Có nên bỏ 'đếm ca mắc mới' khi đánh giá cấp độ dịch Covid-19?

Hiện nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên bỏ 'đếm ca mắc mới' khi đánh giá cấp độ dịch Covid-19.

"Đếm ca mắc mới Covid-19" có nên bỏ?

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM cho biết: "Theo quan điểm của tôi, việc thống kê số ca mắc mới vẫn quan trọng, vì các ca tử vong, chuyển nặng đều từ ca mắc mới. Thậm chí có ý nghĩa hơn, số ca mới thể hiện sự lây lan trong cộng đồng.

Giả sử từ ca mắc mới đến tử vong thường kéo dài ít nhất nửa tháng hoặc 1 tháng (vì thường sau mắc 5 ngày mới chuyển nặng, 10 ngày sau vào bệnh viện thở máy… kéo dài mới tử vong), số tử vong thường có nhịp trễ nên không thể lấy số tử vong để đánh giá. Ví như hôm nay TP.HCM có 100 người mắc mới, có nên báo động không – theo tôi nên vì không sẽ nguy hiểm, vì con số này sẽ ra ngoài lây lan theo cấp số nhân. Do vậy đợi con số tử vong thì quá trễ".

>

Xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở Đại Áng, Thanh Trì, HN

Xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở Đại Áng, Thanh Trì, HN

Cũng theo ông Dũng, nếu chỉ lấy con số tử vong hoặc nhập viện để đánh giá cấp độ dịch là chưa ổn, đã trễ một nhịp, vì khi tử vong rồi mới tăng cường đáp ứng hệ thống y tế, tiêm chủng, ngăn chặn dịch là muộn rồi. Do vậy, số thống kê ca mới mang ý nghĩa dự báo, chỉ điểm để hành động.

Các quốc gia trên thế giới đánh giá tình hình dịch trên số ca mới. Ví như ở Mỹ đánh giá phân loại quốc gia theo tỷ lệ mắc mới, nếu nơi nào tỷ lệ mắc mới cao sẽ khuyến cáo người dân không nên tới đó. Quốc gia nào không là thống kê tử vong thì người dân cũng không nên tới.

"Do đó, theo tôi nghĩ số ca mắc mới phải có để đánh giá nhưng ngưỡng đánh giá có thể thay đổi. Chẳng hạn ngưỡng đánh giá, có thể để cao hơn dựa trên các yếu tố tỷ lệ tiêm chủng cao, đáp ứng hệ thống y tế tốt…", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, về cơ bản việc đánh giá cấp độ dịch dựa trên các tiêu chí cũ; nếu thay đổi thì nên thay đổi ngưỡng đánh giá ví như nơi tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao, số ca nhập viện, tử vong thấp như vậy số ca mắc cao hơn không quá đang lo; hoặc cùng trong cấp độ dịch thì có thể nới lỏng các biện pháp can thiệp, khi tỷ lệ tiêm chủng cao, ví như trước đây 1 nhà hàng phòng chống dịch được phép tiếp nhận 50% khách hàng thì giờ với tỷ lệ tiêm chủng cao có thể nâng lên 70%...

Tuy nhiên, theo đánh giá của PGS. TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, về điều chỉnh hướng dẫn thực hiện Nghị định 128, nên mạnh dạn bỏ tiêu chí số ca nhiễm mới khi xét cấp độ dịch ở từng địa phương.

Ở thời điểm này, khi tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao thì tiêu chí này không thực sự có nhiều ý nghĩa. Nơi mật độ dân cư đông thì số ca nhiều là điều hiển nhiên khi các hoạt động mở trở lại.

Thay vào đó, các địa phương nên tính toán nguy cơ từ tỷ lệ số ca nhập viện chuyển nặng, tử vong, đáp ứng y tế (giường bệnh, máy thở, số y bác sĩ...) và tương quan dân cư.

Do vậy 3 tiêu chí quan trọng là tỷ lệ số ca nhập viện chuyển nặng, tử vong; đáp ứng y tế và tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19.

Ông Nga cũng nhấn mạnh thêm, việc số ca mắc nhiều cũng cần được hiểu là nhiều ca người lành mang trùng virus (không gây lây nhiễm), không phải tất cả đều là người bệnh.

Đánh giá cấp độ dịch ở quy mô phường/xã có hợp lý?

Ông Dũng cũng cho biết, đánh giá cấp độ dịch khi địa phương đó có dân số đủ lớn, để tránh các sai số ngẫu nhiên, và biện pháp ngăn chặn dịch phải thực hiện được. Ví dụ, nếu giả sử khu vực nhỏ (quận/huyện, phường/xã) đánh giá dịch ít, cho mở nhà hàng thì việc đánh giá đó rất nguy hiểm bởi nếu nơi đó mở thì dân cư những khu vực khác (nơi đánh giá cấp độ dịch cao hơn, cấm mở hàng quán) cũng sẽ ào sang, như vậy hoàn toàn có thể mang mầm bệnh sang lây lan.

Cho nên chỉ phân loại cấp độ dịch nếu biện pháp chống dịch mang tính tổng thể, còn với địa bàn nhỏ việc đánh giá chỉ mang tính hình thức. Điều này có thể gây nên sự phiền nhiễu cho người dân, doanh nghiệp, người dân cảm thấy bất công, dễ có phản ứng tiêu cực, hoang mang… và ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Do vậy chính sách tế công cộng cần phải thống nhất.

Về vấn đề này, ông Nga cho hay: "Ở nơi thành phố đông người, giao lưu đi lại nhiều thì việc đánh giá cấp độ dịch ở khu vực nhỏ như phường/xã, quận/huyện không có ý nghĩa. Ví như Hà Nội, chỉ nên đánh giá cấp độ dịch toàn thành phố;

Việc phân cấp nhỏ để đánh giá cấp độ dịch chỉ nên áp dựng ở vùng hẻo lánh, ở độc lập, ít giao lưu cộng đồng bên ngoài".

Trước yêu cầu rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch cho phù hợp với tình hình mới của Chính phủ, trao đổi nhanh với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Sẽ thay đổi một số chỉ tiêu. Ví như chỉ tiêu số lượng ca nhiễm, sẽ không coi là chỉ số quan trọng, chủ yếu sẽ đánh giá về hệ thống y tế bằng đánh giá số người nhập, chuyển nặng, tử vong; ngoài ra các chỉ số khác vẫn giữ như cũ.

Bên cạnh đó, biện pháp hành chính nên được áp dụng thống nhất theo quy mô tổng thể tỉnh, thành phố, ít nhất là quận, huyện thay vì xã, phường như hiện nay. Việc này giúp hoạt động của người dân tránh bị xáo trộn, thay đổi liên tục.

Hơn nữa, các địa phương có thể chủ động linh hoạt vận dụng để đánh giá cấp độ dịch, ví như có thể tỷ lệ mắc cao nhưng khả năng đáp ứng y tế tốt...

Với tình hình ca mắc mới vẫn trên diện rộng, nên cần kiểm soát nhất chặt chẽ, nhất là đối là với đối tượng yếu thế trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa tiêm vaccine…

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/co-nen-bo-dem-ca-mac-moi-khi-danh-gia-cap-do-dich-covid-19-d539514.html