Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tiếp tục dồn sang năm 2020

Nửa cuối năm 2019, Agribank có loạt thông tin khác thường, cập nhật liên tục kết quả kinh doanh qua từng tháng.

Agribank là một điểm hẹn cổ phần hóa trong năm 2020.

Khác thường, vì trong nhiều năm qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chưa từng có tần suất cập nhật thông tin tình hình kinh doanh như vậy.

Có thể có hai nguyên do: một là, khi có kết quả kinh doanh tốt lên, Agribank có động lực để chủ động công bố sớm; hai là, đây như một bước khởi động về mặt thông tin cho kế hoạch cổ phần hóa sắp tới.

Agribank cũng là trường hợp ách tắc nổi bật trong lộ trình cổ phần hóa. Ở tình hình chung, cổ phần hóa và hoạt động thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng tiếp tục ách tắc, rồi tiếp tục dồn sang năm 2020.

Đánh giá từ Bộ Tài chính cho thấy, tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2019 thực hiện chậm và đều không đạt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, cập nhật từ Bộ Tài chính tại cuộc họp báo chuyên đề ngày 10/12 cho biết, trong năm 2019 chỉ có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH), tuy nhiên trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp CPH theo công văn số 991/TTg-ĐMDN (2 doanh nghiệp) và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg (1 doanh nghiệp) của Thủ tướng.

Lũy kế giai đoạn 2016 - 2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 168 doanh nghiệp đã CPH chỉ có 36/168 doanh nghiệp CPH thuộc danh mục 128 doanh nghiệp CPH theo công văn số 991 và Quyết định 26 (đạt 28% kế hoạch) nói trên; số doanh nghiệp còn phải thực hiện CPH theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.

Cũng theo Bộ Tài chính, nhiều đơn vị còn tồn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện CPH, trong đó có hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM chiếm tới 54% số doanh nghiệp trong danh mục nhưng thời gian qua vẫn chưa triển khai được.

Cụ thể, TP Hà Nội còn phải CPH 13 doanh nghiệp (4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP.HCM CPH 38 doanh nghiệp (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp CPH 6 DN (3 tập đoàn, 3 tổng công ty); Bộ Công Thương CPH 4 doanh nghiệp (3 tổng công ty); Bộ Xây dựng CPH 2 tổng công ty.

Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết tiến độ còn chậm hơn, nhưng có điểm tích cực là hiệu quả cao, giá trị thu về hơn gấp đôi giá trị sổ sách.

Trong năm 2019 có 13 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thoái vốn với giá trị 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến năm 2019, đã thoái vốn nhà nước tại 92 đơn vị thuộc Quyết định 1232 với giá trị sổ sách 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng. Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232 chỉ đạt 7,8% kế hoạch.

Trong đó, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn theo Quyết định 1232 với giá trị lớn là: Bộ Công Thương (thoái vốn tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam); Bộ Giao thông Vận tải (thoái 30,4% vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - Công ty CP và 35,16% vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Công ty CP); Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 tổng công ty cổ phần); TP Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp).

Đối với các doanh nghiệp thoái vốn nằm ngoài Quyết định 1232, lũy kế từ năm 2017 đến năm 2019, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco).

Cùng với việc thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước theo Đề án cơ cấu lại, tổng kết lại số thoái vốn năm 2019 là 2.687 tỷ đồng giá trị sổ sách, thu về 5.098 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2019 là 24.769 tỷ đồng, thu về 171.072 tỷ đồng.

Với tiến độ CPH và thoái vốn chậm như trên, kế hoạch và yêu cầu trong năm 2019 sẽ tiếp tục dồn sang năm 2020. Trong khi đó, 2020 được xác định là năm cao điểm tiếp tục thực hiện CPH nhiều doanh nghiệp lớn theo danh mục mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt trong năm 2019.

Cụ thể, theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, có 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Trong đó, nhà nước sẽ nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên đối với 4 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, bao gồm Agribank, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam – Công ty mẹ (Vinacomin-TKV), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood I) và Công ty TNHH một thành viên Khoáng sản.

Có 62 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa mà nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Nổi bật như Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Cà phê, Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị (UCID)…

Còn lại 27 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa sẽ do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần, bao gồm Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)…

10 dấu ấn quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019

Vì sao không xử lý, truy cứu trách nhiệm để cổ phần hóa, thoái vốn DNNN ì ạch?

Agribank, chỉ có một con đường

THANH BÌNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/co-phan-hoa-thoai-von-nha-nuoc-tiep-tuc-don-sang-nam-2020-3531755.html