Có những lý do khác khiến nhiều giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo

Một số giáo viên được đà 'công thần', khinh nhờn pháp luật, muốn làm gì thì làm, ứng xử thiếu văn hóa, chuẩn mực, thậm chí gây bạo hành đối với học sinh.

LTS: Chỉ ra những nguyên khiến nhiều giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, thầy giáo Sông Trà kiến nghị một số giải pháp để hạn chế tình trạng này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Năm học 2017-2018, với hàng loạt vụ bạo lực học đường như vụ việc cô giáo dạy toán ở huyện Nhà Bè (thành phố Hồ Chí Minh) không giảng bài trong suốt gần bốn tháng lên lớp;

Thầy giáo Khôi, dạy văn ở Phú Nhuận (thành phố Hồ Chí Minh) nhục mạ học sinh;

Một cô giáo tiểu học ở Hải Phòng bắt học sinh lớp 3 uống nước giẻ lau bảng, vì lỗi nói chuyện ở trong lớp từng gây bức xúc, phẫn nộ dư luận cả nước.

Nguyên nhân khiến nhiều giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo là gì? Ảnh minh họa: http://thanhtra.ntt.edu.vn

Nguyên nhân khiến nhiều giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo là gì? Ảnh minh họa: http://thanhtra.ntt.edu.vn

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đã từng ký và ban hành công văn khẩn về tăng cường công tác đảm bảo an ninh trường học.

Tôi cho rằng, động thái đó của Bộ Giáo dục và Đào tạo là rất cần thiết trong bối cảnh đạo đức nhà giáo đang có dấu hiệu sa sút.

Nhưng chỉ dừng lại những công văn, chỉ thị, những lời nói mang tính chất hô hào, lý thuyết suông thì không thể giải quyết được gốc rễ của vấn nạn đó.

Năng lực sư phạm yếu kém, không yêu nghề, mến trẻ, chế độ đãi ngộ nhà giáo còn hạn chế… được xem là các nguyên nhân chính mà nhiều người hay phân tích, mổ xẻ.

Cảnh cáo thầy giáo lên gối, tát xước mặt học sinh

Theo tôi còn một số nguyên nhân khác không kém phần quan trọng.

Đó là tình trạng nhiều giáo viên bây giờ ít chịu khó tìm hiểu, nắm bắt các quy định của ngành về quyền hạn, trách nhiệm, những việc giáo viên không được làm.

Khi hỏi về quyền và nhiệm vụ của giáo viên quy định trong Điều lệ trường phổ thông có nhiều cấp học, không hiếm thầy cô giáo mù mờ, chẳng biết gì cả.

Đó là tình trạng nhiều ban giám hiệu buông lỏng chức năng quản lý, kiểm tra.

Họp hành thì hời hợt, sơ sài, nặng về hình thức, thủ tục, hồ sơ chủ yếu để đối phó với cấp trên khi về thanh, kiểm tra.

Do đó, gần như mọi chủ trương, quy định, kế hoạch, đổi mới… của cấp trên, của nhà trường không đến, không “thấm” vào nhận thức của thầy, cô giáo.

Tính kỷ cương, kỷ luật, phát huy dân chủ của nhiều cơ sở giáo dục bị sa sút, với các biểu hiện dễ dãi, nể nang, tìm cách che đậy, bưng bít khuyết điểm, sai phạm của nhau.

Vì vậy, một số giáo viên được đà “công thần”, khinh nhờn pháp luật, muốn làm gì thì làm, ứng xử thiếu văn hóa, chuẩn mực, thậm chí gây bạo hành đối với các em học sinh.

Để xảy ra lạm thu, Hiệu trưởng bị kỷ luật, trường vẫn đạt chuẩn quốc gia

Kể cả cấp trên khi về thanh, kiểm tra cấp cơ sở cũng có các biểu hiện như trên.

Những trường hợp, vụ việc bị báo chí, dư luận lên tiếng nhiều thì mới xử lý đúng người, đúng tội, còn biết bao nhiêu vụ việc khác đều giải quyết nội bộ, “đóng cửa bảo nhau”.

Theo tôi, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở, ngành giáo dục cần mạnh tay, kiên quyết loại bỏ, sa thải ra khỏi ngành hoặc khởi tố hình sự đối với những giáo viên bạo hành học trò và cho công khai lên các phương tiện báo chí để mọi người biết, để những thầy cô giáo khác thấy mà sợ, mà tự biết soi rọi, chỉnh đốn mình.

Cứ nhẹ nhàng, thỏa hiệp, dung dưỡng cho những sai phạm không thể chấp nổi của một số thầy cô giáo trong thời gian gần đây chỉ khiến ngành giáo dục càng thêm bệ rạc, mất uy tín trước phụ huynh, học sinh và xã hội.

SÔNG TRÀ

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/co-nhung-ly-do-khac-khien-nhieu-giao-vien-vi-pham-dao-duc-nha-giao-post189464.gd