Cổ phiếu xây dựng sẽ nối dài kỳ vọng?

Ghi nhận mức tăng giá vượt trội so với chỉ số chính trong năm 2023 khi 'sức khỏe' các doanh nghiệp có sự tiến triển, nhóm cổ phiếu xây dựng được kỳ vọng kéo dài đà tích cực sang năm 2024 với sự chuyển biến của thị trường bất động sản.

Năm 2023, nhóm cổ phiếu xây dựng tăng 42%, cao hơn 30% so với VN-Index. Các cổ phiếu có diễn biến tốt nhất bao gồm CTD của Contecons (+179%), HHV của Đèo Cả (+87%) và VCG của Vinaconex (+58%). Trong đó, Đèo Cả và Vinaconex hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng đầu tư công được hưởng lợi cao nhất từ chu kỳ tăng trưởng của đầu tư công, còn Contecons ghi nhận lợi nhuận phục hồi mạnh sau giai đoạn tái cơ cấu.

Tiền đề cho năm 2024 khởi sắc

Theo giới phân tích, nhóm cổ phiếu xây dựng có biến động giá mạnh trong năm 2023 là bởi doanh thu của một số nhà thầu tăng trưởng tích cực trong giai đoạn 2022-2023 cùng với đợt điều chỉnh giá lớn diễn ra trong năm 2022 đã khiến hệ số giá/doanh thu của cổ phiếu xây dựng khá hợp lý, nếu so sánh với hệ số trung bình 5 năm.

Năm 2023, nhóm cổ phiếu xây dựng tăng 42%, cao hơn 30% so với VN-Index.

Trong đó, điểm sáng nhất cho thấy “sức khỏe” của các doanh nghiệp xây dựng đang dần hồi sức tích cực là chất lượng tài sản của các doanh nghiệp phần nào đã được cải thiện trong năm 2023.

Thực tế, nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp xây dựng có lẽ là nợ đọng. Nhà thầu đã thi công, đồng nghĩa phải ứng tiền ra trước, nếu chủ đầu tư dự án chậm trả, hoặc không trả, nhà thầu có thể lâm vào tình trạng khốn cùng, nhất là ở quy mô lớn.

Hai năm trở lại đây, câu chuyện nợ đọng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, nguyên do chính là các chủ đầu tư dự án bất động sản “đói tiền”, dẫn tới việc thanh toán cho nhà thầu không đảm bảo tiến độ, thậm chí không thanh toán. Đến hết năm 2023, vẫn còn hàng loạt nhà thầu có các khoản phải thu giá trị lớn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tổng tài sản, nhưng dấu hiệu tích cực là đã có 12/20 doanh nghiệp ghi nhận sự sụt giảm của các khoản phải thu. Trong đó, mạnh nhất là Vinaconex giảm 35%, Xây dựng Hà Nội (HAN) giảm 22%, Xây dựng Hòa Bình (HBC) giảm 20% và Xây dựng số 1 (CC1) giảm 17%. Tỷ trọng của khoản phải thu trong cơ cấu tổng tài sản vì thế cũng giảm theo và dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của nhiều doanh nghiệp cũng giảm đáng kể.

Những chuyển biến này cho thấy trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã khống chế được tình hình công nợ, hay tốt hơn là đã gặt hái được thành tựu đáng kể trong công tác thu hồi nợ, qua đó giải quyết được phần nào áp lực tài chính cũng như có điều kiện tiếp tục nhận thầu thi công.

Ở chỉ số hàng tồn kho, những chuyến biến tích cực cũng đã xuất hiện. Số doanh nghiệp có tỷ trọng hàng tồn kho trong cơ cấu tổng tài sản ở mức cao (trên 30%) là khá ít, chỉ đếm chưa hết số ngón trên một bàn tay.

Việc giảm được hàng tồn kho và các khoản phải thu cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến dòng tiền kinh doanh của đa số doanh nghiệp ở trạng thái tích cực như Contecons (536 tỷ đồng), Xây dựng Hòa Bình (1.393 tỷ đồng), Hưng Thịnh Incons (259 tỷ đồng), Ricons (9 tỷ đồng), Fecon (409 tỷ đồng), Vinaconex (3.301 tỷ đồng), SCI (454 tỷ đồng), Sông Đà 11 (195 tỷ đồng), Tổng công ty Thăng Long - CTCP (45 tỷ đồng), Tổng công ty Sông Đà (1.960 tỷ đồng), Xây dựng Hà Nội (222 tỷ đồng), Xây dựng số 1 (3.006 tỷ đồng), Đầu tư phát triển công nghiệp vận tải (431 tỷ đồng)…

Các chuyên gia nhận định, cuối năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản tiếp tục ghi nhận những khởi sắc đến từ hiệu quả của chính sách vĩ mô và niềm tin nhà đầu tư trở lại sẽ duy trì được sự tích cực của cổ phiếu nhóm ngành xây dựng trong năm 2024. Tuy nhiên, sự tăng trưởng tập trung vào nhóm xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp.

Cơ hội không dành cho tất cả

Ông Chen Chia Ken, Tổng Giám đốc Chứng khoán Phú Hưng cho biết, cổ phiếu ngành xây dựng nói chung, cụ thể là nhóm ngành xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công nghiệp đã có một năm 2023 khá thành công, với diễn biến chỉ số toàn ngành tăng trưởng 56,1% so với mức 12,2% của VN-Index. Tuy nhiên, đối với nhóm xây dựng dân dụng vẫn đang bị ảnh hưởng bởi sự ảm đạm và gần như đóng băng của thị trường bất động sản dân dụng trong năm qua, khiến doanh thu của nhóm ngành này chạm đáy.

Trong khi đó, đầu tư công sẽ tiếp tục là trụ cột và động lực phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện tại và cả trong trung và dài hạn. Vì vậy, dư địa tăng trưởng dành cho nhóm ngành xây dựng hạ tầng giao thông vẫn rất lớn với các hợp đồng thi công dự án lớn trong giai đoạn này.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, cổ phiếu ngành xây dựng đã có mức tăng khiêm tốn hơn so với toàn thị trường nói chung và so với các nhóm ngành khác như ngân hàng, bất động sản, viễn thông.

“Triển vọng của cổ phiếu ngành xây dựng có thể được thể hiện rõ ràng hơn trong nửa cuối năm 2024 và đầu năm 2025, vì đây là thời điểm thị trường bất động sản ghi nhận sự chuyển biến với kỳ vọng rằng các điểm nghẽn pháp lý đang dần được tháo gỡ và thị trường đón nhận các yếu tố hỗ trợ tích cực như lãi suất thấp, nền kinh tế phục hồi, từ đó giúp các doanh nghiệp bất động sản quay trở lại thị trường, tạo điều kiện cho sự phục hồi của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng”, ông Chen Chia Ken nhận định.

Tương tự, SSI Research cho rằng các nhà thầu xây dựng dân dụng hiện chưa có nhiều khởi sắc và khó cải thiện trong nửa đầu năm 2024. Trong khi đó, các nhà thầu cơ sở hạ tầng có thể kỳ vọng tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận do xu hướng đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tiếp tục diễn ra trong giai đoạn 2024-2025; nhưng lợi nhuận năm 2023 được coi là mức nền so sánh khá cao.

Tuy nhiên, nhóm phân tích của SSI Research vẫn đưa ra lưu ý, xét về mặt định giá P/E, khả năng sinh lời thấp khiến P/E của cổ phiếu xây dựng tương đối cao. Mức định giá P/E cao này có thể là do lợi nhuận của các nhà thầu giảm sút và không ổn định. Điều đó cho thấy cổ phiếu ngành xây dựng chưa hấp dẫn để đầu tư dài hạn, bên cạnh yếu tố đòn bẩy cao và khả năng sinh lời thấp (thể hiện qua biên lợi nhuận và ROE thấp).

Theo quan điểm của nhóm phân tích, diễn biến vượt trội của các cổ phiếu ngành xây dựng trong năm 2023 đã phản ánh hết tiềm năng trưởng lợi nhuận trong năm 2024. Dù vậy vẫn có một số mã vẫn còn nhiều triển vọng tăng giá như cổ phiếu HHV, CTD và VCG - là những mã ghi nhận đà tăng giá tốt nhất trong năm 2023.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/co-phieu-xay-dung-se-noi-dai-ky-vong-1098702.html