Có nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê?

Trong buổi gặp gỡ đại biểu Quốc hội đơn vị 6 (quận Phú Nhuận) trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV ngày 2-10, cử tri HTD đã đề nghị chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp (DN) đòi nợ thuê.

Theo ông D., việc Chính phủ cho phép thành lập DN đòi nợ thuê trên cả nước kéo theo nhiều hệ lụy là tình hình an ninh trật tự trở nên lộn xộn, người dân mất niềm tin... Các DN đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen như bắt bớ, đánh đập, nhục mạ, ném bom xăng, sơn, mắm tôm… vào nhà con nợ nhưng không ra mặt, câu kết với xã hội đen bắt con nợ phải ký nợ những khoản tiền tăng cả trăm lần so với khoản nợ. Họ làm phiền cha mẹ, anh chị em, kể cả người thân con nợ ở nước ngoài...

Từ đó, ông D. kiến nghị Chính phủ chỉ đạo chấm dứt hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê. “Cần thực hiện công tác tổng kết 10 năm kể từ khi những DN này được phép hoạt động để đánh giá nó hiệu quả hay chỉ kéo theo những hệ lụy đau lòng” - ông D. nói thêm.

Trước đó, chiều 1-10, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng tháng 9 và chín tháng đầu năm 2018, Thượng tá Nguyễn Quang Thắng (Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM) cho biết dịch vụ đòi nợ thuê trên địa bàn TP đang phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Những kẻ cho vay lãi nặng vì lợi nhuận đã khủng bố người vay để đòi được tiền. Cơ quan chức năng có thể xử lý bằng biện pháp hành chính, hình sự nhưng rất khó xử lý kẻ chủ mưu, núp bóng đứng đằng sau những nhóm đòi nợ thuê.

Về giải pháp bảo vệ các nạn nhân, ông Thắng cho biết Công an TP sẽ giao các đơn vị địa bàn có biện pháp bảo vệ trong các vụ việc người dân trình báo.

Hung khí của một băng nhóm đòi nợ thuê bị công an thu giữ. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Theo Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan, ranh giới giữa việc đòi nợ thuê đúng và vi phạm pháp luật là rất mong manh. Phía đòi nợ đe dọa, sử dụng nhiều hình thức khác nhau tác động đến tâm lý, tư tưởng người khác gây hoang mang về mặt tinh thần. Họ sử dụng lực lượng đông đảo tạo áp lực xã hội. TP.HCM đã kiến nghị trung ương cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê nhưng việc này là cả một quá trình chứ không thể cấm ngay được bởi cần có báo cáo đánh giá tổng thể trên nhiều khía cạnh.

Trước đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh. Trong trường hợp không đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh, UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành những quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động này.

Theo đánh giá của UBND TP, dịch vụ đòi nợ thuê là một trong những hoạt động kinh doanh phức tạp, liên quan nhiều đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, dễ bị phần tử xấu lợi dụng để hoạt động kiểu xã hội đen. Dịch vụ này đang biến tướng, có dấu hiệu câu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Để đòi nợ (theo ủy quyền của chủ nợ), các DN đòi nợ thường sử dụng nhiều chiêu trò đe dọa, mang tính chất xã hội đen, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. Những hành vi như thế này chưa cấu thành tội phạm vì chưa xảy ra hậu quả nên khó xử lý...

Nhiều DN đòi nợ hoạt động “chui”

Tính đến cuối năm 2017, TP.HCM có 65 DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ (vốn điều lệ lớn nhất 200 tỉ đồng, thấp nhất 2 tỉ đồng). Tuy nhiên, chỉ có 44 DN hoàn tất thủ tục và được công an cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để hoạt động. Số DN “chui” còn lại không hoạt động tại địa điểm đã đăng ký.

Công an cũng rà soát, nắm được năm băng nhóm liên quan đến 137 DN cầm đồ có biểu hiện nghi vấn với thủ đoạn cho vay rồi sau đó đi đòi nợ.

TP.HCM đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phối hợp giữa các ngành, các cấp nhằm quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh này theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản quy định cụ thể phạm vi địa bàn hoạt động của các DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Việc DN đăng ký kinh doanh tại tỉnh, thành khác nhưng ủy quyền cho văn phòng đại diện tại TP.HCM thực hiện thu hồi nợ đang gây khó khăn trong công tác quản lý. Bởi lẽ văn phòng đại diện không quy định phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự nên cơ quan công an không quản lý được.

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/co-nen-cam-kinh-doanh-doi-no-thue-796580.html