Cổ phiếu TTB 'nằm sàn' mất thanh khoản, liệu có thêm một FTM thứ 2?

Kết thúc ngày 14/11, cổ phiếu TTB đã trải qua 5 phiên giảm sàn liên tiếp qua đó rơi xuống mức 13.300 đồng/cổ phiếu, là mức giá thấp nhất từ đầu tháng 4/2018 đến nay.

Ảnh minh họa.

Liệu TTB có trở thành FTM thứ 2?

Thị trường chứng khoán trong khoảng hơn một tuần trở lại đây đang xôn xao việc cổ phiếu TTB của CTCP Tập đoàn Tiến Bộ bất ngờ giảm sàn nhiều phiên liên tục trong tình trạng “trắng bên mua” bất chấp kết quả kết quả kinh doanh của Công ty vẫn ổn định.

Kết thúc ngày 14/11, cổ phiếu TTB đã trải qua 5 phiên giảm sàn liên tiếp qua đó rơi xuống mức 13.300 đồng/cổ phiếu, là mức giá thấp nhất từ đầu tháng 4/2018 đến nay. Đáng chú ý, trong 5 phiên đột ngột nằm sàn, thanh khoản của cổ phiếu này cũng bất ngờ “teo tóp” một cách khó hiểu, thậm chí có những phiên chỉ giao dịch vài trăm đơn vị.

Thực thế, trước khi “rơi tự do” cổ phiếu TTB đã có giai đoạn giao dịch quanh vùng đỉnh với biên độ không lớn trong khoảng hơn một năm. Thanh khoản trung bình 13 tuần gần nhất đạt trên 300.000 đơn vị.

*Diễn biến cổ phiếu TTB trong 3 tháng trở lại đây

*Diễn biến cổ phiếu TTB trong 3 tháng trở lại đây

Với dư bán gần 2,8 triệu cổ phiếu, tương đương 6% lượng cổ phiếu lưu hành tại thời điểm kết phiên 14/11 trong khi lực cầu gần như “mất hút” khiến viễn cảnh thoát sàn của cổ phiếu này càng trở nên mờ mịt. Nhiều nhà đầu tư lo ngại TTB có thể trở thành một FTM thứ 2 nếu tình trạng này còn tiếp diễn.

Chưa rõ nguyên nhân lao dốc

Đáng chú ý, diễn biến tiêu cực của cổ phiếu TTB diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý III/2019 của TTB tương đối khả quan. Bất chấp tình hình chung ngành thép không mấy thuận lợi, TTB vẫn ghi nhận tăng trưởng từ các chỉ tiêu kinh doanh chính.

Tính riêng trong quý III/2019, TTB ghi nhận 121,9 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ lãi từ việc bán các khoản đầu tư, công ty báo lãi lãi sau thuế tăng gấp 10 lần cùng kỳ, đạt 8,9 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, TTB tạo ra 424 tỷ đồng doanh thu thuần và 36,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 43% và 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rõ ràng, tình hình sản xuất kinh doanh không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao dốc của cổ phiếu TTB. Trong khi đó, hiện chưa có thông tin nào được công bố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến giá cổ phiếu. Nguyên nhân của sự “rơi tự do” này vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Sôi động giao dịch nội bộ trước “cơn bão”

Trước khi cổ phiếu TTB rơi vào tình trạng “trắng bên mua” triền miên như hiện nay, ông Phùng Văn Bộ, chủ tịch HĐQT đã đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu này thông qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trong khoảng thời gian từ 07/10 đến 04/11/2019. Tuy nhiên, ông Bộ không thực hiện được giao dịch do điều kiện thị trường không phù hợp qua đó giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 20,68%.

Ở chiều ngược lại, ông Phùng Văn Thái, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc lại “nhanh tay” đã bán bớt 1 triệu cổ phiếu TTB theo phương thức thỏa thuận với giá bình quân 21.050 đồng/cổ phiếu trong ngày 23/10. Giao dịch đem về cho cá nhân này hơn 21 tỷ đồng. Hiện ông Thái vẫn đang sở hữu hơn 4 triệu cổ phiếu TTB, tương ứng tỷ lệ 8,7% vốn.

THANH HÀ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/co-phieu-ttb-nam-san-mat-thanh-khoan-lieu-co-them-mot-ftm-thu-2-3527354.html