Có nên để một rạp Hòa Bình xập xệ giữa trung tâm Đà Lạt?

Những ngày qua, dư luận đề cập nhiều về 'Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị – tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt' trong đó có hai công trình sẽ phải dỡ bỏ và di dời còn gây nhiều ý kiến chưa đồng thuận là rạp Hòa Bình và dinh Tỉnh trưởng.

 Công trình rạp Hòa Bình hiện hữu tại trung tâm khu Hòa Bình, Đà Lạt đang xuống cấp và sập xệ (ảnh: Yan News).

Công trình rạp Hòa Bình hiện hữu tại trung tâm khu Hòa Bình, Đà Lạt đang xuống cấp và sập xệ (ảnh: Yan News).

Trong hai công trình trên, rạp Hòa Bình ở trung tâm khu Hòa Bình, Đà Lạt hiện nay theo đồ án thiết kế mới sẽ được phá dỡ để xây dựng công trình mới.

Theo tài liệu “Đường phố Đà Lạt”, vị trí rạp Hòa Bình hiện nay cũng đã từng xảy ra “vật đổi sao dời” trong suốt hàng trăm năm qua. Vị trí này ở độ cao 1.494m, ban đầu là “chợ Cây”. Năm 1931, “chợ Cây” bị cháy, người Pháp đã xây một khu chợ mới rộng 900m2 ngay tại vị trí này với xung quanh là khoảng không gian rộng, đặc biệt phía trước có một quảng trường gọi là Place du Marché (Quảng trường chợ). Năm 1953, Place du Marché đổi là khu Hòa Bình.

Công trình rạp Hòa Bình hiện nay được xây dựng vài chục năm trở lại đây, bên trong là rạp chiếu phim, bên ngoài là các kiốt xung quanh nhà lồng bán các loại hàng hóa.

Ai đã từng đến Đà Lạt cũng có thể nhận thấy, rạp Hòa Bình từ lâu đã bị xuống cấp, thậm chí còn hơi nhếch nhác trong khi lại án ngữ ngay chính trung tâm, gây bất lợi về mặt mĩ quan đối với thành phố.

Theo đồ án qui hoạch và thiết kế mới, rạp Hòa Bình sẽ được phá dỡ để xây dựng một khu giải trí mới thay thế. Tuy nhiên, thiết kế mới là một công trình nhà kính nên bị nhiều ý kiến cho là xa lạ với Đà Lạt, không phù hợp với cảnh quan xung quanh.

Với hiện trạng rạp Hòa Bình hiện nay, phương án dỡ bỏ để thay thế bằng một công trình mới là điều cần thiết.

Song vấn đề quan trọng là công trình mới thay thế cần bảo đảm sự phù hợp về kiến trúc nhằm hài hòa với không gian, quan cảnh và các công trình xung quanh.

Một qui hoạch mới phải biết bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị kiến trúc cũ, nhưng đồng thời cũng cần mạnh dạn dứt bỏ những công trình kiến trúc không rõ nét, xuống cấp và ảnh hưởng đến mĩ quan chung.

Nếu thay thế rạp Hòa Bình với bộ mặt xuống cấp luộm thuộm như hiện nay bằng một công trình kiến trúc đẹp, có giá trị thẩm mĩ cao và phát huy được hiệu quả kinh tế thì đó là điều đáng làm và đáng mừng.

Thế Lâm

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/ban-doc/co-nen-de-mot-rap-hoa-binh-xap-xe-giua-trung-tam-da-lat-663464.ldo