Cổ ngân hàng giúp VN-Index tăng mạnh nhất thế giới

Bất chấp chứng khoán toàn cầu đỏ rực khắp châu Á cùng giờ, chứng khoán Việt Nam hôm nay vẫn có phiên đảo chiều ngoạn mục. VN-Index từ chỗ giảm gần 7 điểm thành tăng hơn 13 điểm...

Diễn biến của VN-Index.

Độ rộng mạnh mẽ trong nhóm VN30 là động lực quan trọng kéo ngược chỉ số VN-Index, trong đó nòng cốt là các mã ngân hàng. Nếu không có bộ ba siêu lớn là VCB, VIC và VHM kéo xuống, có lẽ thị trường còn tăng mạnh hơn nữa. Dù vậy, mức tăng 1,04% cũng đủ đưa VN-Index lên vị trí dẫn đầu thế giới tính đến thời điểm kết phiên.

TCB, STB, VPB và CTG là “bộ tứ” mạnh nhất trong nhóm ngân hàng, thậm chí trong top 6 mạnh nhất của VN-Index. Đáng chú ý là TCB, VPB, STB đều lập đỉnh lịch sử mới hôm nay.

TCB tăng 4,79% là cổ phiếu kéo VN-Index nhiều nhất thị trường, cộng vào khoảng 2,1 điểm. Cổ phiếu này đang trong hành trình tìm đỉnh lịch sử mới, dù hôm qua có lùi lại một chút, giảm 2,3%. Mức tăng hôm nay mạnh hơn, đủ đưa TCB lên đỉnh mới. TCB hiện đang là blue-chips tăng tốt nhất trong tháng 5 với 20,1%.

Tuy xếp khá sâu trong nhóm kéo chỉ số, nhưng VPB chủ yếu bất lợi vì vốn hóa hơi nhỏ. Cổ phiếu này tăng 1,59% và cũng đang tìm đỉnh. Ấn tượng của VPB chính là thanh khoản. Cổ phiếu này giao dịch lớn nhất thị trường tính theo giá trị, với 2.093 tỷ đồng. Từ đầu tháng 5 tới giờ VPB cũng đã tăng 9,4%.

Trong nhóm thanh khoản nhất thị trường còn có STB trong nhóm khớp lệnh vượt 1.000 tỷ đồng phiên này. STB tăng giá 6,9% và là cổ phiếu duy nhất nhóm VN30 đóng cửa mức kịch trần. Gần 59,5 triệu STB được chuyển nhượng tương đương 1.517 tỷ đồng. Cổ phiếu khớp trên 1.000 tỷ đồng còn lại là HPG, giá cũng tăng 1,13%. CTG đứng thứ 5, cũng là một mã ngân hàng, giao dịch 869,6 tỷ đồng, giá tăng 1,81%. 5 cổ phiếu thanh khoản nhất sàn HSX hôm nay chiếm tới gần 35% tổng giá trị khớp của hai sàn, chiếm 62% rổ VN30 và 38% sàn HSX.

VN30-Index đóng cửa hôm nay tăng 1,54% và có 26 mã tăng/3 mã giảm. Có 18 mã trong rổ này tăng trên 1%. VN30 cũng xác lập trở lại vị thế dẫn đầu khi tăng mạnh nhất: Midcap tăng 1,39%, Smallcap tăng 1,42%. Ngoài ra cũng khá bất ngờ là VN30 đã tăng thanh khoản 1,6% so với hôm qua trong khi Midcap giảm 24%, Smallcap giảm 15%.

Cũng không hẳn là dòng tiền đã quay lại blue-chips hay tổng thể dòng tiền tăng, vì giao dịch của sàn HSX qua khớp lệnh vẫn giảm khoảng 7% so với phiên trước, chỉ đạt xấp xỉ 19.360 tỷ đồng. Giá trị giao dịch cao hôm nay có yếu tố tăng giá là chính. Khối lượng giao dịch cũng giảm gần 7%.

Diễn biến của VN-Index trong phiên hôm nay.

Tuy vậy hôm nay vẫn là một ngày thị trường tăng tốt. Sức ảnh hưởng của các blue-chips mang tính quyết định trong phiên chiều, khi giúp đảo ngược trạng thái của VN-Index. Cho đến cuối phiên sáng chỉ số này vẫn đang giảm gần 3 điểm với 202 mã tăng và 190 mã giảm. Dòng tiền vào blue-chips cũng không gia tăng đột biến gì, giao dịch của rổ VN30 buổi chiều cũng chỉ tương đương chiều hôm qua, khoảng 5.400 tỷ đồng. Tuy nhiên giá thì thay đổi đáng kể.

Tất cả blue-chips thuộc rổ VN30 đều tăng giá mạnh trong phiên chiều. Thậm chí VIC, VHM, VCB tuy đóng cửa đỏ nhưng vẫn là thu hẹp mức giảm rất nhiều. Chẳng hạn VIC đến 1h30 chiều vẫn giảm 2,29% so với tham chiếu, cuối phiên chỉ còn giảm 0,92%. VHM từ giảm 1,22% còn giảm 0,31%. VCB bị đánh dập xuống đợt ATC nhưng cũng co mức giảm lại một chút.

Độ rộng chung đến cuối ngày của sàn HSX ghi nhận 309 mã tăng/102 mã giảm. Hơn 160 mã chốt phiên tăng vượt 1%.

Phiên tăng hôm nay cũng giúp VN-Index đóng cửa cao hơn mức đóng cửa lịch sử hôm 20/4 vừa qua và chính thức có giá đóng cửa ở đỉnh lịch sử mới, đạt 1269,09 điểm. Tuy vậy mức đóng cửa này vẫn chưa cao bằng đỉnh cao nhất phiên hôm qua (1272,55 điểm) và càng chưa vượt được điểm số cao nhất lịch sử mà chỉ số từng chạm tới hôm 20/4 ở 1286,23 điểm.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn là đối tượng không bắt nhịp với diễn biến tăng sôi động chung. Hôm nay khối ngoại xả ròng tiếp 566,1 tỷ đồng ở sàn HSX. HPG vẫn là mã bị bán nhiều nhất tính theo giá trị, với -229,6 tỷ đồng. Tuy vậy lượng bán của khối này cũng chỉ chiếm 15,6% thanh khoản của HPG trong phiên. NVL bị bán ròng 142,8 tỷ, VIC là 102 tỷ. Phía mua ròng lớn nhất là VPB với 156 tỷ đồng.

Kim Phong -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/co-ngan-hang-giup-vn-index-tang-manh-nhat-the-gioi.htm