Cổ phần Vinaconex 'bỗng dưng' nóng

Một loạt các nhà đầu tư đăng ký mua hàng trăm triệu cổ phần VCG là một diễn biến trái ngược so với một năm trước.

Cổ phần Vinaconex “bỗng dưng” nóng

Cụ thể, khi đó, SCIC từng chào bán 96,3 triệu cổ phần của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, Mã CK: VCG) VCG nhưng ế ẩm và chỉ có 3 nhà đầu tư đăng ký mua 5,3 triệu cổ phần.

Còn lần này, theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, nhà đầu tư cá nhân Nguyễn Văn Đông và 3 nhà đầu tư tổ chức gồm Công ty TNHH An Quý Hưng, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Thăng Long JTC, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest đều đăng ký mua trọn lô gần 255 triệu cổ phần VCG (tương đương 57,71% vốn điều lệ) mà SCIC thoái vốn ngày 22/11/2018 với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phần.

Theo đó, 3 nhà đầu tư tổ chức và một cá nhân đăng ký mua trọn gói lô cổ phần VCG, tương đương tổng giá trị tối thiểu là 5.430 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số các nhà đầu tư này, có đơn vị mới thành lập, quy mô nhỏ, hoặc đang kinh doanh thua lỗ.

Nhà đầu tư cá nhân duy nhất đăng ký mua vừa được HNX công bố là ông Nguyễn Văn Đông sinh năm 1980, trú tại Thừa Thiên Huế. Hiện ông Đông không nắm giữ cổ phiếu VCG nhưng trong đợt bán đấu giá đăng ký mua toàn bộ 254,9 triệu cổ phần. Theo bản đăng ký của ông Đông, ông sẽ mua bằng vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Một điểm đáng chú ý khác là các doanh nghiệp tham gia đợt mua cổ phần lần này còn khá non trẻ, có doanh nghiệp được vài ngày tuổi, như Công ty TNHH Đầu tư Star Invest có trụ sở tại Hoàn Kiếm, Hà Nội mới thành lập ngày 9/11/2018. Bên cạnh đó, công ty này đăng ký mua toàn bộ lô cổ phần VCG mà SCIC muốn bán trị giá tối thiểu hơn 5.430 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty là 200 tỷ đồng. Đơn vị này cũng cho biết thu xếp vốn tự có và các nguồn vốn tài chính khác để tham gia đấu giá.

Các nhà đầu tư khác bao gồm Công ty TNHH An Quý Hưng đăng ký kinh doanh tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, vốn điều lệ 360 tỷ đồng, do ông Nguyễn Xuân Đông và bà Đỗ Thị Thanh góp vốn. Thông tin được gửi kèm trong bản công bố cho thấy, kết thúc năm 2017, An Quý Hưng có tài sản ngắn hạn gần 550 tỷ đồng, dài hạn 450 tỷ đồng và tổng cộng nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng. Năm 2017, Công ty đạt 956 tỷ đồng doanh thu và 62,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Thăng Long JTC có vốn điều lệ 250 tỷ đồng, đăng ký kinh doanh tại tòa nhà 57 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội, do ông Nguyễn Duy Dũng, ông Trần Đức Thọ và ông Nguyễn Việt Hưng góp vốn.

Tại thời điểm cuối năm 2017, Công ty có tài sản ngắn hạn hơn 55 tỷ đồng, tài sản dài hạn 202 tỷ đồng, tổng cộng nguồn vốn 257 tỷ đồng. Trong năm 2017, Công ty đạt doanh thu gần 2 tỷ đồng và lỗ 2,8 tỷ đồng. Thông báo của doanh nghiệp này cho biết, nguồn vốn thực hiện mua cổ phần VCG là vốn chủ sở hữu và nguồn vốn huy động hợp lệ khác.

Trong số tổ chức đăng ký mua cổ phần VCG thì Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam là đơn vị "có tuổi" nhất khi được thành lập từ năm 2010. Doanh nghiệp này có 6 cổ đông cá nhân, đặt trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Theo thông tin đăng ký kinh doanh, đơn vị này thực hiện tăng vốn điều lệ lên 380 tỷ đồng vào năm 2015.

Người đại diện theo pháp luật của Thăng Long Việt Nam là ông Trịnh Cần Chính - Tổng giám đốc công ty. Ông Trịnh Cần Chính là con trai của ông Trịnh Văn Bô - nhà tư sản tại Hà Nội từng hiến 5.000 lượng vàng cho cách mạng.

Trong một diễn biến khác, trước phiên đấu giá, Vinaconex đưa ra thông báo khóa room ngoại về mức 0%. Trong khi vào đợt đấu giá cổ phần VCG cách đây một năm của SCIC, vấn đề giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không được nhắc đến và vẫn giữ ở mức 49%.N hư vậy, với tỷ lệ room ngoại là 0%, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được tham gia mua cổ phần tại hai đợt thoái vốn lớn sắp tới tại Vinaconex. Tuần qua, khối ngoại cũng bắt đầu bán ròng VCG trên sàn chứng khoán.

Được biết, năm 2018, Vinaconex đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng thêm 9,3% so với năm trước. Theo đó, tổng doanh thu Vinaconex kỳ vọng là 19.440,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.335,8 tỷ đồng. Đối với Công ty Mẹ, do năm 2017 có khoản lợi nhuận đột biến từ việc thoái vốn ở Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) 760 tỷ đồng, nên nếu chỉ so sánh về số liệu thuần túy thì kế hoạch năm 2018 thấp hơn so với kết quả thực hiện năm 2017.

Vinaconex đang quản lý và sở hữu 3,2 triệu m2 đất, bao gồm 131,786 m2 được giao tại 9 công trình và 3 triệu m2 đất thuê đang thực hiện đầu tư tại 7 dự án khác. Quỹ đất của Vinaconex phân bổ nhiều nơi nhưng tập trung phần lớn ở Hà Nội.

Vinaconex cũng đang thực hiện hai dự án cải tạo chung cư cũ tại 93 - 97 - 99 Láng Hạ với tổng vốn đầu tư hơn 1.550 tỷ đồng. Đồng thời, công ty đang triển khai dự án chung cư cao 33 tầng tại 25 Nguyễn Huy Tưởng (đầu tư 637,5 tỷ đồng) và Vinata Towers (đầu tư 618,7 tỷ đồng). Ngoài ra, Vinaconex còn sở hữu lô đất 24.000m2 hiện là Trường trung học - tiểu học - mầm non Lý Thái Tổ (Hà Nội), 8.500m2 ở Sóc Sơn (Hà Nội), 33.000m2 đất tại trạm bơm xăng tăng áp…

Nguyễn Long

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/co-phan-vinaconex-bong-dung-nong-140270.html