Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (10/4): HPG, PNJ và VCB

Đối với triển vọng kinh doanh năm 2023, BSC kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sẽ phục hồi kể từ nửa cuối 2023, biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ 0,4 điểm % nhờ giá nguyên vật liệu ít biến động hơn.

 Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (10/4): HPG, PNJ và VCB

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (10/4): HPG, PNJ và VCB

HPG: BSC khuyến nghị mua với giá 25.000 đồng/cổ phiếu

Kết thúc năm 2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 141.409 tỷ đồng (giảm 6%), lợi nhuận ròng đạt 8.484 tỷ đồng (giảm 75%). Trong đó, doanh thu giảm giảm 6% do sản lượng giảm giảm 7%. Lợi nhuận HPG giảm mạnh ở mức 75% do biên lợi nhuận gộp giảm 16 điểm % và lỗ từ chênh lệch tỷ giá.

Trong quý IV/2022, tổng sản lượng tiêu thụ thép đạt 1,75 triệu tấn (giảm 11% so với quý trước). Trong đó, thép xây dựng giảm 7%; thép ống giảm 14%; HRC/CRC giảm 3%. So với quý III/2022, sản lượng trong quý IV giảm 11% do ảnh hưởng bởi bất động sản trong nước.

Tại tháng 3/2023, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng chưa có tín hiệu cải thiện nào về thị trường bất động sản. Do vậy, BSC cho rằng nhu cầu vẫn yếu trong quý I/2023, và ước tính sản lượng trong quý I/2023 đạt 1,6 triệu tấn (giảm 4% so với quý trước).

Kết quả kinh doanh quý I/2023 của HPG sẽ khả quan hơn nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện trong bối cảnh hàng tồn kho giá cao đã được xử lý một phần. HPG đã ghi nhận lãi trở lại vào tháng 3.

BSC dự báo lợi nhuận kinh doanh của HPG lãi nhẹ 0-300 tỷ đồng trong quý I/2023. Với kịch bản tích cực nhất, BSC kỳ vọng HPG sẽ ghi nhận mức lãi nhẹ (khoảng 250 tỷ đồng), dựa trên giả định chính bao gồm sản lượng tiêu thụ đạt 1,6 triệu tấn (giảm 4%), giá thép xây dựng đạt 14.300 đồng/kg (giảm 2%), HRC đạt 578 USD/tấn (giảm 1%), biên lợi nhuận gộp đạt 6-7%.

HPG đã ký kết xong hợp đồng với các nhà thầu xây dựng, đang trong giai đoạn thi công dự án Dung Quất 2. Dự án dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2024, đóng góp thêm 80.000 – 100.000 tỷ đồng vào tổng doanh thu của HPG. BSC đánh giá dự án Dung Quất 2 vẫn đang đi đúng tiến độ HPG đề ra.

HPG dự kiến mở thêm 1 lò cao trong tháng 4, và kỳ vọng mở thêm 2 lò nữa vào tháng 5 do hàng tồn kho thành phẩm của HPG đang ở mức thấp. BSC đánh giá thời điểm xấu nhất đối với HPG đã qua. Trong các quý tới, BSC cho rằng sản lượng thép thô của HPG có thể duy trì ở mức 500.000 tấn/tháng (tương đương với quý I/2023). Do đó, việc mở thêm 1 lò cao vào tháng 4 và 1 lò cao nữa vào tháng 5 là tương đối hợp lý. Việc mở thêm lò cao cuối cùng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu thị trường.

Đối với triển vọng kinh doanh năm 2023, BSC kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sẽ phục hồi kể từ nửa cuối 2023, biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ 0,4 điểm % nhờ giá nguyên vật liệu ít biến động hơn.

Trong năm 2023, BSC dự báo HPG ghi nhận doanh thu thuần đạt 134.005 tỷ đồng (giảm 5%), lợi nhuận ròng đạt 9.184 tỷ đồng (tăng 8%), tương đương EPS dự phóng năm 2023 đạt 1.579 đồng/cổ phiếu, P/E dự phóng năm 2023 đạt 13 lần, P/B dự phóng năm 2023 đạt 1,1 lần.

Sản lượng năm 2023 dự kiến đi ngang, giá bán thép xây dựng/tôn mạ giảm 6-8%, giá HRC giảm 18%. Biên lợi nhuận gộp tăng 0,4 điểm % do kỳ vọng giá nguyên vật liệu ít biến động hơn trong năm 2023. Chi phí lãi vay dự kiến tăng 18% do mặt bằng lãi suất tăng, nợ vay ngắn dài hạn tăng 6% để đầu tư dự án Dung Quất.

BSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu HPG với giá trị hợp lý năm 2023 là 25.000 đồng/cổ phiếu, dựa trên phương pháp P/B mục tiêu đạt 1,3 – 1,4 – tương đương mức định giá vùng cận đáy của HPG. Phương pháp định giá P/B phù hợp với việc HPG Với phương pháp P/B, BSC đánh giá từ quan điểm ngành thép đang ở đáy chu kỳ suy thoái.

PNJ: ACBS khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 81.496 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) công bố doanh thu thuần 2022 tăng 73,3% so với cùng kỳ, đạt 33.876 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế tăng 76% so với cùng kỳ, đạt 1.811 tỷ đồng, đạt 99,9% và 93,5% dự phóng của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS). Tuy kết quả kinh doanh những tháng cuối năm 2022 có chậm lại, một phần do tình hình kinh tế chung xấu đi nhưng việc tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022 cộng với hiệu ứng nền thấp của quý III/2021 đã giúp công ty ghi nhận kết quả rực rỡ cho năm 2022.

Doanh thu bán lẻ tăng 79,7% so với cùng kỳ trong 2022 nhờ nhu cầu phục hồi sau dịch bệnh, mở rộng mạng lưới cửa hàng, chiến lược marketing hiệu quả và chuyển đổi số. Tính đến cuối 2022, PNJ có 364 cửa hàng (cuối năm 2021 là 341 cửa hàng) đang hoạt động, với 343 cửa hàng vàng (cuối 2021: 319).

ACBS giả định công ty có thể tiếp tục mở rộng mạng lưới cửa hàng với 20 cửa hàng mới (số ròng) trong năm 2023. Doanh thu vàng miếng và các sản phẩm có hàm lượng vàng cao tăng 74,6% so với cùng kỳ trong 2022, do nhu cầu cao đối với các sản phẩm này như là tài sản trú ẩn an toàn hoặc đầu tư/đầu cơ trong bối cảnh lạm phát và bất ổn địa chính trị toàn cầu. Doanh thu bán sỉ cũng tăng 56,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Biên lợi nhuận gộp toàn công ty đạt 17,5% so với 18,4% trong 2021, do tỷ trọng doanh thu vàng miếng tăng lên và thay đổi cơ cấu sản phẩm bán lẻ khi mở rộng vào thị trường cấp 2 và 3. Tuy vậy, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên lợi nhuận gộp giảm (59,1% trong 2022 so với 60,8% trong 2021) đã hỗ trợ lợi nhuận của công ty.

PNJ không gặp áp lực từ việc tăng lãi suất do chi phí lãi vay giảm 9,6% so với cùng kỳ trong năm 2022, nhờ nợ ròng giảm (1.464 tỷ đồng cuối năm 2022 so với 2.366 tỷ đồng cuối năm 2021) chủ yếu do phát hành riêng lẻ (1.411 tỷ đồng) để tăng vốn chủ sở hữu trong quý I/2022. Ngoài ra, PNJ ghi nhận tỷ lệ chi phí lãi vay ròng trên nợ ròng trung bình tương đối thấp trong những năm qua (3,9% năm 2022,5% năm 2021 và khoảng 5,3%-5,9% trong giai đoạn 2016-2019).

Trong 2 tháng đầu năm 2023, PNJ báo cáo doanh thu thuần giảm 1,3% so với cùng kỳ dù lợi nhuận sau thuế tăng 6,4% so với cùng kỳ. Mặc dù kết quả này có thể phần nào được giải thích bởi mức nền cao trong năm ngoái, ACBS cho rằng sức mua sụt giảm cũng có thể là một lý do. Tăng trưởng doanh thu của công ty có dấu hiệu chững lại trong hai tháng cuối năm 2022 (tăng 17% so với cùng kỳ vào tháng 11 và giảm 0,9% so với cùng kỳ vào tháng 12/2022 so với mức tăng trên 40% của những tháng còn lại).

Phân khúc bán sỉ giảm 12,8% so với cùng kỳ trong khi tăng trưởng của phân khúc bán lẻ cũng giảm dần từ 25,5% so với cùng kỳ trong tháng 11/2022, 12,7% so với cùng kỳ trong tháng 12/2022 và gần như không đổi trong 2 tháng đầu năm 2023. Tập khách hàng của PNJ thuộc phân khúc trung bình - cao nên không phải là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những bất ổn kinh tế, tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hoàn toàn không có tác động.

ACBS dự phóng công ty tiếp tục ghi nhận tăng trưởng trong năm 2023 dù với tốc độ khiêm tốn hơn trong bối cảnh triển vọng kinh tế ảm đạm (ít nhất là trong 6 tháng đầu năm 2023) và do nền so sánh cao trong năm ngoái.

Phân khúc bán lẻ vẫn là động lực chính. Doanh thu thuần của PNJ được dự phóng tăng 5,5% so với cùng kỳ, đạt 35.724 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự phóng tăng 10,1% so với cùng kỳ, đạt 1.994 tỷ đồng. Kết hợp phương pháp DCF và P/E, ACBS định giá cổ phiếu ở mức 81.496 đồng/cổ phiếu, tương đương với tổng mức sinh lời 8% vào cuối 2023.

VCB: MASVN khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 94.100 đồng/cổ phiếu

Kết thúc năm 2022, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) đạt xấp xỉ 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 28,2% so với cùng kỳ và là mức tăng cao nhất trong vòng nửa thập kỷ. Cho vay khách hàng đạt 1,1 triệu tỷ đồng (tăng 19,2% so với cùng kỳ).

Động lực tăng trưởng chính cho danh mục cho vay khách hàng của VCB bao gồm cho vay nhóm khách hàng cá nhân (tăng 19,6% so với cùng kỳ) và khách hàng doanh nghiệp lớn (tăng 18,3% so với cùng kỳ). Cho vay và tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng 38.9% lên mức 313,6 nghìn tỷ đồng.

Chất lượng danh mục cho vay có phần suy giảm. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) và nợ xấu mở rộng (bao gồm nợ nhóm 2) tăng 4 điểm cơ bản lên mức 0,68% và 1,04%. Đồng thời, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ mức 424,4% xuống mức 317,4%. Tuy nhiên so với chỉ số trung bình ngành, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng VCB vẫn tỏ ra vượt trội.

Lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 37,4 nghìn tỷ đồng, tăng 36,4% nhờ tăng trưởng thu nhập lãi thuần (NII) (tăng 25,6%) và giảm chi phí dự phòng (giảm 19.5% so với cùng kỳ).

MASVN cho rằng NII của VCB sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ triển vọng tăng trưởng tín dụng cao. VCB là một trong bốn ngân hàng tham gia hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém, do đó VCB có khả năng được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn mặt bằng chung cũng như các đãi ngộ riêng.

MASVN kỳ vọng tăng trưởng tín dụng VCB sẽ tiếp tục ghi nhận ở mức cao (tăng 15% so với cùng kỳ), ổn định nguồn thu nhập từ lãi. Bên cạnh đó, các khoản cho vay liên ngân hàng cũng có thể cơ cấu sang các loại tài sản có mức lợi suất tốt hơn khi cần thiết. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) được duy trì ở mức 10,1%, tăng nhẹ 78 điểm cơ bản so với 2021 và cao hơn quy định là 8%.

Sức mạnh thương hiệu cũng giúp cho nhóm ngân hàng quốc doanh có nhiều lợi thế trong vấn đề huy động, đặc biệt là VCB. Mặc dù lãi suất huy động của VCB thấp hơn so với các NHTM khác khoảng 2-3%, tuy nhiên huy động của VCB vẫn tăng 9,5% trong năm 2022, cao hơn 1,4 lần so với tăng trưởng huy động toàn ngành. Trong bối cảnh chi phí huy động thấp, lãi suất cho vay của VCB sẽ tương đối hấp dẫn hơn, cho phép ngân hàng lựa chọn nhóm khách hàng có rủi ro tín dụng thấp.

MASVN nâng giá mục tiêu cho VCB lên mức 94.100 đồng/cổ phiếu (từ mức 90.300 đồng/cổ phiếu). Tuy nhiên, MASVN điều chỉnh giảm khuyến nghị từ tăng tỷ trọng xuống nắm giữ, do giá chứng khoán đã tăng tốt kể từ lần cập nhật gần đây (tăng 14% từ tháng 12/2022).

Rủi ro lớn nhất đối với việc đầu tư cổ phiếu VCB là mức định giá tương đối cao so với các NHTM khác, có thể dẫn đến động thái điều chỉnh, đặc biệt trong bối cảnh tình hình tài chính toàn cầu ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn.

Hải Đường

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/co-phieu-khuyen-nghi-hom-nay-104-hpg-pnj-va-vcb-20180504224282916.htm