Cố phiếu VCW sẽ thế nào sau sự cố cung cấp nước bẩn?

Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco, UPCoM: VCW) gần như không có giao dịch sau sự cố cung cấp nước sinh hoạt bốc mùi cho người dân Thủ đô…

Cổ phiếu VCW của Viwasupco gần như không có thanh khoản sau nhiều phiên giao dịch vừa qua

Cổ phiếu VCW của Viwasupco gần như không có thanh khoản sau nhiều phiên giao dịch vừa qua

Gần 1 tuần qua, người dân Hà Nội phải sống trong trạng thái hoang mang, lo lắng khi phải dùng nguồn nước không đảm bảo, vì nguồn nước do Viwasupco cung cấp bốc mùi, đục ngầu. Người dân sau khi phát hiện đã cầu cứu tới các cơ quan liên quan nhưng sau gần 1 tuần vẫn không có động thái nào từ các cơ quan liên quan, đặc biệt là Viwasupco.

Cho mãi đến ngày 12/10 vừa qua, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Tốn- Tổng Giám đốc Viwasupco đã thừa nhận, bộ phận vớt rong rêu phát hiện vết dầu loang trên hồ. Công ty đã huy động toàn bộ cán bộ, công nhân viên và thuê cả người bên ngoài làm vệ sinh, đồng thời dùng phao chuyên dụng quây cách ly không cho dầu lan vào khu bể ngăn lấy nước và vớt toàn bộ dầu loang.

Trước sự cố này, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VCW hầu như không có giao dịch. Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/10, giá cổ phiếu VCW đóng cửa ở mức 34.000đ/cp.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Viwasupco đạt gần 264 tỷ đồng, tăng hơn 22% và lợi nhuận sau thuế đạt 126,5 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2018. Trước đó, trong năm 2018, Viwasupco đạt lợi nhuận sau thuế hơn 218 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia phân tích, do độc quyền trong cấp nước phía Tây Nam Hà Nội, nên việc Viwasupco lãi vài trăm tỷ đồng mỗi năm là chuyện nhiều doanh nghiệp ao ước, mà không dễ gì đạt được.

Viwasupco trước đây là công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex. Đến năm 2017, Vinaconex thoái toàn bộ vốn tại Viwasupco cho 2 tổ chức là CTCP Cơ điện lạnh (REE) và CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái. Trong năm 2018, CTCP Phát triển Sinh Thái lại bán toàn bộ cổ phần cho Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex. Hiện nay, VCW có 2 cổ đông chính là Công ty Năng lượng Gelex (chiếm hơn 60% vốn) và REE ( chiếm 36% vốn).

Được biết đến nay, Viwasupco đã có 21 sự cố liên quan tới việc vỡ ống nước sông Đà. Liên quan tới việc vỡ đường ống sông Đà 18 lần, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ra quyết định truy tố ông Hoàng Thế Trung, nguyên Giám đốc Ban quản lý Dự án cùng 8 người khác tội vi phạm xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng gần 200.000 hộ dân.

Từ vụ việc nói trên cho thấy, rõ ràng Viwasupco đã vi phạm đạo đức kinh doanh khi thấy nước bẩn mà vẫn tiếp tục cung cấp cho người dân sử dụng. Nếu có nhiều doanh nghiệp cùng cung cấp nước cho phía Tây Nam Hà Nội, sẽ không có chuyện độc quyền như Viwasupco.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho biết, dù đã có nhiều cố gắng, nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa hoàn tất được chính sách cạnh tranh, loại bỏ độc quyền ở nhiều ngành then chốt. Điều này khiến cho thị trường méo mó, tính tự do cạnh tranh bị xâm hại, khiến cho các động lực thay đổi không đạt được.

Theo định hướng cấp nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ từng bước hạn chế sử dụng nước ngầm, triển khai xây dựng, nâng công suất các nhà máy sử dụng nước mặt: nhà máy nước mặt sông Đà, Nhà máy mặt sông Đuống, Nhà máy mặt sông Hồng. Hy vọng với định hướng này, sắp tới sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân Thủ đô, thay vì độc quyền như Viwasupco.

Với tình hình như hiện nay, chắc chắn cổ phiếu VCW sẽ có nhiều phiên giao dịch ảm đạm, thậm chí có nhiều phiên trắng bên mua. Do đó, giá cổ phiếu VCW sẽ tiếp tục chịu áp lực sụt giảm trong thời gian tới.

Hà Phương

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/co-phieu-vcw-se-the-nao-sau-su-co-cung-cap-nuoc-ban-159528.html