Có nên đề xuất vinh danh áo dài Việt là di sản?

'Khi áo dài Việt Nam đã trở thành di sản văn hóa của nhân loại thì không ai có thể giành cái thương hiệu ấy của ta'.

Kỳ vọng

Mới đây Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho biết sẽ làm hồ sơ tôn vinh áo dài Việt Nam hướng đến ghi danh áo dài ở danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, khẳng định thương hiệu áo dài là của Việt Nam. Nêu quan điểm về đề xuất trên, TS Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, Ủy viên Hội đồng giám định cổ vật, Bộ VH-TT-DL tin tưởng áo dài Việt Nam sẽ sớm được vinh danh.

TS Quân cho biết, quan trọng là khâu tiến hành khảo sát, đánh giá, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, sự xuất hiện của áo dài trong các bối cảnh về không gian, thời gian từ việc cưới hỏi, du xuân, lễ Tết... Tất cả đều phải thực hiện chi tiết, khoa học, làm nổi bật được nét riêng biệt, đặc trưng của áo dài Việt Nam. Kể cả về thiết kế trang phục áo dài cho nam, nữ trải qua các thời kỳ như thế nào cũng phải được nghiên cứu chặt chẽ.

"Việc chứng minh được lịch sử, ra đời, sự hiện diện của áo dài cũng như quá trình phát triển, phổ rộng của áo dài, những loại hình áo dài... là vấn đề không đơn giản nhưng hoàn toàn có thể làm được.

Nếu phân tích, đối chiếu về mặt thuật ngữ, khái niệm có thể sẽ gặp một số khó khăn, vướng mắc nhưng nếu quyết tâm chúng ta sẽ làm được", TS Phạm Quốc Quân tin tưởng.

Ảnh cho thấy sự phân biệt tầng lớp trong một gia đình, chủ mặc áo ngũ thân, người hầu mặc áo tứ thân (1884-1885). Ảnh: sưu tầm

Ảnh cho thấy sự phân biệt tầng lớp trong một gia đình, chủ mặc áo ngũ thân, người hầu mặc áo tứ thân (1884-1885). Ảnh: sưu tầm

Có góc nhìn lạc quan, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đặt niềm tin áo dài Việt Nam sẽ sớm được vinh danh.

Theo vị chuyên gia, áo dài ra đời từ cuối đời các chúa Nguyễn. Trải qua các thời kỳ đều nổi tiếng ở đất Thần kinh xưa, sau này ở Cố đô Huế, cả một chiều sâu văn hóa nghệ thuật triết lý mang hồn Việt thể hiện trên chiếc áo dài.

Từ mấy chục năm qua cá nhân ông cũng ước mơ có một cơ quan văn hóa ở địa phương hay Trung ương nào đứng ra lập hồ sơ đệ trình UNESCO xin ghi danh áo dài Việt Nam là di sản vật thể/phi vật thể của nhân loại.

Ông Xuân chia sẻ, ông đã chờ mấy chục năm, giờ Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia đứng ra làm, là điều rất vui mừng.

"Nếu áo dài Việt Nam được thừa nhận là di sản của nhân loại sẽ giúp cho người Việt Nam biết rõ giá trị của chiếc áo dài Việt Nam họ sẽ bảo vệ nó, phát triển cải cách canh tân áo dài mang hồn Việt hài hòa với trang phục mọi hoàn cảnh, mọi thời đại", nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nhận định.

Điểm khó là...

Đặt nhiều kỳ vọng nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cũng phải thừa nhận, điểm khó nhất trong việc làm hồ sơ theo vị chuyên gia là xác định áo dài là vật thể hay phi vật thể.

Ông Xuân cho hay, UNESCO chỉ nhận di sản vật thể (Patrimoine culturel matériel) và di sản phi vật thể (patrimoine culturel immatériel). Áo dài của Việt Nam vừa là những di sản vật thể (Áo dài của các thế hệ vua chúa, quý tộc, dân gian trong 4 thế kỷ qua là những báu vật, những cổ vật vô giá) vừa là di sản phi vật thể (thiết kế tạo mẫu, nghề may áo dài, nghệ thuật, lịch sử, triết lý nơi chiếc áo dài.v.v.).

Vì thế, khi làm hồ sơ xin vinh danh áo dài phải thể hiện đầy đủ cả hai mặt vật thể và phi vật thể. Với giá trị như vậy, UNESCO không thể xếp hồ sơ áo dài vào hai cái khuôn họ đang sử dụng lâu nay.

"Trong trường hợp này, có thể UNESCO phải nghĩ tới một loại hình di sản phi vật thể trong di sản vật thể. Có lẽ khó ở chỗ đó", ông Xuân chia sẻ.

Đối với việc xác định cộng đồng gắn với áo dài để vinh danh, vị chuyên gia cũng cho rằng không khó để làm việc này.

Theo đó, ông nhấn mạnh áo dài tuy xuất phát từ triều Nguyễn và nổi tiếng ở Huế từ thế kỷ XVIII, nhưng qua thế kỷ XX, áo dài đã phổ biến trên toàn quốc, được người Việt Nam chọn như là một dạng quốc phục. Cộng đồng của áo dài là toàn bộ dân tộc Kinh trên toàn cõi Việt Nam.

Áo dài là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia của nước Việt Nam đứng ra lập hồ sơ và đệ trình lên UNESCO với tư cách Việt Nam thì không có gì khó khăn, phức tạp nữa.

Nếu có, chỉ là sự thắc mắc là trong hồ sơ không phản ảnh đúng lịch sử phát triển chiếc áo dài ở một địa phương nào đó mà thôi. Việc này, theo ông Xuân hoàn toàn có thể khắc phục được.

Với đề xuất làm hồ sơ theo hướng xác định là nghề may áo dài, ông Xuân cho rằng nghề may áo dài, tạo mẫu áo dài qua các thời kỳ là những chi tiết nhỏ trong hồ sơ chứ nghề may áo dài dù tinh túy đến đâu cũng không đủ yếu tố để được xem là một di sản của nhân loại được.

Trong khi, mục đích cuối cùng của chúng ta là hướng tới công nhận áo dài là thương hiệu của Việt Nam chứ không chỉ là một nghề hay di sản của một làng nào đấy.

Vì thế, vấn đề quan trọng nhất là làm sao lập được một bộ hồ sơ áo dài đầy đủ, khoa học, được các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia ý kiến để có giá trị thật và được UNESCO công nhận. Và khi áo dài Việt Nam đã trở thành di sản văn hóa của nhân loại, không ai có thể dành thương hiệu ấy của Việt Nam được.

"Để lập hồ sơ một di sản văn hóa dân tộc để cho thế giới công nhận thành di sản của nhân loại là một việc không dễ nhưng áo dài là một di sản có thật. Mặt khác, ngành văn hóa Việt Nam cũng đã có nhiều kinh nghiệm làm hồ sơ trình UNESCO nên việc lập hồ sơ cho áo dài Việt Nam có thể sẽ được làm tốt và áo dài Việt Nam sẽ sớm được công nhận", ông Nguyễn Đắc Xuân tin tưởng.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/co-nen-de-xuat-vinh-danh-ao-dai-viet-la-di-san-3397581/