Cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước: Không còn có thể 'đổ lỗi' cho bối cảnh thị trường!

Trong bối cảnh hiện nay, khi các chỉ số chứng khoán đang 'thăng hoa', liên tục thiết lập những kỷ lục mới thì yêu cầu đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lại càng trở nên cấp thiết nhằm tận dụng lực cầu mạnh mẽ này.

 Chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa giúp các doanh nghiệp có vốn nhà nước “thay da đổi thịt”. Ảnh: N.K

Chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa giúp các doanh nghiệp có vốn nhà nước “thay da đổi thịt”. Ảnh: N.K

Tiến độ vẫn “ì ạch”

Hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước đã ở trạng thái “đóng băng” trong một vài năm trở lại đây do các nút thắt về pháp lý. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện tại, khi sức cầu trên thị trường chứng khoán đang rất mạnh cũng như nhu cầu huy động vốn cho ngân sách nhà nước ngày càng lớn thì vấn đề trên lại một lần nữa “nóng” trở lại, buộc các cơ quan quản lý phải sớm vào cuộc để tháo gỡ.

Trên thực tế, các báo cáo tổng kết đều cho thấy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua thu được kết quả rất khiêm tốn. Cụ thể, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế giai đoạn 2016-2020, có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp gần 490.000 tỉ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước gần 234.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong số này, chỉ có 39 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nghĩa là nhiệm vụ cổ phần hóa mới đạt khoảng 30% kế hoạch đề ra.

Các nhà quản lý và doanh nghiệp khó có thể “đổ lỗi” rằng bối cảnh thị trường không thuận lợi nhằm giải thích cho nguyên nhân chậm trễ trong việc cổ phần hóa, thoái vốn của mình.

Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, theo kế hoạch, cũng trong giai đoạn 2016-2020, cả nước phải thực hiện thoái vốn tại 348 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách khoảng hơn 60.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, chỉ triển khai thoái vốn được tại 106 doanh nghiệp, với tổng giá trị thoái vốn gần 6.500 tỉ đồng, đạt 30% về số lượng và 11% tổng giá trị vốn phải thoái theo kế hoạch. Về cơ bản, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn cho đến thời điểm này mới đi qua được nửa chặng đường.

Những tháng đầu năm 2021, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tiếp tục chậm. Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trong tháng 4, cục đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của hai doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc với tổng giá trị doanh nghiệp 202 tỉ đồng.

Trước đó, trong quí 1-2021, các đơn vị vẫn tiếp tục triển khai xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa theo quy định, nhưng số lượng không nhiều. Trong đó, nổi bật là Tổng công ty Phát điện 2 phối hợp Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng với số lượng hơn 580 triệu cổ phần với giá khởi điểm 24.520 đồng/cổ phần.

Tuy nhiên, chỉ có 262.500 cổ phần được giao dịch, tương đương 0,045% tổng số cổ phần bán ra. Về thoái vốn, lũy kế bốn tháng đầu năm, tổng giá trị thoái mới đạt 286,6 tỉ đồng, thu về 2.165 tỉ đồng.

Khó có thể “đổ lỗi” cho bối cảnh thị trường

Xét các nguyên nhân khiến quá trình cổ phần hóa, thoái vốn chậm trong thời gian qua, các chuyên gia cho rằng có hai vướng mắc chính. Thứ nhất là liên quan đến quy định về định giá (trong đó có định giá thương hiệu). Thứ hai là các vướng mắc liên quan đến việc bán đấu giá. Điểm tích cực là hai nút thắt trên đã dần được tháo gỡ nhờ các văn bản pháp luật được ban hành mới đây.

Cụ thể, ngày 27-4-2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 28/2021/TT-BTC, quy định về xác định giá khởi điểm chuyển nhượng vốn, trong đó có giá trị thương hiệu (bao gồm cả giá trị văn hóa, lịch sử) trong giá trị doanh nghiệp. Tiếp đến, ngày 26-5 vừa qua, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư 36/2021/TT-BTC về quy chế mẫu chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Trên cơ sở quy chế mẫu ban hành kèm theo thông tư này, tình hình cụ thể của đơn vị có vốn góp và phần vốn cần chuyển nhượng, tổ chức đấu giá có trách nhiệm ban hành quy chế đấu giá cổ phần/phần vốn góp, mẫu giấy tờ liên quan để tổ chức thực hiện đấu giá sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Đây là cơ sở để các sở giao dịch chứng khoán thực hiện trở lại các cuộc bán đấu giá cổ phần. Trước đây, do chưa có quy chế mẫu nên các sở giao dịch chứng khoán cho rằng thiếu căn cứ để tiến hành các cuộc bán đấu giá cổ phần.

Với việc ban hành các thông tư hướng dẫn Nghị định 140/2020 của Bộ Tài chính gần đây, về cơ bản, việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện. Các văn bản mới đã bổ sung nhiều quy định nhằm tháo nút thắt liên quan đến phương án sử dụng đất của doanh nghiệp, xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, xác định giá trị doanh nghiệp, các quy định về công bố thông tin…

Trong số này, có những doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động đa lĩnh vực, trải dài ở nhiều địa phương khiến thủ tục xác định giá trị doanh nghiệp khá phức tạp như Tổng công ty Viễn thông (MobiFone), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)… Yêu cầu đặt ra là đến năm 2025, các đơn vị chức năng phải cơ bản hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa.

Về cơ bản, chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương đúng đắn và nhận được sự đồng thuận lớn. Nó không những giúp các doanh nghiệp có vốn nhà nước “thay da đổi thịt”, đổi mới theo hướng năng suất và hiệu quả hơn mà còn góp phần cung cấp thêm hàng hóa cho thị trường chứng khoán, trong đó có thể sẽ có không ít những mặt hàng có chất lượng.

Linh Trang

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/317645/co-phan-hoa-va-thoai-von-nha-nuoc-khong-con-co-the-do-loi-cho-boi-canh-thi-truong.html