Cổ phiếu doanh nghiệp ngành may lao dốc cả quý 1, có thấy 'ánh sáng cuối đường hầm' quý 2?

Hầu hết các doanh nghiệp ngành may gặp khó trong đại dịch COVID-19, bằng chứng là kết quả kinh doanh của nhiều đơn vụ sa sút.

Lợi nhuận phân hóa, cổ phiếu lao dốc trong quý 1

Đa số doanh nghiệp dệt may niêm yết có lợi nhuận sau thuế quý 1/2020 giảm so với quý 1/2019. Tổng công ty May 10 (UPCoM: M10) hiện đang là doanh nghiệp có tốc độ giảm lợi nhuận lớn nhất, cụ thể, May 10 ghi nhận lãi ròng giảm 32% trong quý 1, đạt 11 tỷ đồng.

Theo sau đó là Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) giảm 21% lãi ròng và Đầu tư và Thương mại TNG (HoSE: TNG) giảm lãi 10% so cùng kỳ.

Tệ hơn là Tổng CTCP May Việt Tiến (UPCoM: VGG) thậm chí còn ghi nhận lỗ 21 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 88 tỷ đồng.

Theo VGG, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và EU (các thị trường xuất khẩu chủ yếu của May Việt Tiến), các đối tác nhập khẩu tại các nước này đã giảm và hủy số lượng lớn các đơn hàng.

Đồng thời, sức mua trong nước cũng giảm, dẫn đến doanh thu thuần quý 1 giảm 15%, xuống còn 1,475 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí cho người lao động như lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội… đều tăng làm ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất kinh doanh.

Ngành dệt may diễn biến như thế nào trong quý 2?

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp trong ngành có lợi nhuận tăng trưởng như Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) tăng nhẹ 0,3%, Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HoSE: GIL) tăng 32%, Dệt may Hòa Thọ (UPCoM: HTG) tăng 7%.

Nhiều doanh nghiệp may mặc đã đầu tư vào sản xuất khẩu trang vải và khẩu trang y tế như một giải pháp để đối phó với khoảng thời gian khó khăn và nắm bắt cơ hội từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung khẩu trang.

Nhiều doanh nghiệp đã ký kết những hợp đồng xuất khẩu trị giá hàng triệu USD, phần nào giúp xoa dịu thiệt hại từ thực trạng nhu cầu thấp của hàng may mặc.

Một cái tên nổi bật có thể kể đến là Y tế Danameco (HNX: DNM), sau nhiều năm làm ăn không mấy khởi sắc thì chỉ trong 3 tháng qua, nhờ cung ứng khẩu trang thì Công ty này đã thu về lãi bằng cả năm 2019.

Cụ thể, trong quý 1, Danameco ghi nhận tổng cộng 127 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 3 lần so với kỳ năm trước. Nhờ đó lợi nhuận gộp tăng 2,4 lần, đạt hơn 24 tỷ đồng.

Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Danameco cũng tăng mạnh lên gần 12 tỷ đồng từ mức 8 tỷ đồng. Tuy vậy, Công ty vẫn ghi nhận lãi ròng trong quý 1 gấp 8 lần so cùng kỳ, đạt trên 8 tỷ đồng, con số lãi này gần bằng với số lãi mà Công ty thu về trong cả năm 2019.

Theo lãnh đạo Danameco, dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm nên Công ty đã tập trung đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, trang phục chống dịch… khiến doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ quý trước.

Ngoài ra, Công ty cũng tận dụng cơ hội này để đầu tư máy móc thiết bị, tăng cường sản xuất và mở rộng thị trường. Điều này đã giúp doanh số công ty tăng 225% và lợi nhuận sau thuế tăng 650%.

Tính tới ngày 29/4, chỉ số giá cổ phiếu của các doanh nghiệp dệt may giảm 10,3% so với đầu năm nhưng vẫn vượt trội so với VN-Index (giảm 20% so với đầu năm) do nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trong các ngành khác có mức giảm sâu hơn.

Ngành may chưa hết khó

Tính từ đầu năm tới ngày 15/4, giá trị xuất khẩu hàng may mặc và hàng xơ sợi giảm lần lượt 6,0% và 6,6% so với cùng kỳ 2019. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), từ nửa cuối tháng 3, nhiều khách hàng lớn từ Mỹ và EU đã đề nghị các doanh nghiệp Dệt may Việt Nam giãn, hoãn giao hàng hay thậm chí là hủy hợp đồng.

Dự kiến lượng đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 của ngành có thể giảm khoảng 70% sv cùng kỳ năm trước. VNDirect cho rằng xuất khẩu dệt may sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn trong quý 2/2020.

Dịch bệnh đã được kiểm soát tốt ở Trung Quốc, tạo điều kiện cho 90% các nhà máy hiện đã hoạt động trở lại, góp phần khôi phục 85-90% nguồn cung ứng nguyên liệu cho ngành dệt may thế giới. Do đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng không còn là một vấn đề lớn.

Tuy nhiên, các nước châu Âu và châu Mỹ liên tiếp thực hiện biện pháp “phong tỏa” và chuỗi vận chuyển xuất khẩu gần như bị gián đoạn đã khiến cho nhu cầu đã giảm mạnh, giáng đòn khá lớn đối với các nhà máy dệt may Việt Nam (và cả Trung Quốc).

Nhằm “tự cứu mình”, các nhà máy dệt may đang triển khai 2 chiến lược: chuyển đổi thị trường tiêu thụ vào trong nước, thay đổi sản phẩm sản xuất từ may mặc sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn và quần áo bảo hộ, số khác bắt đầu chia sẻ đơn đặt hàng và nguyên liệu thô.

Dịch COVID-19 cũng cho thấy nguyên vật liệu ngành dệt may Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu từ Trung Quốc.

Năm 2019, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vượt 39 tỷ USD và nhập khẩu nguyên vật liệu thô lên tới 22,36 tỷ USD, trong đó vải, sợi và nguyên liệu thô chiếm tới 60%, 55% và 45% tổng lượng nhập khẩu để phục vụ sản xuất.

Mặc dù các công ty đang tích cực tìm kiếm các nhà cung cấp khác từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác, song nguyên liệu thô từ các thị trường này không phong phú, khó có thể đáp ứng các đơn đặt hàng quy mô nhỏ và giá cả thường cao hơn so với nhập khẩu từ Trung Quốc.

Do đó, VNDirect đánh giá tiêu cực về ngành trong ngắn hạn và không khuyến nghị đầu tư trong giai đoạn này. Về dài hạn, các Hiệp định thương mại EVFTA và CPTPP vẫn là các yếu tố hỗ trợ.

Tuy nhiên, nút thắt trong khâu sản xuất vải và sự phục hồi sau dịch vẫn là vấn đề cần giải quyết để có thể có những bước tiến xa hơn.

Anh Nhi

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/tai-chinh-ngan-hang/co-phieu-doanh-nghiep-nganh-may-lao-doc-ca-quy-1-co-thay-anh-sang-cuoi-duong-ham-quy-2-91051.html