Cổ phiếu VEAM tăng dù gặp nhiều bất lợi

Mã chứng khoán VEA của VEAM tăng 33% kể từ đầu năm, bất chấp những thông tin trái chiều liên quan đến lãnh đạo và tài chính.

Phiên giao dịch sáng nay 21/3, VN-Index tăng 0,09% lên 1.003 điểm, HNX-Index giảm 0,17% xuống 109,43 điểm, Upcom tăng 0,39% lên 57,23 điểm.

Xuôi theo diễn biến sàn Upcom, mã chứng khoán VEA của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) tăng trưởng liên tục. Tạm chốt phiên, cổ phiếu này tăng 500 đồng, tương đương 0,99%, lên 51.100 đồng/cổ phiếu.

 Cổ phiếu VEA tăng 12.700 đồng từ đầu 2019.

Cổ phiếu VEA tăng 12.700 đồng từ đầu 2019.

Cổ phiếu VEA tăng mạnh kể từ đầu năm, bất chấp những thông tin trái chiều liên quan đến “sếp” lớn và tình hình tài chính doanh nghiệp. Theo đó, từ 1/1 – 21/3/2019, cổ phiếu VEA trải qua 52 ngày giao dịch, biến động giá tăng 12.700 đồng, tương đương gần 33,1%. Việc có thêm 12.700 đồng mỗi cổ phiếu kể từ đầu năm, khiến VEAM có thêm 16.875 tỷ đồng vốn hóa

Ngược hướng đi cổ phiếu, VEAM gần đây đối diện nhiều thông tin bất lợi về tài chính. Doanh nghiệp này vừa nhận được quyết định của Cục Hải quan TP.Hà Nội về việc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Do VEAM khai sai mã, thuế suất của hàng hóa nhập khẩu (diễn ra trước khi IPO) dẫn đến doanh nghiệp phải nộp lại hơn 352,4 tỷ đồng. VEAM đã nộp 172,8 tỷ đồng và còn phải nộp gần 180 tỷ đồng. Đây là sai sót khi tính nhầm thuế nhập khẩu phụ tùng/linh kiện lắp ráp trong giai đoạn 2016 - 2017.

Trước đó, thông tin ông Ngô Văn Tuyển - quyền Tổng giám đốc VEAM tự ý ra nước ngoài khi chưa được sự đồng ý của các cơ quan chức năng đã khiến cổ đông lao xao.

Nguyên nhân do đầu 2018, Kiểm toán Nhà nước có kết luận về việc VEAM có khoản nợ quá hạn phải thu 1.121 tỷ đồng. Đồng thời, cơ quan kiểm toán kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân.

Tháng 11/2018, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã có văn bản giới thiệu các cán bộ công an phối hợp làm việc với Hội đồng quản trị VEAM trong công tác phòng, chống tội phạm kinh tế và tham nhũng; phát hiện những sơ hở, thiết sót trong chính sách, cơ chế quản lý kinh tế là nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm để đề xuất các biện pháp khắc phục, ngăn chặn kịp thời.

Tuy nhiên, sau đó VEAM đã có công văn gửi đến Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội bác tin đồn về thông tin liên quan đến nghi án ông Tuyển bỏ trốn ra nước ngoài.

Theo VEAM, từ giữa tháng 10/2018, sức khỏe của ông Ngô Văn Tuyển, người đại diện vốn nhà nước tại VEAM, thành viên Hội đồng quản trị, quyền Tổng giám đốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bệnh tim.

Ông Tuyển đã hai lần cấp cứu, điều trị ở Viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai. Nhưng, gần 2 tháng chữa trị, bệnh của ông Tuyển thuyên giảm chậm. Ngày 5/12, ông Tuyển có đơn xin nghỉ phép và đi Singapore chữa bệnh.

Báo cáo tài chính công ty mẹ của VEAM ghi nhận cổ tức lợi nhuận được chia năm 2018 là 5.138 tỷ đồng. Năm 2019, VEAM đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng hơn 26% lên 6.429 tỷ đồng. Lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết có thể đạt đến 6.648 tỷ đồng.

Hoàng Hưng

Nguồn VTC: https://vtc.vn/co-phieu-veam-tang-du-gap-nhieu-bat-loi-d464372.html