Cổ phiếu ngân hàng sụp đổ hàng loạt, lệnh bán MP đang gây bão

Áp lực xả hàng bùng phát ở nhóm cổ phiếu ngân hàng ngay sáng phiên đầu tuần. Ảnh hưởng của nhóm này quá lớn, kéo theo hàng loạt cổ phiếu khác giảm giá theo. Hệ thống giao dịch bắt đầu gây tác hại khi lệnh không thể thay đổi và phản ứng rất chậm...

VN30-Index bổ nhào ngay từ sáng.

VN-Index đánh lừa tất cả những ai quan sát chỉ số này. Cả phiên sáng chỉ có 8 lần làm tươi chỉ số này và khi mới nhất đang tăng 1,69 điểm thì đột ngột gục xuống giảm 24,26 điểm. Kết phiên chỉ số giảm 25,71 điểm, tương đương 1,87% so với tham chiếu.

VN30-Index phản ánh sát hơn biến động thị trường, mở cửa đã giảm nhẹ và đà lao dốc sau đó rất rõ. VnN30-Index giảm liên tục với độ rộng rất hẹp, lác đác vài mã tăng. Chốt phiên chỉ số này giảm 2,34% so với tham chiếu, tương đương 35,27 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng sụp đổ rất sớm và như một hồi còi báo động. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng rất nóng và bất kỳ lúc nào cũng có nguy cơ bị chốt lời. Điều khiến giá nhóm này giảm không nhiều hoặc chưa giảm là do còn dòng tiền vào mạnh. Tuy nhiên cũng sẽ đến thời điểm nhà đầu tư không còn muốn mua thêm nữa, trong khi người bán lúc nào cũng xếp hàng.

Nhóm ngân hàng giảm giá ngay từ đầu phiên và càng lúc càng chịu sức ép nặng nề. Đến cuối phiên sáng, trong 10 mã khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất thì có tới 8 mã ngân hàng, hai cổ phiếu còn lại là GAS và HPG.

Đầu bảng là VCB, sụt đổ 2,76% so với tham chiếu khiến VN-Index mất gần 3 điểm. Nhiều mã ngân hàng khác giảm nhiều hơn VCB, nhưng ảnh hưởng tới chỉ số không bằng, đơn giản là do vốn hóa chưa đủ. Tuy vậy đối với nhà đầu tư thì thiệt hại là rất cụ thể: BID giảm 4,9%, CTG giảm 4,44%, HDB giảm 3,24%, MBB giảm 5,42%, STB giảm 6,07%, TCB giảm 4,4%, TPB giảm 5,64%, VPB giảm 2,23%.

Nhóm cổ phiếu nhỏ cũng rơi như một viên sỏi: EIB giảm 5,4%, LPB giảm 6,9%, VIB giảm 5,5%, BVB giảm 7,4%, KLP giảm 5,3%, VBB giảm 6,8%, SGB giảm 9,6%, NAB giảm 7,4%, NVB giảm 6,8%, MSB giảm 6,2%, OCB giảm 4,3%, BAB giảm 6,9%, SSB giảm 5,5%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh.

Ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng không chỉ là vấn đề điểm số, mà còn là vấn đề tâm lý. Dòng tiền đổ vào các mã này dữ dội thì khi chốt lời cũng có thể gây nên xáo trộn lớn. Nếu như các cổ phiếu khỏe nhất thị trường, hấp dẫn nhất thị trường sụp đổ, tâm lý sẽ ảnh hưởng mạnh.

Hầu hết các nhóm cổ phiếu thời thượng khác cũng suy giảm sâu sáng nay cùng ngân hàng. Nhóm chứng khoán tăng đầu phiên nhưng cũng không ngược dòng được lâu: SSI từ chỗ tăng 1,13% thành giảm 5,03%. VND từ tăng 0,66% thành giảm 7,28%... Nhóm dầu khí có GAS giảm 1,53%, PLX giảm 2,1%. Nhóm thép có HPG giảm 3,12%, HSG giảm 2,71%...

Độ rộng thị trường là câu chuyện khó đảm bảo chính xác: HoSE cuối phiên ghi nhận 125 mã tăng/286 mã giảm nhưng tất cả các nhóm cổ phiếu quan trọng đều có đà giảm áp đảo: VN30 có 7 mã tăng/22 mã giảm; Midcap giảm 2,18% với 18 mã tăng/47 mã giảm; Smallcap giảm 1,72% với 46 mã tăng/95 mã giảm. Thống kê sàn này đang có gần 170 cổ phiếu giảm trên 1%, trong đó 110 mã giảm trên 2%.

Vẫn còn nhóm đang trụ thị trường lại, đó là VIC tăng 2,89%, VHM tăng 0,48% và VRE tăng 2,48%. Ngoài ra BVH tăng 1,75%, VJC tăng 2,7%. VNM hôm nay chốt quyền, giá thực chất là đang tham chiếu.

Hệ thống giao dịch chậm phản hồi sáng nay trở thành rủi ro rất lớn khi nhà đầu tư không thể biết giá tốt nhất để giao dịch. Thậm chí việc bắt buộc phải sử dụng lệnh thị trường (lệnh MP) có thể đang là nguyên nhân đẩy biên độ dao động giá lên rất cao, lần này theo hướng giảm. Rổ VN30 đang có tới 11 cổ phiếu giảm trên 3%, một mức giảm rất hiếm thấy ở các blue-chips. Đặc biệt các mã ngân hàng nói trên chịu tác động rõ nhất, khi nhà đầu tư quá lãi, bán giá nào cũng được.

Giá trị khớp lệnh hai sàn phiên sáng tăng 8% so với sáng phiên cuối tuần trước, đạt 22.151 tỷ đồng. Riêng HoSE khớp lệnh tăng 4,4%, đạt gần 18.443 tỷ đồng. Tổng giá trị sàn này gồm cả thỏa thuận đạt 19.734,2 tỷ đồng. Mức giao dịch này chưa đến ngưỡng “nguy hiểm”, nhưng vấn đề đang là nghẽn lệnh.

Khối ngoại đang bán ròng 122,5 tỷ đồng trên sàn HoSE và khoảng 12,2 tỷ đồng trên HNX. HPG đang bị xả ròng lớn nhất với 252,3 tỷ đồng, tiếp đến là VIC với 152,3 tỷ đồng. DCM, STB, VNM, MBB cũng bị bán khá lớn. Phía mua có VRE với 115 tỷ đồng, NVL với 108,5 tỷ đồng, PLX, OCB, SSI, VHM cũng được mua tốt.

Kim Phong -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/co-phieu-ngan-hang-sup-do-hang-loat-lenh-ban-mp-dang-gay-bao.htm