Có nồng độ cồn, tài xế ô tô 'cù nhầy' gần 2 tiếng không ký biên bản

Dù khi bị kiểm tra có nồng độ cồn trong hơi thở nhưng viện lý do CSGT áp dụng hình phạt bổ sung (giữ xe 7 ngày) là không thuyết phục, tài xế xe ô tô ở TPHCM 'cù nhầy' gần 2 tiếng mà không chịu ký biên bản xử phạt hành chính.

Tài xế ô tô "cù nhầy" gần 2 tiếng mà không ký biên bản vi phạm hành chính.

Tài xế ô tô "cù nhầy" gần 2 tiếng mà không ký biên bản vi phạm hành chính.

Tối 15/1, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), công an TPHCM ra quân kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích đối với tài xế xe ô tô, đặc biệt là xe khách, container.

Đây là hành động nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn, hạn chế tai nạn giao thông sau vụ tài xế xe container có nồng độ cồn cao, dương tính ma túy gây tai nạn thảm khốc ở Long An vào ngày 2/1 vừa qua.

Đặc biệt, trong đợt cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019, PC08 sẽ thành lập 24 tổ trên địa bàn 24 quận huyện để kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích hàng đêm từ 18h-2h sáng.

Chiếc ô tô tài xế P. điều khiển khi trong hơi thở có nồng độ cồn.

Tại chốt chặn trước trạm thu phí xa lộ Hà Nội, sau hơn 2 giờ kiểm tra, đội CSGT Rạch Chiếc (Phòng PC08) đã phát hiện nhiều trường hợp tài xế có nồng độ cồn trong hơi thở khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong đó có 1 tài xế xe container và 4 tài xế ô tô du lịch.

Thời điểm 21h37 ngày 15/1, lực lượng chức năng phát hiện tài xế N.Q.P (SN 1983, ngụ tỉnh Long An) điều khiển ô tô 7 chỗ có nồng độ cồn trong hơi thở (0.19 mg/lít khí thở) và bị lực lượng CSGT lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện và giấy phép lái xe theo Nghị định 46.

Tuy nhiên, tài xế P. cho rằng, mình chỉ vi phạm nồng độ cồn ở mức rất thấp, lực lượng CSGT lập biên bản vi phạm hành chính mà áp dụng điều khoản bổ sung là tạm giữ phương tiện là không thuyết phục nên không chịu ký vào biên bản.

Lực lượng CSGT phải lập biên bản với chữ ký của nhân chứng để tạm giữ phương tiện.

“Tôi chỉ vi phạm nồng độ cồn, không chở quá tải, hàng quốc cấm tại sao các anh lại áp dụng hình phạt bổ sung? Dựa vào đâu các anh phạt bổ sung để giữ xe tôi? Trong thời gian giữ xe thiệt hại về công việc của tôi ai chịu?”, tài xế P. nói.

Để giải thích cho tài xế, Trung tá Nguyễn Văn Hội, Đội trưởng đội CSGT Rạch Chiếc đã đưa Nghị định 46 của Chính phủ và các văn bản hiện dẫn để giải thích gần 2 tiếng đồng hồ và giải thích tài xế có thể làm đơn khiếu nại nếu thấy CSGT lập biên bản không đúng.

“Theo quy định, người điều khiển xe ô tô không được phép sử dụng rượu bia, chất kích thích. Khi kiểm tra, trong hơi thở anh chỉ cần có nồng độ cồn dù là nhỏ nhất thì lực lượng CSGT phải tạm giữ phương tiện. Biện pháp này nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn cho tài xế và người đi đường”, Trung tá Hội nói.

Đến khi CSGT yêu cầu tài xế lên xe để về đồn làm thủ tục niêm phong thì tài xế này vẫn biện nhiều lý do và không chấp thuận.

Tuy nhiên, tài xế P. vẫn không chấp nhận ký biên bản với lý do CSGT áp dụng hình phạt bổ sung, tạm giữ phương tiện của mình là không đúng, không thuyết phục.

Đến khoảng 23h30 phút, sau gần 2 tiếng giải thích nhưng tài xế này vẫn không chấp nhận ký biên bản vi phạm hành chính, lực lượng CSGT buộc phải lập biên bản tạm giữ phương tiện với chữ ký của người làm chứng. Đồng thời, đưa chiếc xe ô tô của tài xế P. về trụ sở.

Ngô Bình

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/co-nong-do-con-tai-xe-o-to-cu-nhay-gan-2-tieng-khong-ky-bien-ban-1367840.tpo