Cổ phiếu thủy sản được “tiếp lửa”

(ĐTCK-online) Mùa xuất khẩu chính của ngành thủy sản thường bắt đầu từ quý III, nên các DN ngành này đang triệt để khai thác yếu tố mùa vụ, đặc biệt là tác động tích cực của việc điều chỉnh tỷ giá, để tăng tốc thực hiện kế hoạch kinh doanh cả năm.

>> Doanh nghiệp ngành sách vào mùa khai trường >> Ngành cao su tự nhiên, lựa chọn đầu tư an toàn >> DN ngành cao su tự nhiên sắp về đích 2010 Theo nhiều DN, điểm thuận lợi đáng kể đối với hoạt động xuất khẩu năm nay là việc điều chỉnh tỷ giá rơi đúng vào "mùa" xuất khẩu chính trong năm. Các lợi thế này đang được DN tận dụng tối đa, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian còn lại của năm. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thủy sản NTACO (ATA) cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, hoạt động xuất khẩu cá tra, cá basa vào hơn 40 thị trường trên khắp các châu lục của Công ty diễn ra thuận lợi. Tháng 7, kim ngạch xuất khẩu của ATA đạt khoảng 1,6 triệu USD, cao hơn 10% so với trung bình các tháng của hai quý đầu năm. Nhiều khả năng Công ty sẽ vượt mức kim ngạch này trong các tháng còn lại của quý III/2010, nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu, cũng như thị trường xuất khẩu đang có diễn biến tích cực. Năm nay, ATA chủ động được khoảng 45% nhu cầu nguyên liệu thông qua phát triển hệ thống ao nuôi, nên ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến động giá nguyên liệu đang diễn ra. Điều này tạo lợi thế cho ATA trong chủ động nâng cao khối lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu. Tín hiệu tích cực của hoạt động xuất khẩu cũng được phát đi từ CTCP Thủy sản Mekong (AAM), khi ông Lương Hoàng Mãnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, tháng 7, AAM đạt kim ngạch xuất khẩu 2,3 triệu USD. Hoạt động xuất khẩu đang diễn ra theo chiều hướng tích cực, nhờ tín hiệu khả quan từ các thị trường lớn, nhất là châu Âu. Với chiều hướng này, nhiều khả năng hoạt động xuất khẩu sẽ còn diễn ra sôi động hơn trong quý IV. Ngoài tự chủ được 20 - 30% nguồn nguyên liệu nhờ phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, AAM đã tạo mối quan hệ mật thiết với người nuôi cá từ nhiều năm nay thông qua các hình thức: hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho các chủ nuôi. AAA còn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân, nên Công ty giảm thiểu được những tác động bất lợi ở những thời điểm thị trường nguyên liệu gặp khó khăn như hiện tại. Theo CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), tháng 7, Công ty đạt giá trị xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay khi xuất khẩu được hơn 2.323 tấn sản phẩm, đạt kim ngạch trên 23,2 triệu USD. Với kết quả này, 7 tháng đầu năm 2010, MPC đạt khối lượng xuất khẩu hơn 9.985 tấn sản phẩm, kim ngạch trên 102 triệu USD, tăng 36,46% về lượng và 36,47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Diễn biến khả quan này cũng xuất hiện tương tự tại CTCP Thủy sản số 4 (TS4), khi ông Nguyễn Văn Lực, Tổng giám đốc Công ty cho biết, với triển vọng kết quả xuất khẩu diễn ra thuận lợi từ đầu tháng 7 đến nay, quý III/2010, Công ty ước đạt doanh thu và lợi nhuận tăng 30% so với quý II. Riêng lượng cá tra xuất khẩu từ đầu quý III đến nay liên tục tăng mạnh, hiện đạt 500 tấn/tháng so với 200 - 300 tấn/tháng của trung bình 2 quý đầu năm. Mực xuất khẩu hiện cũng đạt 120 tấn/tháng so với 80 tấn/tháng của trung bình các tháng đầu năm. Dưới góc nhìn của các chuyên gia, triển vọng xuất khẩu thủy sản từ nay đến cuối năm khá sáng sủa. Phân tích kỹ hơn về xu hướng này, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, tuy các DN đang gặp khó khăn về tìm kiếm nguồn nguyên liệu cũng như giá thức ăn cho thủy sản tăng sau khi tỷ giá điều chỉnh, nhưng nhờ các sản phẩm xuất khẩu được giá nên về tổng thể vẫn mang lại lợi nhuận khả quan cho DN. Việc tăng tỷ giá lần này rất có lợi cho các DN, bởi đa phần hợp đồng xuất khẩu của DN được thanh toán bằng USD. Theo ông Hòe, diễn biến thị trường xuất khẩu cũng đang khá ủng hộ các DN, bởi các đối thủ xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ cũng đang gặp khó khăn về nguyên liệu, nhất là tôm. Trong khi nguồn cung từ một số thị trường xuất khẩu có dấu hiệu khó khăn, thì cầu có xu hướng tăng do yếu tố mùa vụ, đặc biệt là tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Tại thị trường châu Âu, sau kỳ nghỉ hè tháng 7 - 8, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản nhập khẩu tăng đáng kể, nhất là càng gần mùa đông và chuẩn bị cho các mùa lễ hội diễn ra cuối năm. Theo đại diện VASEP, với tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7 tháng đạt 2,53 tỷ USD, mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu 4,5 tỷ USD trong năm 2010 là trong tầm tay. Thậm chí, Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) còn đưa ra dự báo lạc quan hơn, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng khoảng 13,4% so với năm 2009.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CFFGJF/co-phieu-thuy-san-duoc--tiep-lua.html