Có ngân hàng 'ông chủ bảo gì làm nấy'

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho rằng phải tăng cường trách nhiệm ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ ngân hàng. Nhiều ngân hàng làm rất tốt, nhưng cũng có nơi làm lấy lệ nên 'ông chủ bảo gì làm nấy', ban kiểm soát bị vô hiệu.

Dư nợ tín dụng tăng trưởng thấp

Ngày 18/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH trên địa bàn thành phố. Ông Võ Minh Tuấn - Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM - cho biết, kết thúc năm 2023, tổng dư nợ tín dụng tại TPHCM đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng, tăng 9,8% so với cuối năm 2022 và chiếm 26,1% so với tổng dư nợ tín dụng của cả nước.

So với các năm trước đây, tốc độ tăng trưởng này thấp hơn năm 2022 tăng 13,8%, năm 2021 tăng 11,9% và năm 2020 tăng 10,4%. Trong đó, tín dụng tiền đồng chiếm tỷ trọng 96% và tăng 10,85%; tín dụng bằng ngoại tệ chiếm tỷ trọng 4% và giảm 9,88%. Các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 2%/năm đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản vay mới.

Quang cảnh hội nghị.

“Mặc dù tăng trưởng tín dụng của TPHCM thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế trên địa bàn. Kết quả tăng trưởng tín dụng như vậy được đánh giá là mức tăng trưởng hợp lý, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội thành phố” - ông Tuấn nhìn nhận.

Đối với chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất 2% trên địa bàn thành phố, đã có 400 khách hàng được hỗ trợ lãi suất với dư nợ cho vay 24.000 tỷ đồng, tổng số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế đạt hơn 390 tỷ đồng.

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN - cho rằng, TPHCM là địa bàn rất quan trọng, chiếm tới 30% cả về cho vay lẫn huy động vốn. Do đó, NHNN chi nhánh TPHCM và các NH cần làm tốt hơn nữa trong việc hướng dẫn, ghi nhận những khó khăn trong việc triển khai cơ chế chính sách.

“Các tổ chức tín dụng cần cung cấp đầy đủ vốn, kịp thời nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống. Ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt cũng xảy ra trên địa bàn thành phố đã gây ảnh hưởng rất lớn, do đó đề nghị NHNN chi nhánh TPHCM tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, đặc biệt là thanh kiểm tra vào những dấu hiệu mà cơ quan giám sát đã chỉ ra trong quá trình thanh tra” - ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN.

Phó Thống đốc cũng cho biết, NHNN đã có chỉ thị về phải đẩy mạnh cho vay tín chấp, cho vay tiêu dùng, cho vay bằng dữ liệu căn cước công dân…Tuy nhiên, TPHCM cần có giải pháp, cơ chế chính sách bảo vệ người cho vay. Những con nợ chây ỳ, trốn nợ cũng cần phải có các chế tài mạnh tay để NH yên tâm khi cho vay.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho rằng, phải tăng cường trách nhiệm ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ ngân hàng. Nhiều NH làm rất tốt, nhưng cũng có nơi làm lấy lệ nên “ông chủ bảo gì làm nấy”, ban kiểm soát bị vô hiệu. Trong công tác thanh kiểm tra, TPHCM là địa bàn hoạt động tốt nhưng cũng xảy ra nhiều vấn đề và cần không để lặp lại nữa.

Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp suy kiệt

Ở góc độ doanh nghiệp (DN), ông Phan Đình Tuệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - cho hay, suy giảm tiêu dùng trong năm 2023 cộng với áp lực lãi suất cao đã khiến DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa suy kiệt. Bên cạnh đó, các DN còn đối mặt với những khó khăn về áp lực trả nợ, thiếu hụt tài sản đảm bảo thế chấp vay vốn mới.

“Với Thông tư 02 cho phép giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ thì chỉ những DN biết và kiến nghị lên NH, còn lại rất khó được NH công bố rộng rãi xuống các DN. Hiện nhiều DN không dám vay vốn NH để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Dù thủ tục để tiếp cận vốn vay đã được cải thiện, NH cũng đang đi tìm khách hàng có nhu cầu vay vốn, song việc kết nối giữa NH - DN cần được đẩy mạnh thêm” - ông Tuệ nêu thực tế.

Đánh giá cao những đóng góp của ngành NH thành phố thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho rằng, các NH không chỉ giúp DN có thêm vốn để tái cơ cấu, phục hồi sản xuất mà còn giúp ổn định cuộc sống người lao động.

Vay nhanh, vay nóng nhan nhản khắp nơi.

Ông Dũng cũng đề nghị các NH, NHTM có chính sách thuận lợi để người dân được vay tiêu dùng nhiều hơn. Theo ông Dũng, trong năm vừa qua, các tổ chức cho vay tín dụng “đen” cho người dân vay tiêu dùng rất nhanh, tuy nhiên số nợ cũng rất dài và không trả được, dẫn đến việc mất an toàn, mất an ninh trên địa bàn. Đã có nhiều vụ án như vậy được công an đưa ra xét xử.

“Việc vay tiêu dùng của người dân TPHCM là nhu cầu có thật và rất lớn. Rất mong ngành NH tiếp tục có chính sách phù hợp để người dân dễ tiếp cận, nhưng người vay cũng phải có trách nhiệm chi trả đảm bảo” - ông Dũng cho biết.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/co-ngan-hang-ong-chu-bao-gi-lam-nay-post1605598.tpo