Cổ phiếu hàng không giảm tăng trưởng do áp lực cạnh tranh và nCoV?

Triển vọng tăng trưởng của các mã chứng khoán trong lĩnh vực hàng không sẽ bị giới hạn do áp lực cạnh tranh gia tăng khi các hãng mới gia nhập thị trường và ảnh hưởng từ dịch cúm corona.

Thành viên mới Bamboo Airways mở đường bay thẳng Hà Nội-Praha từ ngày 29/3/2020. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thành viên mới Bamboo Airways mở đường bay thẳng Hà Nội-Praha từ ngày 29/3/2020. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Báo cáo phân tích từ Công ty chứng khoán SSI về xu hướng tăng trưởng của các mã chứng khoán thuộc nhóm hàng không cho thấy quy mô đội tàu bay nội địa của Việt Nam đạt tới 196 máy bay vào cuối năm 2019. Sang đến năm 2020, áp lực cạnh tranh trong ngành này tiếp tục gia tăng do các công ty mới gia nhập thị trường cộng thêm sự tăng trưởng về quy mô đội tàu bay của các doanh nghiệp hiện tại.

Vốn hóa cổ phiếu ngành vượt tăng trưởng của VN-Index tới 6,69%

Theo diễn biến của thị trường chứng khoán trong năm 2019, vốn hóa thị trường ngành hàng không có mức tăng 14% và cao hơn tăng trưởng VN-Index là 6,69%. Theo đó, cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt nhất trong ngành là VJC (Vietjet) tăng 20% và mã tăng thấp nhất là HVN (Vietnam Airlines) với 6%.

Năm 2019, số lượng khách nội địa trong lĩnh vực hàng không cũng tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu du lịch trong nước phát triển. Theo báo cáo từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, khách du lịch nội địa đạt 85 triệu lượt, tăng 6,5%/năm kéo theo tổng số lượng chuyến bay nội địa tăng 10%/năm, đạt 325.000 chuyến bay.

Bên cạnh đó, quy mô của đội tàu bay của các công ty tăng lên như HVN đạt 100 máy bay, tăng 22 máy bay mới (bao gồm B787-10, A350-900 và A321neo); Vietjet cũng có đội bay lên tới 71 chiếc, tăng 9 máy bay (bao gồm A321 và A321neo). Riêng Bamboo gia nhập thị trường hồi đầu năm đóng góp 25 máy bay (bao gồm A321, A321neo và B787-9).

Chuyên gia phân tích của SSI chỉ ra một số mặt thuận lợi khác trong nhóm ngành vào năm 2019 như chi phí nhiên liệu đã giảm 7%/năm (giá nhiên liệu máy bay A1 trung bình 79,10 USD/ thùng) nhờ vào việc giá dầu thô giảm với tỷ lệ tương đương. Một điểm nhấn khác, đó là lỗ giá vốn do biến động tỷ giá đã không còn là vấn đề như trước đó. Trên thị trường, VND chỉ tăng nhẹ 0,06% so với USD vào cuối năm.

“Con số này đã thấp hơn so với các dự báo từ giới chuyên gia khi cho rằng VND có thể mất khoảng 2% giá trị so với USD. Và, điều này đã giúp cải thiện lợi nhuận của ngành trong năm qua,” ông Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm phân tích và Tư vấn đầu tư của SSI cho biết.

Tăng trưởng sẽ kém tích cực trong năm 2020?

Vào thời điểm năm 2019, ba hãng hàng không mới công bố quyết định gia nhập là Bamboo, Kite Air và Viettravel. Theo đó, Bamboo triển khai vào năm 2019 và các công ty còn lại dự kiến bắt đầu vào năm 2020.

Với việc này, theo SSI, mô hình “nhị quyền” (HVN-VJC) trước đó đã thay đổi với sự góp mặt của các thành viên mới giúp thị trường nội địa nhanh chóng trở nên cạnh tranh đồng thời làm giảm thị phần, lợi suất của mỗi công ty trong ngành.

Cụ thể, Bamboo Airways đã giành thị phần nội địa từ cả HVN và VJC. Theo đó, nhóm các hãng thuộc Vietnam Airlines (HVN-JPA-VASCO) đã mất 1,2% thị phần xuống còn 54,8% (từ 56% vào cuối năm 2018), VJC mất 2,8% thị phần (từ 44% vào cuối năm 2018 xuống còn 41,2 %) trong 9 tháng của năm 2019.

Điều này dẫn tới lợi nhuận của các mã cổ phiếu cũng giảm sút theo. Cụ thể, lợi nhuận gộp của công ty mẹ VJC (không bao gồm bán quyền mua máy bay) giảm 10%/ năm và lợi nhuận gộp của HVN cũng giảm 1,5%/năm.

Dự báo xu hướng tăng trưởng của ngành trong năm 2020, ông Hoàng Việt Phương chỉ ra cả hai hãng Kite Air và Viettravel Airlines đều có kế hoạch bắt đầu chuyến bay thương mại đầu tiên từ giữa đến cuối năm 2020 và hiện họ đang chờ phê duyệt cuối cùng về Chứng chỉ khai thác máy bay (AOC).

“Trong trường hợp AOC được phê duyệt, tổng số hãng hàng không tại Việt Nam sẽ tăng từ 5 đến 7 hãng. Theo kế hoạch, 2 công ty mới sẽ bắt đầu khai thác các tuyến bay ngắn đến các thành phố nhỏ hơn so với việc tập trung vào các tuyến chính là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh do không còn chỗ trống tại các điểm đến đó. Trong đó, Viettravel ban đầu sẽ tập trung vào phục vụ khách du lịch hiện tại của chính mình (khoảng 1 triệu khách/ năm và tăng 15% mỗi năm) bay đến các điểm du lịch ở Việt Nam và các nơi khác ở châu Á,” ông Phương chia sẻ.

Về phần tăng trưởng quy mô đội bay, Vietnam Airlines đã có kế hoạch tăng đội bay lên 107 chiếc vào năm 2020 và 135 chiếc vào năm 2025; VietJet tăng lên 96 máy bay vào 2020 và 200 máy bay vào năm 2025. Như vậy, trong trường hợp kế hoạch trên được phê duyệt, kể từ năm 2020 hai công ty này sẽ đưa vào sử dụng 8 máy bay vào năm 2020 và 38 máy bay cho đến năm 2025.

Với những yếu tố trên, các chuyên gia của SSI dự báo áp lực cạnh tranh sẽ tăng thêm vào năm 2020 dẫn đến giảm sản lượng hành khách và hệ số tải cho mỗi máy bay. Mặt khác, các chuyên gia này ước tính giá nhiên liệu trung bình năm 2020 sẽ giảm khoảng 3%/năm (dựa trên giả định giá dầu thô Brent khoảng 62 USD/ thùng) nhờ đó phần nào sẽ giảm áp lực chi phí cho hàng không.

Cùng với yếu tố bất lợi về dịch bệnh virus corona chủng mới (2019-nCoV) tiếp tục lan rộng, báo cáo của SSI chỉ ra tất cả các hãng hàng không tại Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự cố này khi nhu cầu đi du lịch giảm, đặc biệt là hoạt động du lịch liên quan đến Trung Quốc.../.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/co-phieu-hang-khong-giam-tang-truong-do-ap-luc-canh-tranh-va-ncov/622558.vnp