Cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/11

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 16/11 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu REE

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị OUTPERFORM cho cổ phiếu REE của CTCP Cơ điện lạnh, với mức giá mục tiêu mới 74.700 đồng/cp (tiềm năng tăng giá 29%) từ 75.200 đồng/cp trước đó.

Nguyên nhân điều chỉnh giá mục tiêu chủ yếu vì hạ dự phóng kết quả kinh doanh do những diễn biến kém tích cực của tình hình thủy văn xảy ra nghiêm trọng hơn.

BVSC tiếp tục ưa thích REE vì đây là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ổn định, bài bản, sức khỏe tài chính và dòng tiền rất mạnh, đem lại cho Công ty những vị thế đàm phán tốt để có thể tiếp tục mở rộng thông qua các hoạt động M&A và tự đầu tư trong tương lai.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NLG

CTCK BIDV (BSC)

Năm 2023, BSC dự báo doanh thu thuần của CTCP Đầu tư Nam Long (NLG – sàn HOSE) đạt 4.516 tỷ đồng (giảm 1% so với năm trước, giảm 9% so với dự báo cũ) khi điều chỉnh giảm doanh thu xây dựng. Lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số được điều chỉnh giảm 12% so với dự báo cũ, đạt 583 tỷ đồng (tăng 5% so với năm trước) do tiến độ ghi nhận thoái vốn Paragon chậm hơn dự kiến.

Năm 2024, BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số lần lượt đạt 6.811 tỷ đồng (tăng trưởng 51%) và 819 tỷ đồng (tăng trưởng 40% so với năm trước) nhờ điểm rơi bàn giao các sản phẩm flora Akari City và sự trở lại của sản phẩm valora Southgate. Biên lợi nhuận gộp giảm còn 33% từ mức 48% chủ yếu do tỷ trọng bàn giao valora năm 2024 thấp hơn 2023.

So với Báo cáo khuyến nghị mua gần nhất ngày 08/08/2023, NLG trải qua giai đoạn điều chỉnh giảm 15,1%, nhiều hơn so với mức giảm 11,7% của VN-Index về mức định giá hấp dẫn P/B 2024F = 1.3x.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG và giảm giá mục tiêu còn 44.700 đồng/CP (giảm 3,2% so với báo cáo trước, upside +21,6%) sau khi điều chỉnh giảm giá trị mở bán mới năm 2023 và dời năm cơ sở sang cuối quý III/2023. Định giá hiện tại vẫn duy trì hấp dẫn khi xét theo định giá P/B 2024F=1.3x so với P/B trung vị ngành hiện tại 1.5x.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CTD

CTCK BIDV (BSC)

Trong năm 2024, BSC dự báo CTCP Xây dựng Coteccons (CTD – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 17.027 tỷ đồng (tăng 152% so với năm trước, tăng 17% so với năm 2022), lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số đạt 236 tỷ đồng (tăng 354% so với năm trước, tăng 1.024% so với năm 2022), tương đương EPS fwd = 2.383 đồng/CP, P/E fwd = 26x, P/B fwd = 0.7x.

Dự báo trên dựa vào các giả định sau: Doanh thu xây lắp đạt 17.000 tỷ đồng (tăng 153% so với năm trước, tăng 17% so với năm 2022); Biên lợi nhuận gộp đạt 2,8%, tăng 0,5 điểm % nhờ tăng tỷ trọng mảng xây dựng công nghiệp trong cơ cấu backlog; Biên lợi nhuận ròng đạt 1,4%, tăng 0,6 điểm %, nhờ giảm trích lập dự phòng khoản phải thu xuống còn 104 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2024-2026, BSC kỳ vọng lợi nhuận ròng của CTD sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với CAGR 107%, từ mức nền thấp trong giai đoạn 2020-2023, nhờ các yếu tố sau: thứ nhất là CTD sở hữu lượng backlog có giá trị lớn, đạt 20.000 tỷ đồng tính đến hết FY2023 trong bối cảnh thị trường xây dựng dân dụng đang gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai là biên lợi nhuận gộp dự báo cải thiện lên mức 2,7% vào FY2024 (tăng 0,5 điểm % so với năm trước) và 3,0% vào FY2025 (tăng 0,3 điểm % so với năm trước) nhờ gia tăng tỷ trọng mảng xây dựng công nghiệp trong cơ cấu backlog.

Thứ ba là giảm trích lập dự phòng khoản phải thu xuống còn lần lượt 94 tỷ đồng và 77 tỷ đồng trong 2024 và 2025.

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTD với giá trị hợp lý cho 2024 là 78.700 đồng/CP (Upside 26% so với giá đóng cửa ngày 13/11/2023), dựa trên hai phương pháp định giá P/B và FCFF với tỷ trọng 50%-50%. Đối với phương pháp P/B, chúng tôi sử dụng P/B mục tiêu = 0.9x. Đối với phương pháp FCFF, chúng tôi sử dụng tỷ lệ chiết khấu WACC = 14% và tỷ lệ tăng trưởng dài hạn = 2%.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu SAB

CTCK Phú Hưng (PHS)

Kết quả kinh doanh thực tế của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB – sàn HOSE) thấp hơn so với kỳ vọng của chúng tôi một ít – doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 21.941 tỷ đồng (giảm 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái) và 3.289 tỷ đồng (giảm 26%), thấp hơn 9% và 4,7% dự phóng mới nhất của chúng tôi.

Khuyến nghị hiện tại của chúng tôi cho SAB là mua với giá mục tiêu là 88.050 đồng/CP (tiềm năng tăng giá: 43,6%). Kết quả thực tế của SAB không lệch quá nhiều so với dự phóng của chúng tôi, tuy nhiên, do bối cảnh không tích cực của nền kinh tế và cạnh tranh gay gắt đang diễn ra trong ngành bia, chúng tôi có thể phải chọn một góc nhìn thận trọng hơn cho năm sắp tới.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu DPM

CTCK Phú Hưng (PHS)

Điểm nhấn đầu tư đối với cổ phiếu của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM – sàn HOSE): Thứ nhất là nhu cầu phân bón tăng cao đến từ việc gia tăng canh tác ngũ cốc do giá mặt hàng này trên toàn cầu tăng vì tác động của El Nino;

Thứ hai là giá phân urê toàn cầu đang leo thang do giá khí đốt tăng cao, bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị và sự chuẩn bị cho mùa đông ở Châu Âu. Việc thắt chặt nguồn cung do lệnh cấm xuất khẩu urê của Trung Quốc càng làm trầm trọng thêm vấn đề này. Những yếu tố này, dù mang tính mùa vụ nhưng có thể hỗ trợ tích cực cho kết quả hoạt động của công ty trong cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Thứ ba là cơ cấu tài chính rất ít nợ vay và dòng tiền mạnh giúp công ty duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức cao trong những năm tới (20% vào năm 2023 và khoảng 6% vào năm 2024F). Công ty cũng tập trung đầu tư vào các dự án sản xuất hóa chất mới để đa dạng hóa danh mục sản phẩm cũng như tạo ra các động lực tăng trưởng mới.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý là 35.000 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị nắm giữ với mức tăng giá tiềm năng là 9%. Định giá của chúng tôi giả định rằng tốc độ tăng trưởng của dòng tiền sau năm 2027 là 0% (g=0%) do thị trường phân bón nội địa bị phân mảnh và tiến gần đến trạng thái bão hòa mà không có động lực tăng trưởng mới.

Rủi ro: (1) Biến động bất lợi của giá nhiên liệu đầu vào; (2) Rủi ro suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-1611-post333972.html