Có nên cho trẻ ăn chay?

Với mục tiêu hướng đến những gì thuận tự nhiên, tốt cho sức khỏe, nhiều phụ huynh đã ăn thuần chay và cho con ăn chay theo mình.

Con chị Đào Thị Hương Nam phát triển khỏe mạnh với chế độ ăn chay đa dạng các loại thực phẩm (ảnh do nhân vật cung cấp)

Con chị Đào Thị Hương Nam phát triển khỏe mạnh với chế độ ăn chay đa dạng các loại thực phẩm (ảnh do nhân vật cung cấp)

Chế độ ăn đa dạng rau củ

Hai năm nay, vợ chồng chị Đào Thị Hương Nam (sinh năm 1996) ở xã Thanh Giang (Thanh Miện) đã ăn trường chay. Trước đó làm việc trong ngành y, chị hướng đến lối sống thuận tự nhiên, ăn chay, sử dụng sản phẩm từ thiên nhiên góp phần bảo vệ sức khỏe. Năm 2021, vợ chồng chị chuyển sang ăn trường chay. Trong suốt quá trình mang thai, chị bổ sung nhiều thực phẩm chay tốt cho sức khỏe. Khi sinh ra bé nặng 3,2 kg. Đến nay, con chị đã gần 1 tuổi, vợ chồng chị cho con ăn thuần chay hoàn toàn theo chế độ ăn của cả gia đình, thực đơn hằng ngày gồm ngũ cốc, sữa hạt, nước ép rau củ, trái cây, các loại đậu có nguồn gốc hữu cơ… Chị cho biết hiện con duy trì giấc ngủ xuyên đêm từ khoảng 19 giờ 30 tối hôm trước đến 8-9 giờ sáng hôm sau, trưa ngủ 3 tiếng, từ khoảng 9 tháng con đã tập nói. Gần đây con bị viêm tai giữa, khi chị đưa con đi khám sức khỏe, qua xét nghiệm máu cho thấy các chỉ số của con tương đối tốt, phù hợp với sự phát triển bình thường ở trẻ nhỏ.

"Trước đây làm trong ngành y, biết cơ thể cần những yếu tố gì để phát triển khỏe mạnh, tôi áp dụng chế độ ăn chay cho con với đa dạng thực phẩm, con ăn ngủ đúng giờ, giao tiếp và vận động đều tốt", chị Nam chia sẻ.

Cũng như chị Nam, chị Bùi Thị Hương (sinh năm 1994, ở xã Thanh An, Thanh Hà) ăn chay trường đã hơn chục năm và cũng cho con ăn chay từ nhỏ. Khi bé được 2,5 tuổi, gia đình cho bé đi học, ở lớp ăn cùng các bạn, ở nhà bé chủ yếu ăn chay. Chị Hương thường xuyên bổ sung các loại hạt như hạt điều, bí, hạnh nhân, macca, óc chó, sữa hạt, sinh tố, nước ép trái cây cho con. Con chị Hương biết nói từ sớm, biết đi từ 11 tháng tuổi. Bé thuộc nhiều bài hát, chủ động giao tiếp, trò chuyện với ông bà, bố mẹ, bạn bè, thích chạy nhảy, đi xe đạp, vận động…

"Nhiều năm ăn chay nên tôi đã tìm ra được cách ăn chay đúng để có sức khỏe tốt và áp dụng cho con mình. Tôi nhận thấy bé phát triển đúng lứa tuổi, sức khỏe tinh thần và thể chất đều tốt", chị Hương chia sẻ.

Ăn thế nào cho đúng?

Nhiều năm nay, gia đình chị L.T.T. (sinh năm 1986, ở phường Việt Hòa, TP Hải Dương) thực hiện chế độ ăn ít thịt cá, tăng rau, củ, quả. Buổi trưa chồng và các con chị ăn cơm ở trường học và công ty, tối về chị chủ yếu nấu các món chay. Chị T. cho biết: "Tôi thấy cách ăn uống này phù hợp với gia đình tôi, cơ thể hai vợ chồng nhẹ nhõm nhiều so với trước kia ăn quá nhiều thịt cá, các con phát triển tốt và khỏe mạnh".

Theo bác sĩ Lê Thị Xuê, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, về nguyên tắc, chế độ dinh dưỡng cần đa dạng và cân đối các loại thực phẩm, thành phần. Trong đó, bao gồm cả đạm động vật và đạm thực vật để bổ sung các axit amin còn thiếu trong cơ thể, nâng cao vai trò của chất đạm, hạn chế sản sinh ra các yếu tố bất lợi cho sức khỏe. Vai trò dinh dưỡng của chất đạm rất quan trọng đối với cơ thể trẻ đang lớn. Nếu khẩu phần ăn của trẻ không đủ lượng chất đạm thì chúng sẽ chậm tăng cân, giảm cân, về lâu dài dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.

Cũng theo bác sĩ, có nhiều hình thức ăn chay, nhưng quan trọng là cho trẻ ăn chay như thế nào, ăn có đa dạng các loại thực phẩm không. Nếu trẻ được ăn chay hợp lý vẫn cung cấp đủ dưỡng chất cho bé phát triển. Nhiều người nghĩ rằng ăn chay là hoàn toàn bỏ các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng, sữa… Đây là các loại thực phẩm giàu chất đạm. Nếu bỏ hẳn các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật sẽ không đủ chất để trẻ phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, thực tế chất đạm còn có cả ở các loại hạt, quả, rau củ...

Tại Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế chưa có bệnh nhân là trẻ em nhập viện vì ăn chay sai cách nhưng có nhiều bệnh nhân là người trưởng thành nhập viện vì vấn đề này. Họ chủ yếu mắc các bệnh về đường tiêu hóa và xương khớp, nhiều trường hợp còn bị teo cơ dần khi ăn chay trường kỳ, chế độ vận động sai cách.

“Theo tôi có nên cho con ăn chay hay không là do cha mẹ quyết định và lựa chọn. Nếu muốn cho trẻ ăn chay, phụ huynh cần xây dựng chế độ ăn hợp lý, đa dạng các loại thực phẩm bảo đảm đủ lượng đạm và các dưỡng chất cần thiết, đồng thời khuyến khích trẻ tăng cường vận động để phát triển khỏe mạnh”, bác sĩ Lê Thị Xuê kết luận.

BÌNH AN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/gia-dinh/co-nen-cho-tre-an-chay-233349