Cổ phiếu DVN khó phục hồi mạnh mẽ

Giá cổ phiếu DVN của Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm, UPCoM: DVN) gần như chỉ đi ngang trong biên độ hẹp từ 12.000- 15.000đ/cp trong thời gian qua.

Cổ phiếu DVN vẫn đi ngang vùng giá 10-15 ngàn đồng/cổ phiếu trong thời gian qua

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, DVN đạt doanh thu hợp nhất 2.764,8 tỷ đồng, giảm 4% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 120,9 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

DVN có vốn điều lệ 2.370 tỷ đồng, cổ đông lớn nhất là Bộ Y tế sở hữu 65% vốn, cổ đông chiến lược là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương nắm 17% vốn, SAM Holding nắm 4,98% vốn. DVN là doanh nghiệp có doanh thu hàng đầu ngành dược phẩm Việt Nam nhưng lợi nhuận chỉ bằng 1/3 lợi nhuận của Dược Hậu Giang (DHG). DVN hiện là công ty mẹ của DP1, CDP, Dược Trung ương 3 và hàng loạt công ty liên kết, trong đó nổi bật là Imexpharm, DP3, Danapha, Mekopha, Sanofi Việt Nam…

Theo Quyết định 1232/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, DVN nằm trong danh mục Bộ Y tế phải giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 0%. Tuy nhiên đến nay, việc thoái vốn của Bộ Y tế tại DVN chưa được thực hiện.

DVN quản lý nhiều lô đất đứng tên công ty mẹ và các công ty con. Trong đó, DVN có 2 lô đất tại KCN Hòa Minh, Liên Chiểu- Đà Nẵng và nhiều diện tích đất vàng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Theo các chuyên gia, nhu cầu về thuốc ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Ngành dược Việt Nam được dự báo sẽ đạt tăng trưởng từ 8- 9% trong những năm tới.

Việt Nam được đánh giá là thị trường dược phẩm hấp dẫn với đặc điểm quy mô dân số khá lớn, tuổi thọ trung bình đang gia tăng đi kèm với việc nhận thức về sức khỏe của người dân ngày càng được nâng cao.

Ngoài ra, mặc dù thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, nhưng chi tiêu thuốc bình quân đầu người dân Việt Nam vẫn chưa đến 40 USD/người/năm, chỉ bằng khoảng 1/2 mức bình quân của các nước trong khu vực.

Riêng năm 2019, nhiều dự báo cho biết chi phí chăm sóc sức khỏe của toàn bộ người dân Việt Nam dự kiến có mức tăng trưởng 12%/năm, đạt khoảng gần 20 tỷ USD.

Mặc dù tiềm năng thị trường là rất lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp lớn ngành dược hiện nay đang tụt hậu so với mức tăng trưởng của thị trường này. Tăng trưởng doanh số của các doanh nghiệp này chậm lại, cho thấy sức cạnh tranh của doanh nghiệp dược Việt Nam nói chung và DVN nói riêng có vẻ như ngày càng yếu đi.

Trong khi thị trường dược phẩm Việt Nam đang chứng kiến sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp ngoại. Các doanh nghiệp ngoại liên tiếp có các thương vụ mua lại cổ phần của các công ty dược phẩm Việt Nam. Chẳng hạn Tập đoàn Abbott (Mỹ) sở hữu 51,69% cổ phần tại Công ty Xuất nhập khẩu y tế Domesco. Abbott cũng mua lại Công ty TNHH Dược phẩm Glomed của Việt Nam...

Tập đoàn Sanofi (Pháp) cũng đã ký thỏa thuận mở rộng hợp tác chiến lược với DVN, bao gồm sản xuất và tiếp thị dược phẩm của Sanofi, cũng như dược phẩm xuất khẩu sang thị trường khu vực Châu Á - Thái Bình Dương...

Trong chuỗi giá trị ngành dược, các doanh nghiệp của Việt Nam, nhất là DVN với cổ phần Nhà nước lớn, rất khó năng động trong cạnh tranh, đặc biệt ở lĩnh vực tân dược, do phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, luôn bị động về nguồn cung, giá cả và tỷ giá. Thêm vào đó, DVN cũng như các doanh nghiệp dược Việt Nam chỉ đủ khả năng sản xuất thuốc bào chế theo công thức đã hết thời hạn bảo hộ, vì năng lực nghiên cứu và phát triển các loại thuốc có hạn... Đây cũng chính là thế khó của DVN trong bối cảnh hiện nay.

Đó cũng là lý do khiến các cổ phiếu top đầu ngành dược Việt Nam, như DHG, DMC, TRA, IMP, DVN... luôn có giao dịch trầm lắng trong thời gian qua.

Tính đến phiên giao dịch ngày 23/8, cổ phiếu của DVN đi ngang quanh mức 13.500 đồng/cổ phiếu, thanh khoản rất èo uột, chỉ khoảng hơn 48.000 đơn vị/phiên.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, với những khó khăn, thách thức hiện nay, cổ phiếu DVN khó phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới.

Hà Phương

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/co-phieu-dvn-kho-phuc-hoi-manh-me-156509.html