Cổ phiếu cần quan tâm ngày 10/7

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 10/7 của các công ty chứng khoán

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu KSB

CTCK BIDV (BSC)

Triển vọng kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB – sàn HOSE) đến từ: Sản lượng tiêu thụ đá tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 nhờ việc (1) Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, (2) mỏ đá Tam Lập đi vào khai thác, giúp tăng trữ lượng đá của KSB thêm 40%, (3) mức nền thấp năm 2022.

Bên cạnh đó, Khu công nghiệp Đất Cuốc mở rộng 2 mở khóa sẽ là động lực tăng trưởng lợi nhuận và giảm áp lực nợ vay cho KSB từ cuối năm 2024. Ngoài ra, cơ cấu tài chính của Công ty ngày càng cải thiện.

Trong năm 2023, BSC dự báo KSB ghi nhận doanh thu thuần 887 tỷ đồng (tăng 3% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số 187 tỷ đồng (tăng trưởng 23%), tương đương EPS FWD 2023 = 2.448 đồng/CP, P/E FWD 2023 =12.2x, P/B FWD 2023 = 0.83x.

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu KSB với giá trị hợp lý năm 2023 là 37.300 đồng/CP (Upside 20% so với giá đóng cửa ngày 06/07/2023), theo phương pháp định giá từng phần với DCF cho mảng đá, RNAV cho Khu Công nghiệp Đất Cuốc với WACC = 12% và giá trị sổ sách cho các dự án đá, đất sét dở dang và các bất động sản đầu tư khác.

BSC kỳ vọng mỏ Tam Lập và Quỹ đất KCN mở rộng 2 được mở khóa vào nửa cuối năm 2023 và nửa cuối năm 2024 sẽ là động lực tăng trưởng mới cho KSB.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu TCM

CTCK Phú Hưng (PHS)

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM – sàn HOSE) giảm 27,6% so với cùng kỳ đạt 1.570,74 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 105,63 tỷ đồng, giảm 18% do chịu sự tác động nặng nề từ việc sụt giảm đơn hàng xuất khẩu.

Theo đó, tính riêng quý II/2023, doanh thu thuần giảm 33,8% đạt 694 tỷ đồng, trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 8,2% đạt 50,6 tỷ đồng nhờ ghi nhận 1,3 triệu USD lợi nhuận từ việc bán hơn 3,7 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu SAVIMEX (HOSE: SAV), tương đương tỷ lệ sở hữu là 20c59%.

Trong bối cảnh nhu cầu dệt may toàn cầu suy yếu, TCM đặt mục tiêu một cách thận trọng với kế hoạch doanh thu thuần đạt 3.927,41 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 244,89 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và 13% so với mức thực hiện năm 2022. Ban lãnh đạo cho biết khách hàng đặt hàng nhỏ giọt và cẩn trọng hơn, theo kịch bản khả quan nhất, đến hết năm 2023 thị trường dệt may mới phục hồi. Tính đến quý III/2023, công ty chỉ mới nhận được 77% đơn hàng cho kế hoạch doanh thu.

Do đơn hàng sụt giảm, TCM chỉ tập trung vận hành 1 nhà máy may Vĩnh Long. Đối với nhà máy may Vĩnh Long 2, TCM sẽ tuyển dụng lao động để đạt công suất theo kế hoạch ngay sau khi thị trường có dấu hiệu phục hồi.

Tuy nhiên, đối với kế hoạch xây dựng nhà máy đan và nhuộm tại tỉnh Vĩnh Long, TCM cho biết do chi phí xây dựng nhà máy quá cao và công suất mà tỉnh Vĩnh Long cấp phép không đạt như kỳ vọng, do đó TCM sẽ tạm dừng mở rộng dự án nhà máy tại Vĩnh Long và chuyển nhượng phần còn lại của dự án nhà máy đan và nhuộm với diện tích đất khoảng 68 ngàn m2.

TCM đã đầu tư mảnh đất này ở mức USD 26/m2 và giá thị trường hiện tại đạt khoảng USD 80-85/m2, ban lãnh đạo dự kiến chuyển nhượng và dùng khoản tiền này để mua lại nhà máy hiện hữu khác gần Tp.HCM. Chúng tôi ước tính lợi nhuận từ việc chuyển nhượng mảnh đất này sẽ rơi vào khoảng hơn 3.5 triệu USD.

Năm 2023, TCM chi trả cổ tức cho năm 2022 với tỷ lệ 20%, với 7% cổ tức bằng tiền mặt (đã chi trả vào tháng 4/2023) và 13% cổ tức bằng cổ phiếu. Cổ tức năm 2023 dự kiến ở mức 15%.

Trước áp lực sức mua yếu và tồn kho cao khiến cho đơn hàng sụt giảm, tổng cầu dệt may thế giới năm 2023 được dự báo sẽ giảm 5% so với năm ngoái, từ 722 tỷ USD xuống mức 685 tỷ USD, chúng tôi dự phóng thận trọng doanh thu thuần của TCM năm 2023 đạt 3.501 tỷ đồng (giảm 19,3%).

Chúng tôi ước tính biên lợi nhuận gộp năm 2023 sẽ giảm xuống mức 15,8% dựa trên tình hình chung của ngành là thiếu đơn hàng trong khi giá bán bị ép giảm. Qua đó, lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 211 tỷ đồng (giảm 25,1%).

Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, chúng tôi ước tính mức giá hợp lý dành cho cổ phiếu TCM là 52.300 đồng/cổ phiếu. Do đó đưa ra khuyến nghị giữ cho TCM.

Rủi ro: (1) Rủi ro tỷ giá; (2) Rủi ro cạnh tranh; (3), Rủi ro thanh toán; (4) Rủi ro nguồn nguyên liệu; (5) Rủi ro lạm phát; (6) Rủi ro suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng tới nhu cầu đơn hàng.

N.T

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-107-post325393.html