Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Chậm vì 'Bình mới, rượu cũ'?

Năm 2018 được coi là năm bản lề cho phát triển kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, trong đó kế hoạch cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ đóng một vai trò quyết định cho sự thành công. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, năm nay khó có thể đạt được mục tiêu khi mới có hơn 10% DNNN phải CPH được phê duyệt phương án và hầu hết đều có quy mô nhỏ.

Có thể nói rằng, nhìn lại quá trình CPH, thoái vốn DNNN trong những năm vừa qua có rất nhiều mô hình tốt như Petrolimex, Vinamilk, PV Gas, Vietnam Airlines… Các DN này sau khi cổ phần hóa đều có hoạt động tốt hơn. Qua đó có thể nhận thấy hiệu quả từ chủ trương cổ phần hóa là không thể phủ nhận. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, CPH sẽ đem lại xu hướng mới, động lực mới cho DN phát triển.

Tuy nhiên, tiến độ CPH, thoái vốn vẫn diễn ra ì ạch, kết quả đạt được đều không như kỳ vọng, nguồn thu ngân sách từ việc thoái vốn vẫn rất khiêm tốn. Cụ thể, theo kế hoạch, trong năm 2018 sẽ có 85 DNNN phải hoàn thành CPH, bao gồm 64 DN mới và 21 DN chuyển từ năm 2017 sang. Trong đó, riêng tại TP. Hồ Chí Minh là 39 DN, Hà Nội là 11 DN. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính về tiến trình CPH, thoái vốn DNNN cho biết trong 9 tháng mới có 10 DN được phê duyệt phương án CPH với giá trị trên 30.000 tỷ đồng.

Nhìn vào số liệu có thể thấy, “con tàu” CPH ngày càng ì ạch hơn. Chẳng hạn, so sánh với phương án CPH năm 2018, tỷ lệ thực hiện mới chỉ là hơn 10%. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2017, cả nước đã hoàn thành CPH 18 DNNN, công bố giá trị DN và xây dựng phương án CPH để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 12 DN.

Cổ phần hóa phải góp phần nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.

Còn theo số liệu từ Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho biết, tính đến hết tháng 7/2018, tại TP. Hồ Chí Minh chưa có DN nào được CPH. Trong số 39 DNNN có 22 DN công ích đang được giao giữ hộ cho thuê, quản lý hơn 1.000 mặt bằng nhà đất. Theo đại diện Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với 22 DN này khiến cho việc CPH chưa thể thực hiện được là xác định giá trị nhà đất như thế nào.

Công tác triển khai CPH, thoái vốn nhà nước tại các DN mặc dù đã được Chính phủ lên “dây cót” thế nhưng ngày càng thấy tốc độ chậm chạp. Giải thích về điều này đã có nhiều nguyên nhân được nêu ra. Và nguyên nhân được xem là cốt yếu nhất bên cạnh các quy định ngày một chặt chẽ và khó khăn cho quá trình tìm kiếm nhà đầu tư lớn vẫn là do bản thân lãnh đạo các doanh nghiệp chưa sẵn sàng với quá trình thoái vốn, CPH.

Ông Đoàn Đình Duy Khương, Quyền Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang từng bày tỏ: “Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có đóng góp quan trọng trong sự phát triển của DN. Trong giai đoạn đầu triển khai chiến lược mới, Dược Hậu Giang cần sự ổn định. Vì vậy, Dược Hậu Giang mong được kéo dài thời gian quá trình thoái vốn để SCIC tiếp tục đồng hành cùng DN. Trường hợp nếu phải thoái vốn thì đề xuất SCIC giúp cho Dược Hậu Giang tìm được đối tác gắn bó với chiến lược của DN trong trung và dài hạn, để Công ty tiếp tục phát triển đúng định hướng, trở thành thương hiệu, niềm tự hào của Việt Nam”. Hay Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Nhựa Việt Nam Lê Hoàng cũng từng phát biểu rằng, Tổng Công ty nằm trong diện SCIC sẽ thoái vốn toàn bộ, nên tâm tư, nguyện vọng của người lao động bị dao động. Có thời điểm Tổng Công ty rất khó khăn, không biết đi đâu về đâu. Nhiều khi chỉ đạo của Ban Giám đốc không ai nghe. Người đại diện cũng có băn khoăn, có lúc muốn rút lui khỏi công việc…

Bên cạnh yếu tố con người thì quá trình CPH, thoái vốn nhà nước chậm cũng được lý giải là do việc cân nhắc những lợi ích đạt được sau CPH của DN cũng như nguồn vốn mà ngân sách thu lại được sau thoái vốn. Với kinh nghiệm 12 năm về quản trị, đầu tư và là người bán vốn chuyên nghiệp nhất, SCIC cho rằng, phải nhìn ra người mua, đo được thị trường, tính được thời điểm để định giá tốt nhất, chớp cơ hội đưa hàng ra đúng lúc. Vì thế, quan điểm của SCIC là xem xét lựa chọn các phương án thoái vốn cho phù hợp thị trường chung, mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước.

Tất cả những điều đó cho thấy, mặc dù tiến độ cũng là cần thiết, song điều quan trọng nhất trong tiến trình CPH, thoái vốn là hiệu quả. “Bán vốn nhà nước nên khôn ngoan và có chiến lược để nâng cao hiệu quả phần vốn nhà nước trong DN. Không phải khi có quyết định bán là ngày hôm sau quẳng hết hàng ra bán ào ạt. Nếu bung hàng cùng lúc sẽ không thành điểm cộng tốt mà sẽ triệt tiêu nhau” - ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích.

Đánh giá về tình hình cổ phần hóa, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, nếu cổ phần hóa không thay đổi về chất, tức là vẫn duy trì bộ máy cũ, cách quản lý cũ, không đổi mới về quản trị, không công khai minh bạch thì DN có kết quả không khá hơn DNNN mà có DN còn đi xuống. Theo ông Tiến, vấn đề CPH phải là làm quyết liệt, triệt để thay đổi toàn bộ về lượng và chất, thực sự là “bình mới, rượu mới” thì mới đem lại sự hiệu quả thực sự.

Minh Thùy

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/co-phan-hoa-doanh-nghiep-nha-nuoc-cham-vi-binh-moi-ruou-cu-46907