Có nên châm Fluor vào nước sinh hoạt: Cần một nghiên cứu khoa học

Chỉ khi thực hiện đầy đủ các nghiên cứu, khảo sát về y tế và cho kết quả thuyết phục thì mới nên tiếp tục thực hiện chương trình châm fluor vào nước cấp

Chia sẻ về đề xuất ngưng chương trình châm sodium fluoride vào nguồn nước máy của Sawaco, ông Trương Khắc Hoành, Giám đốc Công ty CP Đầu tư nước Tân Hiệp - Nhà máy nước (NMN) Tân Hiệp 2, thẳng thắn khẳng định NMN Tân Hiệp 2 (cung cấp 250.000 m3/ngày) vẫn châm fluor với nồng độ 0,5 mg/l. Tuy nhiên, là đơn vị vận hành, ông Trương Khắc Hoành cho rằng thật lòng nhà máy không muốn châm fluor vào nguồn nước.

Không còn cần thiết

Theo lý giải của ông Trương Khắc Hoành, hiện nay 100% người dân bổ sung fluor bằng nhiều nguồn; các tỉnh, thành khác như Đồng Nai, Hà Nội, Bình Dương… đã ngừng châm fluor nhiều năm nay nhưng không nghe người dân than phiền về vấn đề răng miệng. Do đó, Sở Y tế TP HCM nên xem xét ngưng chương trình "fluor hóa" nguồn nước hoặc đánh giá lại tính cần thiết trong giai đoạn hiện nay bởi xét cho cùng, fluor là hóa chất.

Ông Vũ Đức Thắng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Kinh doanh nước sạch Sài Gòn, cũng cho rằng giai đoạn trước, chương trình này phù hợp vì điều kiện y tế, chăm sóc răng miệng của người dân hạn chế. Hiện nay, dịch vụ chăm sóc y tế tốt hơn, nguồn thực phẩm, các sản phẩm bổ sung fluor phong phú nên không cần châm fluor vào nước.

Bể tiếp nhận nước thô của Nhà máy nước Thủ Đức 3 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bể tiếp nhận nước thô của Nhà máy nước Thủ Đức 3 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

PGS-TS Bùi Xuân Thành, Trưởng Bộ môn Khoa học và Công nghệ nước Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM, phân tích dựa trên hướng dẫn về chất lượng nước uống của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàm lượng fluor ở đầu ra được khuyến cáo nên duy trì 0,5-1,5 mg/l và phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, môi trường, nguồn fluor có sẵn trong tự nhiên. "Nguy cơ tiềm ẩn do tiêu thụ fluor dư thừa đã được nhiều nước trên thế giới cảnh báo. Hơn nữa, fluor có thể gây nguy hiểm khi nồng độ dao động từ 0,9-1,2 mg/l, người uống sẽ bị nhiễm fluor, về lâu dài ảnh hưởng sức khỏe. Mỗi quốc gia có ngưỡng nồng độ fluor riêng phụ thuộc vào điều kiện của từng nơi. Do đó, để bảo đảm an toàn sức khỏe người dân, cần phải đánh giá các nguồn cung cấp fluor cho cơ thể ngoài nguồn nước cấp" - PGS-TS Bùi Xuân Thành đề xuất.

Nên nghiên cứu, khảo sát y tế

Phân tích thêm, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên môi trường, cho rằng bản chất của fluor là chất xúc tác dưới dạng anion hóa vô cơ, muối và khoáng chất của nó là hợp chất phản ứng hóa học, không tạo màu và có vị đắng đặc biệt. Hàm lượng cần thiết trong quy chuẩn là < 1,5 mg/l, có thể pha 0,7 mg/l để phòng ngừa các bệnh sâu răng trong khi sử dụng… Tuy nhiên, trên thực tế, để bảo vệ răng miệng, việc sử dụng kem đánh răng, nước súc miệng có fluor vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn hiệu quả và an toàn hơn.

Cũng theo TS Phạm Viết Thuận, chất lượng nước là vấn đề người dân đặc biệt quan tâm, khi có kiến nghị từ phía đơn vị cấp nước cũng như sự quan tâm của người dân về chương trình "fluor hóa" nguồn nước, Sở Y tế cũng như các cơ quan liên quan nên có một báo cáo đánh giá khoa học độc lập xác định mỗi ngày người dân TP HCM tiếp nhận khoảng bao nhiêu lượng fluor, đủ để bảo vệ hệ thống men răng chưa? Có nên tiếp tục châm fluor vào nước cấp hay không, châm như thế nào để bảo đảm sức khỏe người dân?

TS Nguyễn Việt Cường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định) cho rằng việc TP HCM thực hiện chương trình "fluor hóa" nguồn nước cấp thời gian qua chắc chắn phải có cơ sở. Dù vậy, cần thực hiện các nghiên cứu, khảo sát về y tế ở các nhóm cộng đồng khác nhau (nhóm dùng nguồn nước cấp có bổ sung fluor, nhóm dùng nguồn nước cấp nhưng không bổ sung fluor…) để đánh giá hiệu quả của chương trình mang lại đối với sức khỏe của cộng đồng. Ngoài ra, cần kết hợp kết quả nghiên cứu về sức khỏe với vấn đề kinh tế (chi phí bỏ ra để thực hiện chương trình) để xem xét, lựa chọn phương án phù hợp nhất.

Khó kiểm soát đầu vào

TS Nguyễn Việt Cường thông tin thêm theo nhiều tài liệu mà ông tìm hiểu, việc bổ sung fluor được thảo luận nhiều trong những năm gần đây, nhiều quốc gia thường xuyên đo lường để giảm đầu vào fluor bởi nguy cơ độc hại và các tác hại khác. Cụ thể, nước được bổ sung fluor thường rất khó kiểm soát đầu vào khi mỗi người uống với lượng nước khác nhau. Lượng fluor quá mức sẽ tác động đến sức khỏe, không phân biệt tuổi tác, tình trạng sức khỏe và các trị liệu cá nhân. Ví dụ, trẻ em, người bệnh cũng nhận được lượng fluor tương đương với người lớn, người khỏe mạnh.

Lợi ích của fluor đem lại thường cục bộ hơn là mang tính hệ thống. Do đó, việc sử dụng trực tiếp từ kem đánh răng được khuyến khích hơn là đưa chúng vào cơ thể (uống nước).

Một số nơi loại fluor dư thừa

Một số vùng thuộc huyện Tây Sơn và thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định), nguồn nước ngầm có hàm lượng fluor cao (trên 2,0 mg/l), người dân sử dụng trực tiếp để phục vụ ăn uống nên phổ biến tình trạng hư răng, hỏng men răng. Trong những năm 2005-2006, Trường ĐH Bách khoa TP HCM đã phối hợp với tỉnh Bình Định thực hiện đề tài nghiên cứu, đánh giá tình trạng ô nhiễm fluor trong nguồn nước ngầm và đưa ra những khuyến cáo đối với người dân. Nghiên cứu cũng đã thiết kế và cung cấp một số hệ thống xử lý fluor. Đến nay, tỉnh Bình Định đã đầu tư hệ thống cấp nước sạch tập trung cho người dân ở vùng nước ngầm ô nhiễm fluor.

Thu Hồng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/co-nen-cham-fluor-vao-nuoc-sinh-hoat-can-mot-nghien-cuu-khoa-hoc-20200813215655095.htm