Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Vẫn còn những băn khoăn

Sau khi Thông báo số 1589/TB-TTCP ngày 19/9/2018 của Thanh tra Chính phủ kết luận về nội dung thanh tra tại Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) được công bố, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã có những cuộc trò chuyện với một số nghệ sĩ đã nghỉ hưu và đang công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam. Câu chuyện cổ phần hóa VFS vẫn còn những băn khoăn.

Hãng phim truyện Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam: Cần làm rõ mờ ám góp vốn khu đất của VFS ở Thái Văn Lung, TP Hồ Chí Minh

Tôi đọc bản kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa (CPH) VFS ngay khi vừa công bố chính thức. Tôi mừng vì kết luận chỉ ra hàng loạt sai phạm và nhà đầu tư chiến lược phải rút vốn trước thời hạn. Nhưng bây giờ VFS sẽ tồn tại như thế nào trong khoảng thời gian Tổng công ty Vận tải Thủy (Vivaso) rút vốn và chờ xây dựng đề án CPH mới? Ai là người quản lý VFS trong khoảng thời gian này? Giám đốc Vương Đức thì đã về hưu, Phó Giám đốc VFS trước khi CPH chỉ còn lại NSND Nguyễn Thanh Vân. Ai sẽ đứng ra với tư cách là người có thẩm quyền để ký kết và sản xuất bộ phim “Người yêu ơi” được đặt hàng từ lâu? Và ai sẽ trả lương cho cán bộ nghệ sĩ VFS? Đành rằng sự việc có lình xình nhưng 1 năm qua sau khi CPH thì Vivaso vẫn trả lương (dù chưa đầy đủ và đúng quy định) cho cán bộ, nghệ sĩ VFS.

Trong bản kết luận, tôi thấy đề cập đến các khu đất mà VFS đang sử dụng. Tôi muốn nói về khu đất có diện tích 1.208 m2 ở số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Trước đây, tôi từng làm Giám đốc VFS, đã có người tới chào mời liên doanh nhưng tôi từ chối vì lúc đó quy định pháp lý chưa rõ ràng. Thế nhưng, ngay sau khi tôi được chuyển sang làm Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh thì ông giám đốc kế nhiệm Nguyễn Văn Nam đã làm sai ngay các quy định pháp luật. Lúc đó (khoảng năm 2002) ai cũng nghĩ ông cho thuê nhưng bây giờ mới biết không phải.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam bà Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Kết luận nêu rõ: “Việc Hãng phim truyện Việt Nam ký các hợp đồng cho thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội; góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất và đồng ý cho đối tác (Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Du lịch Sài Gòn) quản lý điều hành hoạt động cho thuê văn phòng hoặc thuê các công ty, tổ chức chuyên nghiệp quản lý điều hành tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh là sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền quy định tại Điều 107, Điều 111 Luật Đất đai năm 2003 và Điều 170, Điều 175 Luật Đất đai năm 2013”.

Như vậy, trách nhiệm của ông ở đâu? Ông có trình lãnh đạo Bộ VHTTDL phê duyệt dự án góp vốn không? Tính giá đất góp vốn là bao nhiêu? Và Bộ VHTTDL có trình kế hoạch với Bộ Tài chính? Những nguồn thu từ tòa nhà xây dựng trên đất số 6 Thái Văn Lung chảy đi đâu mười mấy năm nay? Lợi tức có trả về VFS không? Ai đã cấp phép xây dựng tòa nhà?

Kết luận nêu chung chung là quản lý đất đai và công việc CPH chưa đúng, sai với nghị định này nghị định kia của pháp luật, nhưng chưa chỉ rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan.

Chủ nhiệm phim Lê Hồng Sơn - nguyên Trưởng phòng hợp tác sản xuất phim VFS: Kết luận tương đối đúng nhưng chưa đầy đủ

Ý kiến tổng quan của tôi sau khi đọc xong bản kết luận là: tương đối đúng nhưng chưa đầy đủ. Kết luận đã phân tích nêu ra được những thiếu sót và sai phạm của tiến trình CPH VFS thì cần phải hủy bỏ kết quả CPH đó và cơ quan có thẩm quyền cần xem xét có trách nhiệm tiếp tục kiểm tra, xử lý trách nhiệm liên quan, chứ không đơn thuần chỉ là cho nhà đầu tư chiến lược rút vốn trước thời hạn.

Chủ nhiệm phim Lê Hồng Sơn.

Về việc Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thu hồi nhà đất tại số 4 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội và số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP Hồ Chí Minh là điều có thể gây ra nhiều phản ứng trong rất nhiều cán bộ công nhân viên, văn nghệ sĩ, trí thức và những người yêu VFS trong cả nước.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Người ta đã cổ phần hóa bằng mọi giá

Bản kết luận tuy nhiều thông tin liên quan nhưng tôi chú ý tới 2 điều được lộ rõ: VFS có quá nhiều vấn đề cần giải quyết trước khi CPH theo luật định, nhưng người ta đã tiến hành CPH bất chấp thực tế ấy bằng mọi giá. Đó là sai phạm lớn nhất. Còn thứ hai là Vivaso phải tiến hành rút vốn sớm khỏi VFS. Như vậy với các nghệ sĩ thì hai mục tiêu của cuộc đấu tranh ròng rã gần 2 năm trời là sự minh bạch và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ danh dự nhân phẩm của chính mình đều đã đạt được. Trong văn bản có nói như là sẽ tiếp tục CPH. Nhưng CPH như thế nào sau đó là điều quan trọng và kết quả sẽ đổi khác rất nhiều.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã.

Tôi tin các nghệ sĩ và người lao động sẽ sẵn sàng đón nhận sự thay đổi để phát triển. Nhưng là trên nguyên tắc bảo vệ và phát triển thương hiệu, tôn trọng nghệ sĩ và truyền thống một cách chân thành, đúng mức.

Tôi muốn nói thêm một điều thế này: Với VFS, sắp tới chắc chắn sẽ là bước ngoặt lớn. Các nghệ sĩ và người lao động trong hãng đều hiểu đó sẽ là thay đổi đòi hỏi sự chuyển động, đổi thay và bứt phá của chính họ. Dù thế nào, nếu họ không đoàn kết và nỗ lực thì sinh mạng chính trị của họ và của chính VFS sẽ không thể tồn tại. Trước mắt họ lại là một cuộc đấu tranh khác, với sự thờ ơ, thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm của chính mình. Hơn một năm qua đã là một thử thách không nhỏ đối với tình yêu nghề và tình yêu với thương hiệu đã tạo dựng nên họ và do chính họ góp phần bồi đắp mà nên.

Nhà biên kịch, đạo diễn Nguyễn Xuân Thành: Quan trọng nhất là giữ được thương hiệu VFS

Tôi chưa muốn nói gì nhiều xung quanh kết luận của Thanh tra Chính phủ. Với tôi, quan trọng nhất là giữ được thương hiệu của VFS, điều đó đồng nghĩa với việc nền điện ảnh nước nhà còn tồn tại. Thứ nữa, những người nghệ sĩ như chúng tôi chỉ mong có một môi trường trong sạch để cống hiến công sức trí tuệ của mình cho nền điện ảnh nước nhà mà không bị chi phối bởi những toan tính vụ lợi bằng các giá trị thương mại.

Nhà biên kịch, đạo diễn Nguyễn Xuân Thành.

Vì vậy tôi mong có một cơ chế, chính sách phù hợp để bảo hộ cho các nghệ sĩ nói riêng và hãng phim nói chung trong sự phát triển ồ ạt của các hình thức truyền thông khác trong xã hội. Vì nếu VFS không còn là công cụ tuyên truyền cho Nhà nước như thời kỳ trước thì cũng cần một cơ chế cởi mở cho các tác phẩm của điện ảnh đáp ứng sự phát triển của thị trường. Tác phẩm điện ảnh phải được xem xét, đánh giá theo tiêu chí chung của nghệ thuật chứ không chịu áp lực của cảm tính người xét duyệt chung chung.

Điều nữa, tài sản cũng như đất đai của hãng phim hãy để hãng phim có quyền pháp nhân sử dụng để kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp mà họ thấy đủ điều kiện về tài chính cũng như sự tâm huyết cho sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà.

Còn rất nhiều điều muốn trao đổi nữa xung quanh các sai phạm khi tiến hành CPH. Nhưng việc xem xét xử lý còn cần một khoảng thời gian nữa. Với nghệ sĩ chúng tôi, CPH VFS hay một cơ chế nào khác trong thời gian tới thì với những người làm nghề có được một môi trường trong sạch để làm việc là đã tốt.

Từ Khôi (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/co-phan-hoa-hang-phim-truyen-viet-nam-van-con-nhung-ban-khoan-tintuc417756