Cỏ roi ngựa

(SKDS) - Cỏ roi ngựa là loại cỏ nhỏ, sống lâu năm, mọc thẳng, cao từ 10cm - 1m, thân có 4 cạnh. Lá mọc đối, có rãnh, xẻ thùy lông chim. Hoa mọc thành chùm ở đầu ngọn, màu xanh. Quả nang, có 4 nhân. Vì thân cây mọc thẳng, có đốt như roi ngựa, nên có tên gọi là cỏ roi ngựa.

Cây mọc hoang ở khắp nơi. Toàn cây được dùng làm thuốc. Dùng tươi hoặc sấy khô.

Theo Y học cổ truyền, cỏ roi ngựa có vị đắng, hơi hàn, vào 2 kinh can và tỳ, có tác dụng giải độc, hoạt huyết, tán ứ, sát trùng, thông kinh... Dùng chữa cảm sốt, đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, mụn nhọt, lở ngứa,...

Một số đơn thuốc thường dùng

Chữa cảm sốt: Cỏ roi ngựa 50g, khương hoạt 25g, thanh cao 25g. Cho các vị thuốc vào nồi đổ ngập nước, sắc lấy 2 bát con, chia thành 2 lần uống trong ngày (cũng có thể đem các vị thuốc tán nhỏ, hãm nước sôi như pha trà uống trong ngày); nếu kèm theo đau họng, thêm cát cánh 15g cùng sắc uống.

Sốt rét: Dùng cỏ roi ngựa khô 30 - 60g, sắc nước uống. Trước và sau lúc lên cơn sốt 1 - 2 giờ uống 1 lần.

Chữa kinh nguyệt không đều: Cỏ roi ngựa 40g, ích mẫu 20g, cỏ tháp bút 10g, ngải cứu 25g. Tất cả sắc với nước uống, ngày 2 lần. Uống trước kỳ kinh 10 ngày.

Chữa đau bụng kinh: Cỏ roi ngựa 30g, huyền sâm 15g, sinh địa hoàng 15g, xích thược 15g, bạch thược 15g, địa cốt bì 15g, nữ trinh tử 15g, cỏ nhọ nồi 12g, xuyên luyện tử 15g, uất kim 5g, mẫu đơn bì 12g. Sắc uống mỗi ngày một thang. Uống liên tục 6 ngày trước khi thấy kinh, một liệu trình là 2 tháng. Trường hợp đau nhẹ, dùng: Cỏ roi ngựa 30g, ích mẫu thảo 30g. Sắc uống 3 thang trước khi thấy kinh, hiệu quả rất tốt.

Bế kinh: Cỏ roi ngựa 40g, rễ cây gai 30g, sắc với nước uống ngày 2 lần. Uống trước kỳ kinh 10 ngày.

Mụn nhọt: Cỏ roi ngựa tươi, giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt uống, còn bã đắp lên chỗ mụn nhọt, dùng đến khi khỏi.

Da lở ngứa: lấy 50-100g cỏ roi ngựa tươi, rửa sạch, nấu nước tắm rửa ngày 1 lần. Dùng đến khi khỏi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nga

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20120712101721629p44c60/co-roi-ngua.htm