Cổ phiếu chìm sâu dưới mệnh giá, ngân hàng khó huy động vốn trên sàn chứng khoán

Nhiều ngân hàng có tên tuổi trên thị trường chứng khoán, nhưng đường về mệnh giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn rất khó khăn.

Có thể thấy được, trong số 18 cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên HoSE, HNX và giao dịch trên UPCoM thì có 5 cổ phiếu hiện đang giao dịch dưới mệnh giá như SHB, LPB, NVB, KLB và STB cũng trồi sụt quanh mệnh giá tính đến kết phiên ngày 9/12.

SHB là cổ phiếu thảm hại nhất, có giá thấp nhất trong nhóm này.

50 triệu cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội lên sàn chứng khoán vào tháng 4/2009 với mức giá đóng cửa phiên đầu là 15.200 đồng/cp.

Song, sau hơn 10 năm, SHB hiện chỉ loanh quanh mức 6.000 đồng/cp với vốn hóa 7.339 tỷ đồng, tương ứng với hơn 1,2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Tính theo giá điều chỉnh, cổ phiếu SHB chưa bao giờ đạt nổi mốc 20.000 đồng/cp kể từ khi lên sàn.

Còn tính riêng trong 1 năm qua, cổ phiếu SHB vẫn lẹt đẹt giao dịch dưới mệnh giá, thậm chí còn giảm tới gần 20% xuống mức 6.100 đồng/cp chốt phiên 9/12. SHB giao dịch trên mệnh giá gần đây nhất là vào năm 2017.

Đây là cổ phiếu bi thảm nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng. Dù vậy, khối lượng giao dịch bình quân của cổ phiếu SHB khá cao với hơn 3 triệu đơn vị mỗi phiên. Khối lượng cổ phiếu nhà đầu tư đặt bán luôn cao hơn đặt mua.

Giá cổ phiếu KLB của Kienlongbank cũng không khả khẩm hơn khi chỉ xoay quanh mệnh giá. Theo báo cáo tài chính quý 4/2019 hợp nhất mới đây của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) bất ngờ ghi nhận khoản lỗ khá lớn (120 tỷ đồng) chủ yếu do thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong quý 4 giảm tới 53% xuống còn 115,7 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Kienlongbank chỉ đạt 86 tỷ đồng, giảm 70,4% so với năm 2018.

Kienlongbank cho biết, lợi nhuận ngân hàng giảm chủ yếu do giảm thu nhập lãi thuần trong tháng 12/2019 khi ngân hàng phải hạch toán giảm các khoản lãi phải thu đã ghi nhận trong các năm trước đối với các khoản vay của một nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác theo phương án xử lý nợ được NHNN phê duyệt.

Tiếp nữa là cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), đến nay chỉ còn 7.200 đồng/cổ phiếu…

Đến nữa là Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB - mã: NVB) tiền thân là Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank). Năm 2010, 100 triệu cp Navibank chính thức niêm yết trên HNX với giá 11.900 đồng/cp. Tuy nhiên, giá cổ phiếu liên tục xuống thấp. Sau quá trình vật lộn tái cơ cấu, cổ phiếu NVB vẫn không thoát khỏi cảnh giá rẻ và mỗi năm thiết lập một đáy mới...., hiện đang giao động mức 9.000 đồng/cổ phiếu.

Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, cổ phiếu ngành ngân hàng là cổ phiếu chịu nhiều ảnh hưởng từ thông tin thị trường. Với đặc thù của ngành, những tác động từ cổ đông, lãi suất, chi phí trích lập dự phòng, và đặc biệt là nợ xấu ảnh hưởng trực tiếp tới thị giá cổ phiếu ngành này.

Do đó, việc giá cổ phiếu chìm sâu dưới mệnh giá khiến các ngân hàng niêm yết rất khó thành công trong việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn.

Bởi, một trong những mục tiêu lớn nhất của ngân hàng khi niêm yết trên chứng khoán là được tiếp cận với kênh huy động vốn dài hạn. Nói cách khác, sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán chính là mở ra kênh huy động vốn cho doanh nghiệp và ngân hàng. Tuy nhiên, nếu lên sàn nhiều năm mà không huy động được vốn, việc niêm yết trên sàn của ngân hàng không còn ý nghĩa.

Thống kê tổng số doanh nghiệp đang niêm yết, đăng ký giao dịch trên cả Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho thấy, có khoảng hơn gần 1.000 doanh nghiệp và ngân hàng có thị giá cổ phiếu dưới mệnh giá, chiếm 40% tổng số mã niêm yết và đăng ký giao dịch. Trên thực tế, các doanh nghiệp và ngân hàng này rất khó khăn trong việc chào bán cổ phiếu để huy động vốn cho sản xuất kinh doanh.

Minh Quân

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/co-phieu-chim-sau-duoi-menh-gia-ngan-hang-kho-huy-dong-von-tren-san-chung-khoan-d169425.html