Có một nhà văn... Du An

Nhà văn Du An tên thật là Nguyễn Anh Dũng. Ông tuổi Bính Ngọ, cái tuổi chẳng chịu ngồi yên, kiểu người thích chạy nhanh, đi xa, cầm tinh con Ngựa mà lỵ. Trò chuyện cùng tôi, ông cho biết rằng: 'Từ hồi còn là sinh viên tôi đã 'chú tâm' tới việc viết văn làm thơ. Bút danh Du An do anh bạn Trương Thiếu Huyền (Nguyễn Văn Trường), học cùng lớp đặt cho'.

Ông học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, khóa 1983 - 1987. Dạo đó phong trào sáng tác thơ văn ở Xuân Hòa rất khí thế, với chủ soái là thầy giáo - nhà thơ Trần Hòa Bình. Trong số sinh viên yêu văn chương ấy, tiêu biểu có Nguyễn Văn Trường, từ mấy bài thơ, bài viết in báo, đã thành Trương Thiếu Huyền (do thầy Trần Hòa Bình đặt bút danh). Năm 1986, một buổi chiều, tại phòng Trương Thiếu Huyền, Nguyễn Anh Dũng bày tỏ mong có một bút danh như anh Trường đã thành Trương Thiếu Huyền. Và, mấy phút sau, từ tờ giấy viết đầy đủ tên ra, bớt chữ, đảo thứ tự … đã có một "nhà văn" Du An.

Bút danh Du An ra đời như thế và nó như một "thách thức không hề nhỏ", đó là "bắt" Nguyễn Anh Dũng phải viết và viết cho xứng với người đã có bút danh văn học. Nhưng sự đời đâu dễ dàng, mà cái tuổi Ngựa hình như cũng "vận" vào người. Ra trường, Nguyễn Anh Dũng được điều lên tỉnh Lai Châu, ông được phân công về Trường phổ thông cấp 2 - 3 Mường Ảng ở huyện Tuần Giáo để dạy văn. Ông đứng bục giảng liền tù tì những 20 năm.

Thực ra, sau quãng thời gian dài dạy văn phổ thông nhưng anh giáo Nguyễn Anh Dũng vẫn kiên trì và đều đặn viết văn, làm thơ với mong muốn bút danh Du An được mọi người biết đến và yêu thích. Quãng thời gian "gõ đầu trẻ" những hai thập niên đã cho ông tích lũy được nhiều chuyện đời, chuyện nghề nơi biên viễn phía Tây xa xôi. Thế là khi Báo Tiền phong tổ chức "Cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh" thì anh giáo Dũng hăng hái tham gia.

Chùm thơ 2 bài "Lớp học trên bản Mông" và "Tình yêu một nửa" được gửi đi từ chân đèo Tằng Quái, tỉnh Điện Biên, về số nhà 15 phố Hồ Xuân Hương, Hà Nội. Bằng vốn sống thực tế của bản thân, anh giáo Dũng, tức cây bút trẻ Du An đã viết: "Bản trên đây với tay là mây trắng/ Quá trưa mới thấy mặt trời lên/ Người Mông bao đời lang thang nương rẫy/ Lớp học gọi về từ chiếc bảng đen/ Nguyên thô cây rừng là bàn là ghế/ Học trò tuổi mười lăm… ba mươi…. Cô giáo người Kinh trẻ quá/ Giữa trập trùng rừng núi cao xanh".

Thơ được in báo và cũng có nghĩa là bút danh Du An được "chấp nhận" đã như một liều thuốc "kích thích" anh giáo Dũng viết và viết. Nhà văn Du An cho biết: "Rồi tôi chuyển sang viết văn xuôi, bắt đầu từ những bài báo được in từ năm 1990 trên các báo: Tiền phong, Thiếu niên tiền phong. Cho đến năm 2010 tôi mới có ý thức viết văn xuôi một cách tập trung".

Được biết, sau khi thôi dạy học, năm 2008, anh giáo Dũng được chuyển về Hội Văn nghệ tỉnh Điện Biên. Về làm công tác Hội nên cây bút Du An đã viết văn xuôi có ý thức hơn và đều đặn hơn. Và năm 2010 thì truyện ngắn đầu tay "Học trò nội trú" được in trên Báo Văn nghệ. Cũng năm đó, cây bút trẻ Du An có bài thơ lần đầu "bén sân" Tạp chí Văn nghệ quân đội, đó là bài "Cánh đồng Điện Biên".

Du An đã viết: "Hầm Đờ Cát lùn tịt/ Những chiếc xe tăng hoen gỉ/ Biển di tích ghi ngày tháng/ Ta và Tây/ Máy bay treo cao ngọn khói/ Mắt nhờ cánh diều trẻ con...". Nhà văn Du An cho biết: "Nhà tôi ở phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ nên hàng ngày tôi đều đi về ngang qua sân bay Điện Biên, ngang qua cánh đồng Mường Thanh". Và "Núi tròn sinh ra vòng xòe tròn/ Cánh đồng vuông sinh ra hòm thóc/ Tất cả cứ sinh sôi và nước mắt/ Không trùng tu", từ những câu thơ chân chất Du An đã "vẽ" thêm một chân dung Điện Biên hôm nay.

Quê ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, chính ở nơi rừng cọ đồi chè này đã gieo vào tâm hồn chàng trai Du An những âm hưởng của "chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca". Rồi khi lên Điện Biên lập nghiệp, anh giáo Dũng nên duyên với một cô gái quê xứ Nghệ, chắc cũng vì sẵn có "hào khí trung du" nên rất nhanh, anh giáo Dũng trở thành rể của một chiến sĩ Điện Biên Phủ. Ông bố vợ của anh giáo Dũng chắc cũng vì quá yêu mến mảnh đất Điện Biên "chấn động địa cầu" nên sau ngày chiến thắng ông đã về quê đón người vợ trẻ lên "chiến trường xưa" thành công nhân nông trường. Chắc cũng vì "lây" từ người cha vợ nên anh giáo Dũng "ở lỳ" Điện Biên đến tận bây giờ?

Nhà văn Du An cho hay: "Điện Biên là mối tình đầu của tôi". Phải quá đi rồi, tình đầu đâu dễ nhạt phai. Chính vì đây, ở mảnh đất Điện Biên này, anh giáo Dũng đã có những buổi đứng lớp đầu tiên trong đời giáo chức. Chính ở đây, ở Điện Biên này, anh giáo Dũng đã tìm được mối tình đầu chung thủy và cũng chính ở đây những bài thơ, bài báo, rồi truyện ngắn được "sinh thành" và lớn dậy.

Một số tác phẩm của nhà văn Du An.

Một số tác phẩm của nhà văn Du An.

Nhà văn Du An dường như chung tình với những "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy", ông hướng đề tài, hướng ngòi bút của mình vào những mảnh đời, những làng, những bản cùng những nội hàm sâu đậm tình đất tình người Tây Bắc, về những người đồng nghiệp, người giáo viên nhân dân và lớp học trò vùng cao ngây thơ trong trắng.

Nói về đất nước con người Điện Biên, nhà văn Du An đã viết trong truyện ngắn "Mùa nương": "Tối hẳn thì về đến bản. Tiếng lợn gà, ngựa rùng chân... hợp âm đòi ăn âm âm, nôn nao. Hạ đang định ngồi xuống một mỏm đá trước ngôi nhà to dài thì cô gái bảo: vào đây, ở nhà em luôn thôi. Không, phải đem giấy trình trưởng bản. Ô! Không phải đâu, cán bộ nào lên cũng ở nhà em mà. Cái váy đang sát mặt Hạ như có ma lực, Hạ đứng lên theo cô gái…". Hay như những câu thơ rất "rừng rú" trong bài thơ "Khi biết quả còn": "Quả còn xoay tròn chín vòng trên đầu năm ngón tay/ Nóng rực lên từ đấy/ Đôi má đôi môi có thể là sẽ cháy/ Hoặc thêm một trận gió Lào/ Đôi vú đang rướn cao/ Và váy phần phật gió/ Gió có đường của gió/ Cái lối mòn mình đi từ bé đến nắm được dây còn/ Ngôi nhà sàn mình khóc từ khi oe oe/ Đến khi cả đêm gối đầm nước mắt/ Con suối tắm truồng lớn bé đều biết/ Bỗng một ngày theo gió tìm hương".

Và khi nói về nghề dạy học của mình, nói về những lứa học trò người dân tộc thiểu số, nhà văn Du An đã viết trong bài thơ Bồng bềnh Pú Cai: "Em đi từ trời ban trắng/ Khăn Piêu váy áo đến trường/ Bao nhiêu con mắt ngơ ngác/ Hoa rừng thật xinh thật thương/ Hỏi em sao mà cơn gió/ Ngày ngày theo đôi chân thon/ Hỏi em trên đôi môi thắm/ Mùa xuân trong bản còn vương/ Cái đêm em mười lăm tuổi/ Nghe tiếng chọc sàn con trai/ Em học to bài tiếng Việt/ Liền ngay những tiếng thở dài".

Không chỉ dừng lại ở đó, nhà văn Du An bằng cảm nhận của mình còn viết về những người lính biên phòng. Ông đã "khéo" tìm ra những chi tiết tưởng như rất đời thường ấy vậy mà vô cùng thương cảm. Ví dụ như câu thơ trong bài thơ "Đêm Lăng Luông", ông đã viết "Tháng năm chăn chiếu bỏ quên/ Mỗi lần về phép làm quen vợ mình". Câu thơ đã nói đầy đủ được về sự "thiệt thòi" của những người chiến sĩ phải xa nhà, xa người vợ trẻ ở quê nhà để cùng đồng đội ngày đêm canh giữ biên cương. Tôi thốt lên: "Ông viết về chuyện ấy, chuyện vợ chồng lính xa nhà ấy, hay và sâu sắc quá".

Nhà văn Du An cười vui: "Cái tật tôi là thế đó. Chắc cũng là do "nghề nghiệp" mà anh". Thì ra "nghề nghiệp" như nhà văn Du An nói chính là câu chuyện về những người giáo viên cắm bản mà anh cũng đã từng nhiều năm. Người giáo viên cắm bản thì dù là nam hay nữ cũng đều thiệt thòi cả. Xa nhà, xa chồng, xa vợ quanh năm làm bạn với mây núi, với gió rừng. Và như nhà văn Du An đã tâm sự: "Đề tài về miền núi và về thầy trò nơi núi rừng là lựa chọn của tôi".

Nhà văn Du An vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016, ông đã nhận được một số Giải thưởng Văn học, như Giải Nhì quĩ nhà văn Lê Lựu năm 2018, Giải Nhì của Cuộc thi truyện ngắn và ký mang tên "Rừng là cuộc sống của tôi" (Tổng cục Lâm nghiệp, Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức). Gần đây, năm 2022 , ông nhận giải cao nhất của Cuộc thi viết về hình tượng người chiến sĩ CAND, với truyện ngắn "Hai trang Mường Bó". Cũng năm 2022 ông lĩnh luôn giải khuyến khích về thơ viết về "Hình tượng người chiến sĩ cảnh vệ CAND" với bài thơ "Lặng lẽ".

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/co-mot-nha-van-du-an-i695429/