Cổ phiếu nhiều ông lớn 'cầm máu', chứng khoán vẫn chao đảo

Nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng, dầu khí hồi phục mạnh song thị trường chứng khoán vẫn có phiên giảm thứ 5 liên tiếp.

Ngày giao dịch 17/3, VN-Index "rơi" tự do ngay khi mở cửa nhưng sau đó nhanh chóng hồi phục, duy trì đà tăng cho đến cuối phiên. Tuy nhiên phiên ATC giảm điểm mạnh khiến thị trường đóng cửa giảm nhẹ 2,08 điểm, tương ứng 0,28%.

Dòng tiền lớn đổ vào thị trường, nhiều mã hồi phục thậm chí tăng mạnh, song VN-Index vẫn kết phiên trong sắc đỏ. (Ảnh minh họa)

Dòng tiền lớn đổ vào thị trường, nhiều mã hồi phục thậm chí tăng mạnh, song VN-Index vẫn kết phiên trong sắc đỏ. (Ảnh minh họa)

Ba mã VRE giảm 6,8%, mã VIC giảm 4,3%, VHM giảm 2,6% cùng với SAB giảm sâu 5,9% là những tác nhân chủ yếu kìm hãm VN-Index.

Trong khi đó nhóm ngân hàng với BID tăng 3%, SHB và TPB tăng 2,7%, NVB tăng 2,3%, STB tăng 2,1%, TCB tăng 2,9%, CTG tăng 2,4%... là động lực chính cho sự hồi phục.

PLX tăng trần 6,9% lên mức giá trần 39.350 đồng/cổ phiếu cũng là một sự đóng góp đáng kể giúp VN-Index bớt đà lao dốc.

Tính chung trong ngày giao dịch, toàn sàn có 221 mã tăng giá, 60 mã đứng giá và 154 mã giảm giá. Khối lượng giao dịch đạt hơn 287,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 4.378,2 tỷ đồng.

Trong phiên hôm nay, HNX - Index đảo chiều tăng 1,1 điểm lên 100,72 điểm. Toàn sàn có 81 mã tăng giá (gồm 23 mã tăng trần) 42 mã đứng giá và 68 mã giảm giá (trong đó 16 mã nằm sàn).

UpCOM cũng kết phiên trong sắc xanh với 50,31 điểm, tăng 0,16 điểm.

Trước bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước và thế giới biến động, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã lên tiếng trấn an, cho rằng nhà đầu tư bình tĩnh, tin vào nội lực doanh nghiệp và nền kinh tế, không nên bán tháo lúc này.

Theo ông Dũng, tình hình thị trường chứng khoán thế giới nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng trong những ngày tới khả năng sẽ có những biến động lên xuống đan xen với tần suất khá lớn.

Chủ tịch Ủy ban chứng khoán cho biết sẽ tiếp tục điều hành thị trường chứng khoán theo nguyên tắc tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu của thị trường.

“Ủy ban chứng khoán nhà nước hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết”, ông Dũng cho hay.

Ông Dũng cho biết thêm, nhìn một cách tổng quan, Việt Nam có nền tảng vĩ mô tốt, có lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do cũng như xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu. Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện cho phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... Việt Nam vẫn là điểm sáng khi dịch bệnh sớm muộn cũng sẽ được kiểm soát.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Dũng cho rằng các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư nên tiếp tục vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, cũng như sức bền của thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt “tránh bán tháo không cần thiết”.

Hòa Bình

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tai-chinh/co-phieu-nhieu-ong-lon-cam-mau-chung-khoan-van-chao-dao-ar533962.html