Cổ ngọc kể chuyện trăm năm

Những món cổ ngọc quý hiếm được chế tác điêu luyện nằm trong bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn lần đầu tiên được trưng bày, giới thiệu đến công chúng khiến mọi người ngỡ ngàng, thích thú. Nhiều món đồ trong số đó, theo lời của chủ nhân, được thừa hưởng lại từ gia đình, một phần được ông cất công sưu tập từ hàng chục năm theo đuổi niềm đam mê cổ vật.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn bên những món cổ ngọc trong bộ sưu tập cổ vật của mình

Tinh xảo và hoàn hảo đến ngỡ ngàng

Cuộc trưng bày diễn ra ngay tại không gian Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn – bảo tàng tư nhân đầu tiên của Huế được thành lập cách đây đúng 10 năm, đặt tại tư gia số 114 Mai Thúc Loan, TP. Huế như dẫn lối người đi tìm thông điệp thời gian được ấn ký trên những món đồ của người xưa.

Bước vào bên trong bảo tàng cũng chính là ngôi nhà rường theo lối kiến trúc truyền thống Huế, ngay lập tức người xem sẽ bị cuốn hút bởi hơn 70 hiện vật cổ ngọc được gia chủ cho bày biện một cách khoa học, sang trọng theo từng nhóm, như phục vụ cho nghi lễ, việc thờ cúng, nhóm thủy trì, nhóm gia dụng…

Ở đó những món đồ như ngọc bội, nghiên mực, lư, chén, bát đĩa, hộp, hũ, ấn, bình, gác bút, trâm cài tóc, búi tóc có trâm cài, tượng Quán Thế Âm, tượng Phúc Thần, tượng Sư ông cầm gậy, tượng La Hán Hàng Long, tượng Tiên nữ, tượng rồng… với đủ kích thước, niên đại khác nhau không chỉ đẹp mắt mà còn có những câu chuyện đằng sau gắn liền từng hiện vật.

Hầu hết các món đồ này được chế tác từ ngọc xanh, ngọc trắng, ngọc xanh trắng hay đá Thọ Sơn (Trung Quốc). Rất nhiều trong số đó được chạm khắc hình chìm nổi vô cùng tinh xảo và hoàn hảo đến ngỡ ngàng để biểu trưng cho sự giàu có, quyền lực. Không chỉ quý hiếm về chất liệu và vẻ đẹp, ngọc còn được tôn sùng vì những giá trị, ý nghĩa tốt đẹp, sự vĩnh cửu, thần bí và phúc lành.

Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, phần nhiều các hiện vật ấy được chế tác vào thời triều nhà Nguyễn, chúa Nguyễn và cuối thời Lê với mục đích phục vụ đời sống vua chúa, dùng khi có lễ tế, ban thưởng cho con cháu hoàng gia hay đại thần, đồ trang sức cho vua quan, phi tần… Tùy theo món, có món khi đeo vào thể hiện quyền uy của chủ nhân, đi đến đâu người ta sẽ biết đó là Khâm sai đại thần, Phụ chánh đại thần, hay những ông hoàng, bà chúa…

“Bộ sưu tập quý, mang tính toàn diện”

Ông Sơn cho hay, lịch sử Việt Nam từ thời cổ đại cho thấy cư dân miền Bắc đã biết chế tác những loại đá quý làm trang sức. Từ thời Lê trở về sau phong phú dần, cho đến thế kỷ XVII – XVIII đã có rất nhiều hiện vật ngọc cổ được tìm thấy, đặc biệt trong giai đoạn của các thời vua Lê, chúa Trịnh và thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Đến triều nhà Nguyễn, ngọc đã xuất hiện thường xuyên hơn trong các nghi lễ. Sau khi triều Nguyễn cáo chung, kho tàng cổ vật quý nhất trong Đại Nội được chuyển ra Bắc. Tuy nhiên, theo ông Sơn, ngoài hoàng gia thì vùng đất Huế có rất nhiều phủ đệ, nơi này vẫn còn lưu giữ được nhiều món đồ ngọc được vua ban và được gia chủ gìn giữ, truyền nối. Vì nhiều lý do khác nhau, về sau họ cũng bán để sống. Thời đó, đồ cổ nói chung và cổ ngọc nói riêng xuất hiện khá nhiều ở chợ trời Tây Lộc hay ở đầu cầu Trường Tiền với giá rẻ bèo.

“Nhiều người am hiểu đã mua lại được những món đó và rồi làm thành những bộ sưu tập lớn”, ông Sơn lý giải và nói rằng bộ sưu tập cổ ngọc của mình được thừa hưởng lại từ gia đình một ít, bởi gốc gác gia đình là quan triều Nguyễn, phần còn lại được ông cất công sưu tập trong gần 50 năm theo đuổi đam mê, nghiên cứu cổ vật. Trong số đó có nhiều cổ vật quý hiếm do cụ Vương Hồng Sển để lại cho ông Sơn.

Với nhiều người yêu thích văn hóa, triển lãm này đặc biệt bởi sự xuất hiện của số lượng lớn cổ ngọc. Lâu nay có khá nhiều triển lãm về cổ vật, nhưng riêng về đồ ngọc độc đáo, được sưu tập một cách bài bản, chuyên nghiệp như lần này thì rất hiếm. “Mỗi món ngọc không chỉ đẹp từ tạo tác và giá trị, mà ở đó mình còn biết thêm những câu chuyện đằng sau, gắn liền với nó. Tất cả như đang nối quá khứ với hiện tại”, Nguyễn Huy, một bạn trẻ nói sau khi tham quan không gian trưng bày.

Chiêm ngưỡng bộ sưu tập cổ ngọc ấy, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin cũng tỏ ra choáng ngợp không chỉ về sự đồ sộ mà còn quý hiếm. Theo ông Hoa, triển lãm đã đem đến cho người xem, đặc biệt là giới cổ ngoạn không chỉ những điều bất ngờ lẫn thú vị bởi ngay trong Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế cũng không có nhiều.

“Tôi bất ngờ với bộ sưu tập đồ ngọc của anh Sơn lần đầu tiên ra mắt với công chúng. Trong đó có những tượng thờ theo tôn giáo truyền thống Việt Nam và những cổ vật cung đình từ đồ ngự dụng. Tôi cho rằng đây là bộ sưu tập quý, mang tính toàn diện”, ông Hoa nhận định.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/thong-tin-van-hoa/co-ngoc-ke-chuyen-tram-nam-135571.html