Có nên quy định giá sàn đào tạo lái xe ô tô?

Nhiều ý kiến tranh luận về giá đào tạo lái xe, nhà nước cần quy định mức sàn học phí cho dịch vụ này?

Chi phí một khóa học lái xe tại Trung tâm Đào tạo lái xe an toàn (Công ty Honda Việt Nam) hiện ở mức 16-17 triệu đồng - Ảnh: Khánh Linh

Chi phí một khóa học lái xe tại Trung tâm Đào tạo lái xe an toàn (Công ty Honda Việt Nam) hiện ở mức 16-17 triệu đồng - Ảnh: Khánh Linh

Hiện, các trung tâm đào tạo lái xe được tự quyết định mức thu học phí. Tuy nhiên, nhiều trung tâm xây dựng mức giá thấp để thu hút người học, dẫn đến tình trạng loạn mức phí, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Đề xuất giá sàn chung

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông hiện nhiều trung tâm đào tạo lái xe ô tô chỉ đưa ra mức giá 5 - 6 triệu đồng trọn gói cho việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX. Với mức phí này, các trung tâm giao khoán lại cho giáo viên và phó mặc hoàn toàn công tác đào tạo cho họ. Trong quá trình học, học viên phải đóng thêm nhiều khoản chi phí khác, dẫn tới chi phí thực để có tấm bằng bị đội lên gấp 2 thậm chí gấp 3 lần.

Đề cập vấn đề này, ông Phùng Văn Huệ, Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe an toàn (Công ty Honda Việt Nam) cho rằng, mức học phí 5 - 6 triệu đồng một khóa đào tạo hoàn toàn không phù hợp thực tế. Các trung tâm đang cạnh tranh về giá nhưng họ vẫn có lợi nhuận và tồn tại được nhờ chi phí thực học viên phải đóng cao hơn nhiều lần so với giá trung tâm thu. Vì học viên phải bỏ tiền túi để thuê thêm xe, tự đổ xăng, bồi dưỡng cho thày. Những khoản này các trung tâm hoàn toàn không phải chi trả và tránh được thuế.

"Để đảm bảo công bằng, tôi cho rằng cần có đủ hệ thống trung tâm với các mức phí khác nhau để người dân có thể lựa chọn, đảm bảo học viên với mọi điều kiện hoàn cảnh kinh tế đều có thể tiếp cận. Về lâu dài, chính người học sẽ là nhân tố quyết định điều chỉnh mức phí vì nếu mức phí đắt mà chất lượng không tương xứng thì trung tâm không có người học nữa."

TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia kinh tế

“Từ thực tế trên, tôi có thể khẳng định các trung tâm đang đào tạo không đúng quy định, không đạt được mục tiêu của chất lượng đào tạo. Để đảm bảo thời lượng đào tạo thực hành cũng như lý thuyết, lái xe có đầy đủ kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, chi phí thực tế sẽ cao hơn rất nhiều. Như tại trung tâm Honda, chưa tính đến chi phí về khấu hao, xăng xe mức học phí đã là 16-17 triệu đồng/khóa học”, ông Huệ thông tin.

Cũng theo ông Huệ, để tạo nên một mặt bằng giá thật, cạnh tranh lành mạnh, chi phí thật, chất lượng thật, Nhà nước nên quy định mức giá sàn. Tuy nhiên, nếu đưa giá sàn cao quá, người dân sẽ khó chấp nhận. Vì vậy, cần phải nghiên cứu thực tế, khảo sát một trung tâm điển hình, đào tạo đúng, bài bản theo đúng quy định thì tổng chi phí hết bao nhiêu. Đó sẽ là giá thật và xây dựng giá thật này làm giá sàn chung. Đồng thời, phải quản lý được năng lực đào tạo của giáo viên, tránh tình trạng nhiều trung tâm lấy lái xe có kinh nghiệm làm giáo viên; Kiểm soát được thời gian đào tạo thực hành thực tế, học viên được chạy đủ số km như quy định bằng gắn thiết bị giám sát hành trình.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, tùy theo chất lượng dịch vụ, các trung tâm định ra giá đào tạo. Theo ông Thống, trong quy định của Bộ GTVT, người học lái xe, trước khi vào đào tạo học có ký hợp đồng với cơ sở đào tạo, trong đó đã quy định rõ là chương trình bao lâu, được đào tạo những nội dung gì, kỹ năng gì, mức thu học phí và đào tạo trên phương tiện gì. Khi học thực hành, học viên phải đóng thêm tiền hoàn toàn là do thỏa thuận giữa họ và giáo viên. Đây hoàn toàn là thỏa thuận dân sự và khó kiểm soát.

Vẫn khó khả thi

Liên quan đến đề xuất này lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc áp giá sàn dù dưới hình thức nào cũng đi ngược quy định của Luật Cạnh tranh năm 2014 và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Các trung tâm đào tạo hiện hầu hết đã được xã hội hóa và hoạt động theo cơ chế thị trường nên không cần áp mức giá sàn cho họ. Quan trọng là Nhà nước triển khai các cơ chế chính sách quản lý đảm bảo chất lượng đạt được như những gì cơ sở đào tạo tuyên bố và cam kết với xã hội.

Theo ông Lê Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Sát hạch lái xe thuộc Công ty Ôtô số 2 (Hà Nội), việc áp giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá dịch vụ cũng như hạn chế cơ hội tiếp cận việc học lái xe của người dân, đồng thời làm méo mó thị trường đào tạo lái xe Việt Nam. Quy định giá sàn cũng khó khả thi do việc tính toán tiêu chí xây dựng giá sàn còn chưa có sự thống nhất giữa các trung tâm.

Ông Lương Duyên Thống cũng cho biết, trước đây, Bộ GTVT đã đề xuất quy định giá sàn trong đào tạo lái xe nhưng không được sự đồng ý của Bộ Tài chính. Trên một mặt bằng chung về giáo trình đã đầy đủ, học viên học chương trình như nhau, quy định giá sàn là cần thiết nhưng do hiện nay chưa giám sát chặt được công tác đào tạo nên các trung tâm lợi dụng điều này để cạnh tranh. Các trung tâm đưa ra mức giá ban đầu thấp nhưng trong quá trình học lại đưa ra các chương trình học thêm và yêu cầu học viên đóng tiền. Việc tính toán để có một giá sàn cũng rất khó khăn do yếu tố vùng miền, cơ sở vật chất, chất lượng xe của các trung tâm có sự khác nhau.

“Tổng cục Đường bộ VN đang xây dựng đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp và quản lý GPLX để góp phần đảm bảo ATGT”, trong đó nêu những tồn tại hạn chế và đưa ra các giải pháp quản lý khắc phục được tình trạng giữa quy định và thực tế không đồng nhất. Đồng thời, cũng sẽ đẩy mạnh việc giám sát công tác đào tạo của các trung tâm. Khi đã giám sát được thời gian học thật của học viên thì với giá các trung tâm đưa ra hiện nay sẽ không thể thực hiện được và tự giá sẽ phải lên theo giá trị thật mà không phải bắt ép bằng mệnh lệnh hành chính”, ông Thống cho biết.

Trần Duy

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/co-nen-quy-dinh-gia-san-dao-tao-lai-xe-o-to-d274303.html