Có nên quản lý thu chi quỹ công đức?

Hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên quản lý thu chi quỹ công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Bộ Tài chính đề xuất siết quản lý

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Dự thảo Thông tư này hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Đáng chú ý là nội dung về quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích. Theo đó, tùy theo lượng tiền tiếp nhận (bao gồm số tiền tiếp nhận trực tiếp và số tiền trong hòm công đức), định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần thực hiện kiểm kê; khi số tiền tiếp nhận được từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở quản lý di tích phải nộp vào tài khoản tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước.

Cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, cơ sở quản lý di tích tiếp nhận công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước để phản ánh các khoản thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, quản lý di tích và hoạt động lễ hội.

Cũng theo dự thảo Thông tư, việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội phải có sổ sách thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp với nguyện vọng của nhà tài trợ, quy định của pháp luật về di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo.

Hoạt động quyên góp, tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân cho công tác tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội tín ngưỡng của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo thực hiện theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Nhiều ý kiến cho rằng quy định quản lý thu chi quỹ công đức trong dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính có nhiều điểm chưa phù hợp. Ảnh: Bình Minh.

Nhiều ý kiến không đồng tình

Góp ý dự thảo Thông tư, Hòa thượng Thích Thanh Quyết (Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh) nhận định: Dự thảo này không phù hợp với lễ hội và di tích tôn giáo (như chùa của Phật giáo, nhà thờ của Công giáo…). Vì vậy, đề nghị không đưa vào quản lý tiền công đức đối với các di tích là chùa, nhà thờ đạo Công giáo đã được kiểm đếm danh mục di tích.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết lý giải: Sau khi nghiên cứu Luật Ngân sách và Nghị định 87/2017/NĐ-CP về chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính thì Nhà nước quy định ngân sách nhà nước bao gồm các nguồn thu từ thuế, phí và lệ phí do các tổ chức, cá nhân nộp theo quy định của pháp luật. Các nội dung quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tài chính không quy định quản lý tiền công đức do các cá nhân quyên góp ủng hộ tự nguyện (không có một văn bản hay một điều khoản nào quy định tiền công đức, tiền giọt dầu, dâng cúng cho các chùa là các di tích).

Cũng theo Hòa thượng, bản chất của tiền công đức là lòng thành của Phật tử, thể hiện sự thành kính đối với tôn giáo mà họ tin theo, được đóng góp một cách tự nguyện, không chịu bất cứ một ép buộc nào.

Ngoài ra, Điều 56, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 có quy định: “Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên, tổ chức, quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật”. Như vậy ,tiền công đức tại các chùa Phật giáo là tài sản của Giáo hội (Giáo hội đã ủy quyền cho nhà sư trụ trì, trông coi và toàn quyền sử dụng tài sản công đức tại các chùa theo đúng quy định của tổ chức Giáo hội...).

Mới đây, một Phật tử ở Hà Nội cũng đã có tâm thư gửi Bộ Tài chính, Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, nêu ý kiến cá nhân về một số điểm chưa phù hợp trong dự thảo Thông tư nêu trên.

Một số nội dung đáng chú ý trong tâm thư gồm: “Cháu là công dân, luôn cố gắng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của một người dân, đóng thuế, các khoản phí, lệ phí của Nhà nước trung ương và địa phương, không hề thiếu sót. Phần tài sản còn lại, theo đúng luật, cho ai, biếu tặng ai là quyền tự do của chúng cháu. Người nhận có quyền sở hữu, quản lý và định đoạt tài sản được tặng cho hợp pháp đó, không phải chịu sự can thiệp, quản lý thu chi của bất cứ cơ quan, tổ chức nào”.

“Các thầy ở chùa là những bậc tu hành có giới đức, dạy đạo đức cho con người; cho nên, qua sự tận mắt chứng kiến của chính mình, chúng cháu tin chắc các thầy sẽ sử dụng phần tiền mà chúng cháu công đức vào chùa để làm những điều có ích cho xã hội, chứ không vì lợi dưỡng của bản thân. Vậy còn những người sẽ làm trong ban quản lý di tích kia liệu có đủ đức để quản lý nổi những đồng tiền của chúng cháu cúng vào không, họ có tu và dạy người khác bỏ ác làm lành, hướng thiện để hồi hướng phước báu cho gia đình chúng cháu hay không?”

Phật tử này bày tỏ mong muốn các bộ, các ban ngành liên quan tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, trong đó tiền công đức cúng dường cũng là quyền tự do tín ngưỡng.

Ngọc Mai

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/dai-doan-ket/co-nen-quan-ly-thu-chi-quy-cong-duc-287314.html