Có nên xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc qua thủ tục tố tụng tại Tòa án?

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 25-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho hay, có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật về mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; một số ý kiến không tán thành với việc mở rộng này.

Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, vì trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước và hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng bộ với Bộ luật Hình sự đã mở rộng quy định xử lý đối với một số tội phạm về tham nhũng trong mọi tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước; phù hợp với yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu ý kiến.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhấn mạnh sự cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước. Bởi lẽ, theo đại biểu, thực tế tình hình tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước đã và đang ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời cũng làm hạn chế hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng. Việc mở rộng này để phù hợp với thực tiễn xã hội nước ta, với nguyện vọng của cử tri trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường như hiện nay là cần thiết.

“Thời gian qua, một số doanh nghiệp ngoài nhà nước bị thanh tra, kiểm toán do liên quan đến đấu thầu, nhận thầu, bán tài sản... mà nguồn kinh phí từ các dự án của nhà nước”, đại biểu cho biết và đề xuất để chống lạm dụng thì cần có những quy định cụ thể trong dự luật.

Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc (Điều 52) là vấn đề nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội. Qua cân nhắc kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, Ủy ban Tư pháp đề nghị lựa chọn phương án 3 (xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục tố tụng tại Tòa án).

Không đồng tình với phương án xem xét, giải quyết tại Tòa án này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, việc này cần xem xét kỹ lưỡng. Bởi lẽ, thực tế tài sản là của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được vi phạm mà lại giao cho tòa án xử lý để thu hồi; điều này vi phạm Điều 32 Hiến pháp quy định mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải, nhà ở... Bên cạnh đó, nếu không chứng minh được vi phạm mà thu hồi thì rất khó thực thi, nếu thi hành án cưỡng chế thì gây ra những xung đột khó lường, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội.... Đặc biệt, không có căn cứ pháp lý mà chuyển cho tòa án sẽ gây khó cho tòa án, vì việc kết luận đúng-sai không có cơ sở sẽ dễ phát sinh tiêu cực, có thể làm mất cán bộ, làm mất niềm tin của người dân.

Đại biểu tỉnh Quảng Bình đồng tình với phương án thu thuế; mà theo đó, nếu Nhà nước không chứng minh được tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì Nhà nước tạm coi đây là một khoản thu nhập phải chịu thuế, người kê khai phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, cũng có đại biểu không tán thành với phương án thu thuế này. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) cho rằng, phương pháp thu thuế chưa thể hiện được thái độ thật nghiêm khắc của Nhà nước trong xử lý tài sản, thu nhập có dấu hiệu không minh bạch trong phòng chống tham nhũng, có thể dẫn đến việc trùng lặp trong thu thuế hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội trốn thuế. Phương án này chưa bảo đảm đầy đủ quyền được bảo vệ tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai so với phương án xử lý thông qua thủ tục tố tụng tư pháp có tranh tụng công khai tại Tòa án. Nếu thực hiện theo phương án này thì cũng phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung thu nhập chịu thuế và thuế suất. Đồng thời, chưa có căn cứ tính thuế rõ ràng; bên cạnh đó, với giao dịch đặc thù bằng tiền mặt như hiện nay thì tính khả thi chưa cao...

THẢO NGUYỄN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/co-nen-xu-ly-tai-san-tang-them-khong-giai-trinh-duoc-nguon-goc-qua-thu-tuc-to-tung-tai-toa-an-552849