Có một thơ ấu mà 'bệnh viện Bạch Mai như một công viên đẹp'

'Bệnh viện Bạch Mai trong ký ức tôi là công viên nho nhỏ chứ không phải nơi chữa bệnh' - tác giả 'Quái Thú Răng Thỏ' tâm sự.

Quái Thú Răng Thỏ và khu nhà gỗ của tác giả Mây (Nguyễn Thu Hằng) là câu chuyện đẹp về thế giới tuổi thơ ở Hà Nội những năm 1990. Cuốn sách khiến nhiều độc giả thích thú vì kể lại tuổi thơ của những em bé Hà Nội cuối thế hệ 8X, đầu 9X.

Bệnh viện Bạch Mai như một công viên, đơn sơ mà đẹp

- Cuốn sách được giới thiệu là “một thế giới hồn nhiên, được tác giả Mây dựng lại, viết ra”. Vậy bao nhiêu chuyện trong cuốn sách là những kỷ niệm thực của Mây?

- Đó đều là những kỷ niệm của tôi thời thơ ấu. Tôi viết chúng, kể chúng không hề có kỹ thuật gì cả. Khi viết cuốn sách, cảm giác của tôi giống như ta đang kể, tâm sự về những gì đã trải qua.

Trước đây, bốn năm học đạo diễn trong Đại học Sân khấu Điện Ảnh, tôi được các thầy cô hướng dẫn dạy bảo về cách viết, cách kể câu chuyện. Những kỹ thuật thầy cô dạy đó ít nhiều ngấm vào mình, tới nay nó không còn là kỹ thuật nữa, mà là bản năng.

Bởi vậy, tôi viết Quái Thú Răng Thỏ và khu nhà gỗ theo cách con chữ cứ tuôn tràn ra thôi.

Tác giả Mây (Nguyễn Thu Hằng).

- Viết ra từ ký ức, nhưng những kỷ niệm như nào được Mây lựa chọn đưa vào sách?

- Tôi không đưa hết toàn bộ kỷ niệm tuổi thơ vào, mà chắt lọc kỷ niệm để viết.

Do tuổi thơ tôi sống ở nơi quá đặc biệt, sống trong khu tập thể bệnh viện Bạch Mai. Hồi đó khu tập thể đơn sơ lắm, bệnh viện cũng rất đơn sơ. Khuôn viên bệnh viện hồi đó có rất nhiều cây xanh, cây ăn quả nhãn mít, bãi dâu, như một công viên. Động vật có cả sóc, một bầy cừu do các bác sĩ nuôi để làm thí nghiệm… Chúng tôi sống ở đó cùng thiên nhiên chan hòa.

Bệnh viện Bạch Mai trong ký ức tôi là công viên nho nhỏ chứ không phải nơi chữa bệnh. Giờ lớn mới thấy những câu chuyện chia ly như của cô Mận Xanh, chú Táo Chín là điều buồn, tiếc nuối. Giờ nghĩ lại những cuộc tiễn đưa người bệnh ra đi mới thấy buồn.

- Sống trong tập thể bệnh viện tức là cũng gần khu nhà xác, điều đó có khiến tuổi thơ của bạn có kỷ niệm đáng sợ?

- Trẻ con thì thường sợ ma. Với cuốn sách này, tôi muốn miêu tả điều gì đấy đẹp đẽ hơn ở một khu luôn gây sợ hãi cho trẻ con.

Đến giờ tôi mới thấy những kỷ niệm đó đẹp như nào, kể cả nơi mà mọi người nghĩ là đáng sợ như nhà xác, thì vẫn gắn với những ký ức đẹp. Khi chênh vênh, kỷ niệm tuổi thơ như liều thuốc giúp mình tích cực hơn, tươi sáng hơn.

Cuốn sách kể kỷ niệm tuổi thơ của thế hệ cuối 8X ở Hà Nội.

- Cuốn sách mới phát hành đã được tái bản và có nhiều bạn đọc phản hồi tích cực. Cảm xúc của chị ra sao khi được đánh giá cao từ tác phẩm đầu tay?

-Tôi vui khi tác phẩm được đưa đến công chúng. Hy vọng mọi người đón nhận đứa con tinh thần của tôi, hiểu được thông điệp mà tôi gửi gắm trong đó.

Trong sách có thể các bạn ấn tượng nhiều về câu chuyện giữa ba người bạn Ngọc Rùa, Quái Thú Răng Thỏ và King Kong. Nhưng đến nay, khi tôi đã 33 tuổi, câu chuyện với Mận Chín, Táo Xanh là cái gì đặc biệt vô cùng. Đó là câu chuyện về ranh giới giữa sự sống - cái chết, tình yêu thương, họ đã đồng cảm với nhau, trân trọng nhau, đi cùng nhau tới phút cuối cuộc sống.

Câu chuyện này tuy nhỏ, có thể hơi vênh so với những câu chuyện khác trong sách, nhưng tôi cố kể một cách trong sáng nhất để bạn đọc nhỏ cùng tiếp nhận nó.

Muốn con hiểu câu chuyện về tình bạn

- Tuổi thơ ai mà chẳng có ít nhiều kỷ niệm đẹp, nhưng không nhiều người nghĩ sẽ viết sách. Mây đã ấp ủ việc viết sách về tuổi thơ như thế nào?

- Khi viết truyện này, tôi đang có sự chênh vênh trong cuộc sống. Mình thấy ôi sao mình buồn thế này, nếu còn thơ bé thì mình chỉ vui thôi. Đột nhiên ký ức tuổi thơ tràn về. Cứ vậy, những câu chuyện của quá khứ được viết ra.

- Phải chăng cuốn sách này được viết đánh vào tâm lý hoài niệm của những người sinh ra trong thời Bao cấp, Đổi mới?

- Thời nhỏ của tôi là hậu Bao cấp rồi, đã đầy đủ hơn các bậc cha chú. Các bạn trẻ bây giờ lại đầy đủ hơn thời của tôi. Mỗi thời kỳ có một kỷ niệm đặc trưng riêng. Tôi viết cuốn sách này với mong muốn kể câu chuyện để con của tôi hiểu được thời bố mẹ đã sống.

Quái Thú Răng Thỏ và khu nhà gỗ là câu chuyện đẹp về tình bạn.

- Vậy chị gửi gắm cho con điều gì trong sách?

- Tôi muốn con mình học được bài học về tình bạn. Sau này khi lớn lên, những người bạn ấu thơ có hội ngộ với nhau hay không, thì ký ức tình bạn vẫn theo mình đến hết cả cuộc đời.

Cuốn sách này kết thúc bằng sự chia ly. Bức thư in ở cuối sách là một chương nhỏ viết thêm. Qua bức thư, tôi muốn nói với các bạn rằng, sau cuộc chia ly, chúng ta sẽ hội ngộ lại với nhau một ngày nào đó. Tôi không biết chắc có gặp lại King Kong, Ngọc Rùa hay không, nhưng bức thư như một cái kết mở, là niềm hy vọng chúng ta sẽ gặp lại nhau.

Trên thực tế, tôi (Quái Thú Răng Thỏ), King Kong và Ngọc Rùa đã mất liên lạc khá lâu. Tôi hy vọng qua cuốn sách, những người bạn có thể tìm thấy nhau.

- Phải chăng tình bạn của thời chưa có Internet và công nghệ đẹp hơn thời nay?

- Các bạn bây giờ có cách gắn kết riêng. Chưa chắc tình bạn của Quái Thú Răng Thỏ với King Kong, Ngọc Rùa đã đẹp hơn tình bạn bây giờ. Tôi chỉ muốn đưa ra cho con cái sau này câu chuyện của bố mẹ đã có tuổi thơ như nào, tình bạn hồi đó ra sao.

Cũng như việc giờ đây, mỗi lần quay lại khu Bạch Mai, mọi thứ đã quá đổi khác. Thiên nhiên không còn nhiều, thay vào đó là những tòa nhà cao, hiện đại. Hiện đại thì sẽ tiếp cận nhiều hơn với công nghệ y học tân tiến, có thêm cơ hội cứu chữa cho nhiều bệnh nhân hơn nữa.

- Mây từng là biên kịch cho các phim truyền hình “Nếu chỉ là giấc mơ”, “Chân trời trắng”, việc viết kịch bản phim với tác phẩm văn học có gì khác?

- Viết báo, viết kịch bản hay viết sách với tôi đều là niềm vui bản thân. Viết kịch bản hay văn học, với tôi chỉ cần có một cốt truyện, có nhân vật, và tình cảm yêu thương dành cho nhân vật của mình thì nó tạo ra tác phẩm. Về kỹ thuật văn chương tôi không có gì đặc biệt, chỉ viết như bản năng.

Tần Tần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/co-mot-tho-au-ma-benh-vien-bach-mai-nhu-mot-cong-vien-dep-post877434.html