Có nên xây nhà cuối năm?

Nhiều gia đình chọn dịp cuối năm để khởi công làm nhà mới đón Tết nhưng chưa lường trước các rủi ro có thể gặp phải.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Hanh, giám đốc công ty xây dựng Artéco và Đoàn Mạnh, founder công ty Combo Home, xây nhà vào cuối năm tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bài viết dưới đây từ chuyên gia sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn các trở ngại này là gì để cân nhắc thời điểm xây nhà phù hợp.

Đội ngũ thợ thi công nhà ở cao tầng. Ảnh: Công ty xây dựng Artéco

Xây nhà cuối năm dưới góc nhìn phong thủy

Theo âm lịch, thời điểm cuối năm được xác định từ khoảng tháng 8-9, tức cách Tết Nguyên Đán ba tháng. Nếu quy mô ngôi nhà là cấp 4 hoặc nhà thấp tầng (3-4 tầng), việc thi công có thể hoàn thành trước Tết. Tuy nhiên, với những căn biệt thự hay nhà phố nhiều tầng, ba tháng là thời gian ngắn, khó hoàn thiện xong công trình. Việc này dẫn tới tình trạng xây "vắt" sang năm thứ hai. Theo quan điểm phong thủy, đây là một điềm xui xẻo, không may mắn. Song, đây vẫn là một ý kiến mang tính tham khảo và còn gây tranh luận, chúng ta cần xem xét thêm dưới góc độ khoa học và thực tế.

Xây nhà cuối năm dưới góc độ khoa học và thực tế ngành xây dựng

Để trả lời cho câu hỏi có nên xây nhà cuối năm hay không, chủ nhà cần phải quan tâm tới 6 rủi ro thực tế sau đây:

Giá vật liệu xây dựng tăng cao

Thông thường, giá vật liệu xây dựng có xu hướng tăng nhẹ, từ 4% đến 6% vào nửa cuối năm. Năm nay Tết đến sớm, mưa ít hơn mọi năm, do đó mọi người đều gấp rút tranh thủ hoàn thiện nhà đón Tết. Hiện tại, nguồn nguyên liệu đầu vào tăng cao và ngày càng khan hiếm, chi phí từ xăng dầu đến cát, đá, xi măng chuyên dụng cho sản xuất đều tăng giá, gây nhiều khó khăn cho chủ nhà.

Hiện nay, giá thép trung bình khoảng 10.000 đồng/kg (chưa có thuế VAT). Trong khi đó giá xi măng liên tục tăng, hiện tại khoảng 1.800-2.000 đồng/kg, tăng 13% so với đầu năm 2022. Giá cát xây dựng cũng có xu hướng tăng nhẹ, bình quân tăng 1,51% hàng tháng; giá đá xây dựng tại khu vực miền Nam theo chiều giảm nhẹ, trong khi khu vực miền Bắc và miền Trung có xu hướng tăng hàng tháng, bình quân từ 2,2% đến 2,9%/tháng.

Giá vật liệu tăng kéo theo chi phí xây nhà tăng 20-40%. Giá vật liệu càng tăng, ngân sách xây dựng càng cao, ngôi nhà hoàn thiện sẽ phát sinh chi phí nhiều hơn so với xây dựng đầu năm.

Thủ tục cấp phép xây dựng bị kéo dài

Với các dự án nhà phố, biệt thự, việc xin cấp giấy phép xây dựng là một điều bắt buộc. Thông thường, giấy phép xây dựng sẽ được cấp sau khoảng 15 ngày kể từ khi có hồ sơ hợp lệ. Nhưng vào dịp cuối năm, khi công văn, giấy tờ hành chính phải giải quyết quá nhiều, việc duyệt hồ sơ xin cấp phép của chủ nhà rất có thể bị chậm hơn thông thường. Nếu thời gian duyệt bị kéo dài, tiến độ thi công sẽ chậm theo.

Khó khăn trong bố trí nhân sự

Hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng nhiều năm, chúng tôi nhận thấy hầu hết khách hàng có xu hướng tìm hiểu và ký kết hợp đồng đầu năm. Sau Tết hoặc giữa năm sẽ khởi công và cuối năm là thời điểm tăng tốc hoàn thiện công trình. Vì vậy, lực lượng nhân sự bao gồm cả kiến trúc sư và kỹ sư được phân bổ để dồn lực cho các dự án, đảm bảo bàn giao đúng thời hạn, đạt chất lượng tốt nhất. Nếu gia chủ xây nhà vào lúc này, sẽ khó khăn hơn trong việc tìm kiếm đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Hệ quả cuối cùng là ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ sử dụng của ngôi nhà.

Dễ gặp phải tình trạng thi công gấp rút, ép tiến độ dẫn tới mắc nhiều lỗi sai

Nhiều người quan niệm xây nhà sang năm thứ hai sẽ gặp xui xẻo nên có xu hướng yêu cầu hoàn thiện công trình trước Tết. Đội ngũ nhân lực phải gấp rút ép tiến độ cho kịp dự án. Nếu đội ngũ thi công nhà ở kém chất lượng, thiếu hụt chuyên môn và kinh nghiệm, họ dễ mắc phải sai sót trong quá trình thi công và tình huống tệ hơn là không đảm bảo an toàn lao động. Các vấn đề dễ gặp là thấm trần, nứt tường, sụt móng. Cuối năm bận rộn, chủ nhà ít có thời gian để giám sát tiến độ và chất lượng thi công.

Thiếu thời gian nghiệm thu, thử nghiệm công trình

Một ngôi nhà trước khi bàn giao cần có thời gian nghiệm thu, thử nghiệm, quan sát chống thấm, cách âm, điện, nước... Nếu thời gian bàn giao gấp, chủ nhà không kịp phát hiện lỗi, nhập trạch một thời gian mới phát hiện ra vấn đề. Nếu vấn đề rơi vào dịp Tết, không êkíp nào nhận sửa chữa.

Do vậy, nhìn chung xây nhà vào cuối năm sẽ vội vàng, gấp gáp, chi phí vật liệu tăng cao và nhân lực khó tìm. Vì thế, chủ nhà không nên khởi công xây nhà cuối năm. Điều này giúp tránh tình trạng độn giá xây dựng trong khi ngôi nhà hoàn thiện kém chất lượng, gặp nhiều rủi ro.

Kinh nghiệm khi quyết định xây nhà cuối năm

Biệt thự ở Đại Lải, Vĩnh Phúc được hoàn thiện năm 2022. Ảnh: Combo Home

Nếu bạn vẫn quyết định xây nhà cuối năm, đây sẽ là những bí quyết để bạn xây mới và sửa nhà hiệu quả:

- Bạn nên làm việc với KTS càng sớm càng tốt. Tập trung hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép xây dựng trước, kịp tiến độ khởi công xây dựng vào thời điểm cuối năm.

- Chủ nhà có thể đặt mua vật liệu ngay để "giữ" giá. Cần tính khối lượng cần thiết, tránh mua thừa chất đống, thiếu kiểm soát, gây phung phí. Ngoài ra, cần trang bị kiến thức xây dựng cần thiết, tìm hiểu kỹ đối tác thầu thợ và phong cách phù hợp với nguyện vọng và ngân sách.

- Lựa chọn thiết kế thi công nhà trọn gói cũng là một giải pháp phù hợp, tiết kiệm thời gian khi xây nhà cuối năm. Khi cả nhà thầu, KTS, kỹ sư đều của cùng một đơn vị, chủ nhà sẽ không phải làm việc với quá nhiều đầu mối. Chủ nhà dễ dàng quản lý, kiểm soát công trình và chỉnh sửa bản vẽ kiến trúc, nội thất nếu có thay đổi. Mặt khác, nhà thầu cũng có phương án tìm kiếm vật liệu phù hợp, giá thành tốt hơn tự tìm kiếm.

Nguyễn Đăng Hanh - Đoàn Mạnh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/co-nen-xay-nha-cuoi-nam-172221226104148679.htm