Cổ phiếu chứng khoán: Định giá có còn hấp dẫn?

Nhóm phân tích TPS cho rằng mức định giá hiện tại vẫn còn hấp dẫn so với triển vọng của ngành trong nửa sau của năm 2024, trong bối cảnh thanh khoản dự báo tích cực, kết quả kinh doanh các CTCK tiếp tục phục hồi và tương lai hệ thống KRX vận hành củng cố cho khả năng nâng hạng của thị trường.

Theo số liệu mà TPS Research thống kê dựa trên báo cáo tài chính quý I/2024 của 31/36 công ty chứng khoán (CTCK) niêm yết, ngành chứng khoán đã đạt được mức doanh thu 9.238 tỷ đồng, tăng 22,5% trong khi lợi nhuận sau thuế khá cao với 3.278 tỷ đồng, tăng 130,7% so với cùng kỳ.

Theo thống kê của Vietstock, trong quý I/2024 có tới 19 công ty chứng khoán báo lãi trên 100 tỷ đồng, trong đó nổi bật là Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) với lãi ròng 930 tỷ đồng, gấp gần 2,8 lần cùng kỳ hay Chứng khoán SSI với lãi ròng gần 730 tỷ đồng; Chứng khoán VNDirect với lãi ròng 617 tỷ đồng…

Nhóm phân tích TPS cho rằng kết quả này đến từ nhiều yếu tố tích cực. Một là số lượng tài khoản chứng khoán trong 4 tháng đầu năm 2024 tăng thêm 511.000 tài khoản so với chỉ 160.000 của quý I/2024. Thứ hai, tâm lý thị trường ổn định hơn và kỳ vọng vào thị trường sau năm 2023 với nền kinh tế nhiều biến động. Cùng đó, thanh khoản thị trường trong quý I được duy trì ở mức cao với trung bình 861 triệu cp/phiên, tăng 7% so với cùng kỳ 2023 trong khi giá trị giao dịch khoảng 21.429 tỷ đồng/phiên, tăng 26% so với cùng kỳ.

 Nguồn: TPS

Nguồn: TPS

 Nguồn: TPS

Nguồn: TPS

Hoạt động cho vay margin vẫn có sự sôi động, với tổng dư nợ cho vay margin quý I của toàn thị trường theo thống kê của TPS đạt 182.000 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ 2023. Tỷ lệ dư nợ margin/ vốn chủ sở hữu của ngành đạt 0,79 lần, còn cách xa so với ngưỡng quy định (2 lần), cho thấy dư địa cho vay vẫn còn khá lớn.

Trong đó, Chứng khoán SSI (mã: SSI) duy trì tỷ lệ cho vay 0,65 lần, Chứng khoán HSC (mã: HCM) là 1,46 lần, Chứng khoán VNDirect (mã: VND) là 0,62 lần, Chứng khoán MB (mã: MBS) là 1,83 lần.

 Nguồn: TPS

Nguồn: TPS

 Nguồn: TPS

Nguồn: TPS

Kết thúc quý I/2024, chỉ số ngành chứng khoán cho thấy mức hiệu suất sinh lời chỉ nhỉnh hơn so với thị trường chung, theo đó chỉ số ngành tăng 12% so với 10% của VN-Index. Định giá P/B của ngành đang giao dịch ở mức 1,83 lần, tương đương mức bình quân 3 năm gần nhất.

“P/B của ngành chứng khoán có tính biến động lớn, trong quá khứ P/B ngành thường giao dịch trong khoảng từ 0,8-1,0 lần ở giai đoạn khó khăn, và từ 3,0-3,8 lần trong giai đoạn thị trường hưng phấn. Do đó, chúng tôi cho rằng mức định giá hiện tại vẫn còn hấp dẫn so với triển vọng của ngành trong nửa sau của năm 2024”, báo cáo của TPS nhấn mạnh.

 Kết thúc quý I/2024, hiệu suất sinh lời của ngành chứng khoán đạt 12%, nhỉnh hơn so với thị trường chung (10%). Nguồn: TPS

Kết thúc quý I/2024, hiệu suất sinh lời của ngành chứng khoán đạt 12%, nhỉnh hơn so với thị trường chung (10%). Nguồn: TPS

Theo đó, nhóm phân tích kỳ vọng kết quả kinh doanh của nhóm chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian còn lại của năm 2024 nhờ hai yếu tố: (1) Diễn biến tích cực của thị trường, chỉ số VN-Index vẫn duy trì nhịp tăng tốt kể từ đầu năm, (2) Thanh khoản của thị trường sôi động khi tâm lý của NĐT được cải thiện.

Về triển vọng thị trường chứng khoán nói chung, TPS duy trì quan điểm tích cực với dự báo môi trường lãi suất huy động thấp sẽ hỗ trợ cho sự dịch chuyển của dòng vốn đến kênh đầu tư chứng khoán (nơi có tỷ suất lợi nhuận cao hơn), qua đó hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Cùng đó, kết quả kinh doanh các CTCK tiếp tục phục hồi tốt và tương lai hệ thống KRX vận hành củng cố cho khả năng nâng hạng của thị trường cũng là 2 yếu tố hỗ trợ cho triển vọng tích cực của VN-Index.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/co-phieu-chung-khoan-dinh-gia-co-con-hap-dan.html