Có nên đốt gốc cành đào để giữ hoa tươi lâu?

Bạn thường nghe nói cần phải đốt gốc cành đào trước khi cắm vào bình để giữ hoa tươi lâu. Vậy có cơ sở khoa học nào về việc làm này không?

Theo quan điểm của nhiều người cắm hoa, khi cành đào được cưa ra khỏi cây thì nhựa của cây đào sẽ chảy ra và đông đặc lại khi gặp không khí, từ đó nhựa bít chặt các mạch cây gây khó khăn cho việc hút nước lên cành. Đồng thời, vết cắt cành đào dễ bị nấm mốc, vi khuẩn xâm nhập vào.

Bởi vậy họ tin rằng việc đốt gốc đào sẽ giúp diệt hết vi khuẩn, nấm mốc lại giúp nhựa cây chảy ra thông mạch cây nhờ đó mà cành đào có thể hút nước từ bình lên để nuôi hoa giúp hoa tươi đẹp.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến không đồng tình với cách làm trên.

Có nên đốt gốc cành đào để giữ hoa tươi lâu?

Một người nông dân trồng đào ở Nhật Tân, Hà Nội cho rằng, khi đốt gốc cành đào bằng lửa, gốc cành đào sẽ cháy, không thể hút được nước, chất dinh dưỡng để nuôi cành, làm cho cành đào nhanh héo, hoa chóng tàn. Việc đốt gốc cành đào để giữ hoa tươi là phản khoa học.

Trong khi đó, trao đổi với NTNN, TS Đặng Văn Đông - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hoa và cây cảnh - Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư cho rằng: “Theo kinh nghiệm dân gian, đốt cành đào trước hết là để diệt khuẩn, diệt nấm xâm nhập vào các bó mạch dẫn của cành đào, làm cành đào hạn chế chảy nhựa, mất dinh dưỡng của cành và làm sạch nước cắm đào... Tuy nhiên, việc đốt gốc cành đào cũng sẽ gây tắc các mạch, không cho nước và dinh dưỡng đi lên nuôi cành”.

Theo TS Đông, nếu áp dụng biện pháp đốt cành thì chỉ đốt vừa phải. Nếu đốt quá nhiều sẽ gây tổn thương mạch, tắc mạch, sẽ lại làm cành đào chóng tàn.

Từ đó có thể thấy, nếu bạn muốn đốt gốc cành đào thì chỉ nên hơ qua lửa cho se khô mặt cắt là được.

Ngoài ra, bạn nên bổ sung một vài viên vitamin B1 vào nước cắm hoa để có thêm dinh dưỡng giúp cành đào tươi lâu.

Ngọc Khánh (t/h)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gia-dinh/tu-van/co-nen-dot-goc-canh-dao-de-giu-hoa-tuoi-lau-276453.html