (cũ), Khoa Kinh tế Nông nghiệp - đại học Cần Thơ, Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ, Trường Trung học Nông nghiệp Cần Thơ (nay là Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật)…

Những năm gần đây ông chú tâm vào công việc của Văn phòng luật sư Vạn Lý, nhưng niềm đam mê giảng dạy vẫn còn thôi thúc khi ông vẫn còn nhận thỉnh giảng các lớp luật sư của Học viện Tư pháp, giảng các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các luật sư trẻ thuộc Đoàn Luật sư TP Cần Thơ. Hiện tại, ông đang “đứng lớp” tại một số bệnh viện để giảng luật khám bệnh, trị bệnh và xử lý tai biến Y khoa cho cán bộ, bác sĩ, y tá, điều dưỡng…

Niềm tự hào của Luật sư Trường Thành là khi những học trò do ông đào tạo giờ đã sống được với nghề, đóng góp được nhiều cho sự phát triển của xã hội thông qua nghề, góp phần vào sự phát triển chung của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Mỗi năm, lại có vài người từ văn phòng luật sư của ông thôi cộng tác để “ra riêng" mở văn phòng luật sư. Và luật sư Thành không coi đó là chuyện buồn, ngược lại ông xem đó là một niềm vui, bởi theo ông, các học trò do ông hướng dẫn đào tạo giờ đã “đủ lông đủ cánh” để có thể tự mình xây dựng thương hiệu riêng, mang lại những giá trị pháp lý thật sự cho khách hàng, thân chủ. Có thể kể đó là luật sư Thanh Tĩnh - trưởng VP luật sư Thanh Tĩnh, luật sư Đặng Trọng Toại - trưởng VP luật sư Thanh Liêm, Nguyễn Thị Thanh Tâm - trưởng VP luật sư Thanh Tâm, luật sư Nguyễn Văn Thông - trưởng VP luật sư Vân Anh…

Hiện tại, luật sư Thành cho biết đang hướng dẫn, đào tạo 4 chuyên viên pháp lý tại văn phòng của mình, trong đó 1 người tập sự, 3 người đang đào tạo để trở thành luật sư. Văn phòng luật sư Vạn Lý cũng đã đào tạo cán bộ cho riêng mình để mở chi nhánh văn phòng luật sư Vạn Lý tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Đắc Nông. Luật sư Hồng Thủy, một người được ông đào tạo trong nghề, xem ông là một người Thầy đã nhận xét về luật sư Thành đầy chân tình: “Luật sư Thành là một người rất giỏi nghề, tận tâm trong công việc, có trách nhiệm với thân chủ; riêng việc hướng dẫn nghề cho các luật sư trẻ thì ông ấy tâm huyết, chỉ bảo tường tận, kỹ càng, phân tích đúng sai qua từng ngóc ngách, qui định của pháp luật để các học trò của mình hiểu, áp dụng, phân tích khi tiến hành bảo vệ cho thân chủ”.

Luật sư Nguyễn Trường Thành, nói chữ tín được đặt lên hàng đầu, giúp mang lại công lý cho nhiều người luôn thôi thúc trong lòng ông, bởi vậy những học trò do ông hướng dẫn, đào tạo đều được nhắc nhiều đến cái tâm, chữ tín và từng bước nâng tầm qua thực tiễn. “Tôi tự hào khi những học trò do mình đào tạo giờ đã sống được với nghề, đóng góp được nhiều cho sự phát triển của xã hội thông qua nghề, góp phần vào sự phát triển chung của hệ thống pháp luật Việt Nam. Đã khơi gợi cho các học trò truyền thống nghề nghiệp, yêu nghề, đảm bảo sự công bằng, bảo vệ lẽ phải, hướng tới sự công bằng đúng luật pháp”, Người Thầy không bục giảng - luật sư Nguyễn Trường Thành chia sẻ.

Video: Cần Thơ - Đô thị sông nước đáng sống

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/co-mot-nguoi-thay-khong-buc-giang-d136499.html