Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin về nạn nhân mua bán người

Luật phòng, chống mua bán người đã có các quy định rất cụ thể về bảo vệ bí mật thông tin cho nạn nhân mua bán người.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, tình trạng mua bán người đang có diễn biến khá phức tạp. Trong nhiều trường hợp, đối tượng phạm tội chỉ bị phát hiện khi nạn nhân khai báo. Nhưng không ít nạn nhân, do lo sợ bị trả thù, sợ khi sự việc vỡ lỡ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, nên đã chọn cách im lặng.

Trong khi đó, Luật phòng, chống mua bán người đã có các quy định rất cụ thể về bảo vệ bí mật thông tin cho nạn nhân mua bán người. Theo Điều 31 của Luật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin về nạn nhân, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Tòa án xem xét, quyết định việc xét xử kín đối với vụ án mua bán người theo yêu cầu của nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân.

Khi có căn cứ để cho rằng một người bị mua bán thì cơ quan, đơn vị, cá nhân theo quy định có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để giải cứu. Trường hợp người đó bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản thì áp dụng các biện pháp bảo vệ.

Công an tỉnh Lào Cai dẫn giải đối tượng do Công an Trung Quốc trao trả theo quyết định truy nã của Công an Việt Nam về tội mua bán người (ảnh: theo Tạp chí CSND)

Công an tỉnh Lào Cai dẫn giải đối tượng do Công an Trung Quốc trao trả theo quyết định truy nã của Công an Việt Nam về tội mua bán người (ảnh: theo Tạp chí CSND)

Luật cũng quy định rõ các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân thích của họ bao gồm: Bố trí nơi tạm lánh khi nạn nhân, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe; Giữ bí mật về nơi cư trú, nơi làm việc, học tập của nạn nhân và người thân thích của họ;

Các biện pháp ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của nạn nhân, người thân thích của họ theo quy định của pháp luật; Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Luật phòng, chống mua bán người cũng quy định rõ về việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về. Theo đó, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận và xử lý thông tin, tài liệu về nạn nhân và phối hợp với Bộ Công an trong việc xác minh nhân thân của nạn nhân, cấp giấy tờ cần thiết, làm thủ tục đưa họ về nước.

Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân, nếu họ có nguyện vọng tự trở về nơi cư trú, thì hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường và hướng dẫn họ làm thủ tục nhận chế độ hỗ trợ quy định tại các điều 34, 35, 36, 37 và 38 của Luật phòng, chống mua bán người.

Trường hợp họ không có nơi cư trú hoặc có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân thì chuyển giao họ cho những cơ sở này. Nạn nhân là trẻ em thì thông báo cho người thân thích đến nhận hoặc bố trí người đưa về nơi người thân thích cư trú; nạn nhân là trẻ em không nơi nương tựa thì làm thủ tục chuyển giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Việc tiếp nhận nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài có đủ điều kiện trở về Việt Nam theo khuôn khổ thỏa thuận quốc tế song phương được thực hiện theo quy định của thỏa thuận quốc tế song phương đó.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/co-quan-to-chuc-ca-nhan-co-trach-nhiem-giu-bi-mat-cac-thong-tin-ve-nan-nhan-mua-ban-nguoi-164944.html