Cổ phiếu bất động sản Trung Quốc lao dốc sau khủng hoảng tại Country Garden

Các vấn đề nợ nần của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Country Garden ngày càng sâu sắc sau khi trái phiếu trong nước của họ bị đình chỉ, khiến cổ phiếu của công ty xuống mức thấp kỷ lục. Cổ phiếu của Country Garden đã giảm 16,3% xuống còn 0,82 đô la Hồng Kông vào buổi trưa ngày 14/8, kéo theo Chỉ số tài sản đại lục Hang Seng giảm 3,9%.

Country Garden, từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu, cho biết họ sẽ “không tiếc công sức tự giải cứu”. Ảnh: AFP/Getty Images

Cổ phiếu bất động sản giảm mạnh

Cuộc khủng hoảng ở Country Garden diễn ra sau một loạt dữ liệu yếu kém khác vào tuần trước và làm tăng thêm áp lực lên các nhà hoạch định chính sách trong việc khôi phục niềm tin vào nền kinh tế, vì nhiều công ty bất động sản tư nhân sắp đạt đến đỉnh điểm nếu hỗ trợ tài chính không sớm thành hiện thực.

Cổ phiếu của Country Garden đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào ngày 14/8 sau khi công ty này bị đình chỉ giao dịch ít nhất 10 trái phiếu đại lục của họ, thúc đẩy việc bán tháo rộng rãi các cổ phiếu liên quan đến bất động sản.

Sự chậm lại trong lĩnh vực bất động sản, chiếm hơn 1/4 hoạt động kinh tế của Trung Quốc, đã đến vào thời điểm quan trọng đối với Bắc Kinh, khi nền kinh tế phải đối mặt với những cơn gió ngược về thương mại và áp lực giảm phát.

Brock Silvers - Giám đốc đầu tư của công ty cổ phần tư nhân Kaiyuan Capital cho biết: “Không có lựa chọn nào tốt (cho chính phủ) vào thời điểm này. Cuối cùng thì tình trạng mất khả năng thanh toán của lĩnh vực bất động sản phải được giải quyết”.

Country Garden, trước đây là nhà phát triển bất động sản lớn nhất ở Trung Quốc tính theo doanh thu, đã bỏ lỡ các khoản thanh toán trái phiếu quốc tế vào tuần trước, một dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng thanh khoản kéo dài hai năm trong lĩnh vực bất động sản đang có nguy cơ leo thang. Cổ phiếu của tập đoàn đã giảm tới 18,4% tại Hồng Kông sau một tuyên bố được đưa ra vào cuối tuần qua, cho biết một số trái phiếu do công ty và các công ty con phát hành sẽ bị đình chỉ giao dịch trong tuần này.

Cổ phiếu của nhà phát triển bất động sản khác là Jinmao Holdings cũng giảm tới 9,8% sau khi công ty đưa ra cảnh báo lợi nhuận vào cuối ngày thứ sáu tuần trước.

China Jinmao thuộc sở hữu nhà nước cho biết trong một hồ sơ công bố ngày 13/8, họ dự kiến sẽ giảm 80% lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm nay, do tỷ suất lợi nhuận gộp ở một số dự án giảm và giá đất giảm. Cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của công ty đã giảm hơn 7% vào ngày 14/8.

Cổ phiếu và trái phiếu của Longfor Group và Seazen Group, hai nhà phát triển tư nhân lớn và cũng được coi là lành mạnh về tài chính, đã chịu áp lực kể từ khi rắc rối nợ nần ở Country Garden được đưa ra ánh sáng. Cổ phiếu của 2 DN này đã giảm lần lượt 1,7% và 5,7% vào ngày 14/8.

Chỉ số Hồng Kông theo dõi lĩnh vực bất động sản đại lục giảm tới 4,8%, trong khi chỉ số Hang Seng giảm 2,5% và CSI 300 của Trung Quốc giảm 1,3%.

Một trong những trái phiếu Country Garden được niêm yết tại Thượng Hải sẽ đáo hạn vào tháng tới và được giao dịch lần cuối ở mức 27 xu trên một đô la, so với mức gần ngang bằng vào tháng 1 năm nay, khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19 và các nhà đầu tư lạc quan về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trái phiếu Country Garden được giao dịch ở mức 50 cent vài tuần trước.

“Nỗi đau” mới cho thị trường bất động sản Trung Quốc

Cho đến gần đây, Country Garden được coi là một triển vọng an toàn hơn so với nhiều công ty bất động sản có đòn bẩy cao. Cuộc chiến sinh tồn của công ty là một phép thử quan trọng đối với sức khỏe của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc và các chính sách của Bắc Kinh đối với lĩnh vực này, khi niềm tin của người mua nhà giảm sút.

Country Garden đang đối mặt với “khó khăn lớn nhất” trong lịch sử. Ảnh: Bloomberg

Trong một diễn biến liên quan, ngày 14/8, các nhà phân tích tại Morgan Stanley đã hạ xếp hạng Country Garden xuống mức thấp hơn, cảnh báo “tính thanh khoản ngày càng tồi tệ của công ty có thể dẫn đến khả năng vỡ nợ cao hơn trong thời gian tới”.

Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc đã ngừng cứu trợ bất kỳ nhà phát triển bất động sản nào của đất nước, hàng chục trong số đó đã vỡ nợ kể từ sự thất bại của Evergrande vào năm 2021, thay vào đó, tập trung vào việc hoàn thiện các khu dân cư. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ đã lên tiếng ủng hộ lĩnh vực này trong những tuần gần đây trong bối cảnh lo ngại về tình trạng vỡ nợ lan rộng.

'Thời điểm quan trọng'

Dickie Wong cho biết, tác động của lĩnh vực bất động sản đối với nền kinh tế Trung Quốc đã đạt đến "thời điểm quan trọng" và các cơ quan quản lý nên thực hiện nhiều chính sách hơn, bao gồm cắt giảm thêm lãi suất và tỷ lệ dự trữ.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm trong quý II khi nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu, khiến các nhà lãnh đạo hàng đầu hứa hẹn hỗ trợ chính sách hơn nữa và các nhà phân tích hạ dự báo tăng trưởng của họ trong năm.

“Hai tuần trước, chính phủ nhấn mạnh họ sẽ hỗ trợ lĩnh vực bất động sản và điều đó đơn giản là không xảy ra” - Dickie Wong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Kingston Securities có trụ sở tại Hồng Kông cho biết. “30 ngày tới sẽ thực sự quan trọng đối với Country Garden” - Wong nói.

Những tai ương của Country Garden cho thấy cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài hai năm đã ăn sâu như thế nào ở Trung Quốc, gây nghi ngờ về khả năng tồn tại của các nhà phát triển tư nhân, những người đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế của đất nước trong nhiều thập kỷ.

Bắc Kinh đã phát động chiến dịch giảm đòn bẩy vào năm 2020 được thiết kế để hạ nhiệt giá nhà quá nóng. Chính sách này hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng của các công ty xây dựng nhà tư nhân, những người thường bán căn hộ chung cư trước khi chúng được hoàn thành và dựa vào sự luân chuyển nhanh chóng của tiền mặt.

Evergrande, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, vào tháng trước đã tiết lộ khoản lỗ 81 tỷ USD trong năm 2021 và 2022, cho thấy quy mô của cuộc khủng hoảng nợ tại công ty đang trải qua quá trình tái cơ cấu không minh bạch.

Trong một dấu hiệu nữa của vấn đề nợ nần, nhiều công ty niêm yết ở Trung Quốc cho biết trong hồ sơ giao dịch chứng khoán vào cuối tuần qua rằng, họ chưa nhận được khoản thanh toán đến hạn từ các công ty có liên kết với Zhongzhi Enterprise Group, một chủ nợ tư nhân của các tập đoàn bất động sản bao gồm Evergrande.

Country Garden ngày 10/8 cho biết họ sẽ “không tiếc công sức tự giải cứu” khi tiết lộ khoản lỗ dự kiến là 45 tỷ - 55 tỷ Rmb (6,2 tỷ - 7,6 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay. Từ đầu năm đến tháng 7, doanh thu của công ty chỉ đạt 140,8 tỷ Rmb, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2021, thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng tiền mặt trên toàn ngành bất động sản.

“Bạn có thể thấy cổ phiếu sụt giảm và tất cả những gì họ có thể làm vào lúc này là ngừng giao dịch để cố gắng ổn định tâm lý” - Wong nói. Ở những nơi khác trong khu vực, Topix của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc đều giảm khoảng 1%./.

Hoàng Lê (theo Financial Times)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-phieu-bat-dong-san-trung-quoc-lao-doc-sau-khung-hoang-tai-country-garden-133937.html