Cơ quan thuế có quyền tạm giữ, áp giải người trốn thuế

Lần đầu tiên, Tổng cục Thuế đề xuất được bổ sung chức năng tạm giữ, áp giải người vi phạm quy định pháp luật về thuế khiến dự luận xã hội đang 'dậy sóng'.

Không dừng lại ở đó, cơ quan này muốn được tổ chức một lực lượng chuyên trách điều tra thuế như nhiều nước trên thế giới đã làm.

Quy định giúp răn đe tình trạng trốn thuế

Lý giải về đề xuất trên, Tổng cục Thuế cho rằng, dư luận hiện đang sôi sục bởi hàng loạt thông tin về các doanh nghiệp nước ngoài dính phải bê bối về thuế ở Việt Nam. Trong đó có nhiều doanh nghiệp có tên tuổi, tiếng tăm trên thế giới. Nhưng vấn đề là họ đã hoạt động ở Việt Nam được một thời gian rất dài mới bị truy thu thuế. Tổng cục Thuế cho rằng, việc bổ sung quy định này sẽ mang tính răn đe, ngăn chặn các hành vi trốn thuế, gian lận thuế của một bộ phận tổ chức, cá nhân móc nối với nhau có tính tổ chức với thủ đoạn rất tinh vi. Để thực hiện được điều này thì trước mắt, ngành thuế sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến tới áp dụng điều tra thuế.

Về bản chất, điều tra thuế là việc cơ quan thuế thực hiện quyền tố tụng về thuế trong trường hợp người nộp thuế cố tình trốn tránh nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.

Theo Tổng cục Thuế, về bản chất, điều tra thuế là việc cơ quan thuế thực hiện quyền tố tụng về thuế trong trường hợp người nộp thuế cố tình trốn tránh nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước (trốn thuế, gian lận thuế) với mục đích trục lợi. Phạm vi điều tra là các hồ sơ nghi vấn trốn thuế có tính chất liên hoàn, thông đồng (bao gồm cả tham nhũng). Thẩm quyền điều tra là được khám xét không báo trước cho người nộp thuế và được hỏi xét, lấy lời khai của người nộp thuế và đối tượng liên quan. Về phía người nộp thuế được sử dụng luật sư hoặc người đại diện trong quá trình điều tra.

Mô hình đã thành công tại nhiều quốc gia phát triển

Góp ý về đề xuất này bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, việc bổ sung chức năng tạm giữ, áp giải người vi phạm quy định pháp luật về thuế sẽ giúp hạn chế tình trạng trốn thuế của doanh nghiệp. Việc thêm chức năng này vào sẽ giúp việc thanh tra thuể chủ động và hiệu quả hơn đối với các doanh nghiệp.

Thêm vào đó, theo bà Cúc tổ chức việc một lực lượng chuyên trách điều tra thuế như nhiều nước trên thế giới là cần thiết. Với cơ sở vật chất cũng như nhân lực của ngành thuế ở thời điểm hiện tại thì các đề xuất trên sẽ dễ dàng được thực hiện. Đồng thời, nếu đề xuất thành hiện thực sẽ tiết kiệm chi phí cho bộ máy quản lí, giúp tinh gọn hơn và đảm bảo độ chuyên sâu, chuyên nghiệp cao hơn đối với cơ quan thuế.

Về vấn đề này, Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, việc thành lập lực lượng điều tra thuế có ý nghĩa về mặt xử lý vi phạm, đồng thời tạo ra hiệu quả trong việc thu thuế.

Ông Vũ cũng cho rằng, nếu đề xuất đi vào thực tế thì cũng cần phải có biện pháp hạn chế, ngăn chặn hành vi lạm quyền, tránh việc lạm dụng điều tra thuế để nhũng nhiễu hay các biểu hiện tiêu cực khác.
Hiện tại, nhiều nước đã giao chức năng điều tra thuế cho cơ quan quản lý thuế như điều tra tố tụng hình sự. Cơ quan quản lý thuế căn cứ vào kết quả điều tra để áp dụng các biện pháp truy thu tối đa số thuế đã trốn, đã gian lận. Một số nước đã tổ chức lực lượng cảnh sát thuế, tòa án thuế như Mỹ, Nga...

Huyền Trang

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/co-quan-thue-co-quyen-tam-giu-ap-giai-nguoi-tron-thue-120302.html