Cổ phần hóa cần thực chất hơn

Trong bối cảnh từ năm 2018, không biết trông chờ vào yếu tố nào để tăng trưởng khi khả năng khai thác thêm dầu để bán hoặc xuất khẩu khoáng sản đã cạn kiệt, việc đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được xem như một chỗ dựa cho nền kinh tế.

Bởi theo tính toán, chỉ tăng 1% hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước, GDP có khả năng tăng 8%. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 cả nước sẽ sắp xếp 240 DNNN, trong đó cổ phần hóa (CPH) 137 DN. Dự kiến, số cổ phần nhà nước bán ra đạt tối thiểu trên 296.362 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất lớn cho phát triển đất nước.

Song nghịch lý ở chỗ, số vốn nhà nước rút khỏi DNNN lại được đầu tư trở lại cho DNNN, không đưa vào thị trường để lực lượng khác sử dụng. Không ít DN thực chất chỉ chuyển đổi từ DNNN sang CTCP về hình thức, thu hồi vốn ở DN này chuyển sang DN khác, giống như đánh bùn sang ao, không thay đổi được gì.

Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, từ năm 2011 đến nay đã có gần 600 DNNN CPH nhưng chỉ có 8% vốn được chuyển giao sang khu vực tư nhân; 700 đơn vị đã hoàn thành CPH nhưng không niêm yết lên sàn chứng khoán. Nghĩa là, nhìn từ mục tiêu tái cơ cấu, kết quả đạt được có thể coi bằng không vì nguồn lực hầu như vẫn nguyên sở hữu nhà nước và các chủ DN tư nhân vẫn phải đứng ngoài cơ cấu quản lý DN CPH. Nhiệm vụ CPH được coi là hoàn thành, thành tích rất cao song mục đích thật sự không đạt được.

Trong khi đó, hàng loạt ông lớn là tập đoàn, tổng công ty vẫn đua nhau báo lỗ; còn số DN tư nhân phải đắp chiếu, dừng hoạt động không ngừng tăng... Qua tổng hợp số liệu 583 DNNN cho thấy, tổng tài sản các ông lớn này trong năm 2016 tăng gần 4% so với năm 2015, lên hơn 3 triệu tỷ đồng, tuy nhiên nợ phải trả của các DN này tăng 3%, lên mức trên 1,5 triệu tỷ đồng trong năm 2016.

Thứ tự nợ được xếp hạng như sau: EVN gần 487.000 tỷ đồng, PVN trên 338.580 tỷ đồng, Than khoáng sản Vinacomin là 100.729 tỷ đồng... Đáng nói, có 17 tập đoàn, tổng công ty lỗ lũy kế 12.500 tỷ đồng. Đó là chưa kể một loạt ông lớn khác đang sa lầy trong 12 đại dự án thất thoát và hàng trăm dự án khác.

Bên cạnh đó là thực trạng khu vực DNNN sau CPH càng phình to, không nhỏ lại do không bán vốn nhà nước tại DN, trong khi phát hành thêm cổ phần để huy động vốn bên ngoài. Việc làm này không đúng mục tiêu rút vốn nhà nước khỏi các lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ, tập trung nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng và các vấn đề xã hội về y tế, môi trường như chức năng của Nhà nước.

Trong khi đó, 10 tháng năm 2017 có gần 10.000 DN giải thể, tăng 5,4% so với cùng kỳ; gần 53.000 DN tạm dừng hoạt động, hầu hết là DN tư nhân. Có nguyên nhân từ sự chủ quan, song nhìn từ yếu tố khách quan, việc các ông lớn nhà nước quyết không nhả miếng bánh mình sở hữu; quá trình tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh chưa quyết liệt như sự đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư chính là nút thắt, rào cản khiến GDP tăng ấn tượng 6,7% nhưng chất lượng không cao. Biểu hiện rõ nhất là ngân sách khó khăn, DN phá sản, lao động thất nghiệp, thu nhập của người dân chưa được cải thiện là bao.

Tại sao quá trình CPH DNNN thường xuyên được thúc đẩy với tinh thần quyết liệt cùng những nỗ lực và chi phí không hề nhỏ lại có kết cục đáng buồn như vậy? Nghịch lý trên cùng sự yếu kém, chậm trễ trong tái cơ cấu, sắp xếp, CPH DNNN cần phải được mổ xẻ nghiêm túc, bởi Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 xác định tái cơ cấu, CPH DNNN là nhiệm vụ trọng tâm, coi phát triển kinh tế tư nhân là động lực, cùng với kinh tế nhà nước làm nòng cốt cho tăng trưởng; Quốc hội cũng có cả nghị quyết riêng về vấn đề này.

Thực tế, dư địa để tạo nguồn lực cho tăng trưởng từ khu vực DNNN rất lớn và không khó làm. Hiện nay, số cổ phiếu của DNNN giao dịch trên thị trường chứng khoán chiếm khoảng 9% GDP, chỉ cần đẩy mức giao dịch lên 15%, bắt buộc các DN đã CPH phải lên sàn sau 12 tháng như quy định và bán hết vốn tại các DN này (trừ lĩnh vực ngân hàng), mỗi năm có khoảng 11-12 tỷ USD.

Giải pháp này vừa không mất thời gian định giá DN, không lo bán tài sản nhà nước dưới giá thành... như những vướng mắc cố hữu của quá trình CPH DNNN, và có thể thu được hiệu quả ngay. Thực hiện giải pháp này sẽ có đủ nguồn lực giải quyết các vấn đề lớn của đất nước như xây sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc và quan trọng có thể có tăng trưởng GDP 8-9%. Nếu không có sự quyết tâm trong tái cơ cấu DNNN, tăng trưởng 6-7% cũng là rất khó khăn đối với nền kinh tế.

Để nâng cao hiệu quả và chất lượng của CPH và thoái vốn nhà nước, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn và bao quát được thực tiễn. Bên cạnh biện pháp mạnh xử lý DN thực hiện CPH chậm, tất cả cổ phần được bán ra đều phải thông qua thị trường tài chính, đồng thời gỡ bỏ những rào cản pháp lý đang hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Đặc biệt phải loại bỏ các lợi ích nhóm, nâng cao tính minh bạch cho quá trình CPH và thoái vốn nhà nước của DN. Có vậy mới giải được bài toán sử dụng hiệu quả nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.

Thanh Trang

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/co-phan-hoa-can-thuc-chat-hon-52030.html