Cơ sở, nền tảng phát triển lý luận và tổ chức hoạt động của cơ quan bảo vệ an ninh quân đội

Xuất phát từ tình hình thực tiễn của cách mạng và yêu cầu công tác bảo vệ (CTBV) trong quân đội, ngày 20-7-1950, tại Chiến khu Việt Bắc, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Ngô Minh Loan, Trưởng phòng Đảng vụ, Cục Chính trị nghiên cứu chọn một số cán bộ ở Cơ quan TCCT và đơn vị để thành lập Cục Bảo vệ.

Đồng chí Chủ nhiệm TCCT nêu rõ: CTBV an ninh trong quân đội là công tác phòng ngừa, đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động tình báo gián điệp, chiến tranh tâm lý của địch và phần tử phản động bí mật xâm nhập phá hoại nội bộ quân đội; bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ tổ chức Đảng, tổ chức quân đội trong sạch về chính trị, vững về tổ chức; bảo vệ con người, vũ khí trang bị, giữ gìn bí mật quốc gia, bí mật quân sự, nâng cao sức chiến đấu của quân đội.

Sau đó, theo đề nghị của Chủ nhiệm TCCT, Tổng Quân ủy quyết định chỉ định đồng chí Ngô Minh Loan giữ chức Cục trưởng Cục Bảo vệ kiêm Cục trưởng Cục Quân pháp. Cục Bảo vệ sau khi thành lập đã cùng với các cơ quan, đơn vị trong TCCT và toàn quân thực hiện tốt công tác bảo đảm bí mật, phòng gian trong Chiến dịch Biên giới năm 1950.

Sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới, thực hiện chủ trương của Đảng, cuối tháng 11-1950, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng quyết định mở Chiến dịch Trần Hưng Đạo (Chiến dịch Trung du). Để kịp thời triển khai CTBV chiến dịch, ngày 18-12-1950, TCCT ra Chỉ thị số 05/CT-AZ về tổ chức, phương pháp tiến hành CTBV trong các đơn vị tham gia Chiến dịch Trần Hưng Đạo. Chỉ thị nêu rõ mục đích thành lập Ban Bảo vệ của chiến dịch là: "Để tìm mọi phương pháp, đặt mọi kế hoạch cần thiết tiến hành việc phòng gian, trừ gian, giữ bí mật, bảo đảm cho nội bộ Quân đội ta được thuần khiết (trong sạch, an toàn), ngăn ngừa mọi hoạt động phá hoại của việt gian, do thám".

Về vai trò của đơn vị đối với CTBV và trách nhiệm của cấp ủy, chi bộ trong công tác bảo mật, phòng gian, chỉ thị nêu rõ: "CTBV rồi đây sẽ được nghiên cứu kỹ càng để tiến tới có một hệ thống hoàn chỉnh. Nhưng dù cơ quan bảo vệ có được tổ chức thành một hệ thống hoàn chỉnh thì việc phòng gian, giữ bí mật vẫn cần phải có sự tham gia của tất cả cán bộ và đội viên, nhất là cán bộ, đảng viên cần phải gương mẫu. Để đặt cơ sở cho việc tổ chức ngành bảo vệ, ngay từ chiến dịch này, các đồng chí chính ủy, chủ nhiệm chính trị và chính trị viên các đơn vị phải trực tiếp đảm nhiệm CTBV. Chi bộ có trách nhiệm tích cực giúp đỡ đồng chí phụ trách trong CTBV, chi ủy, liên chi ủy cử một đồng chí trong cấp ủy hay một đồng chí ngoài cấp ủy có năng lực, tin cẩn cùng đồng chí phụ trách đặt kế hoạch, đôn đốc, kiểm soát việc thi hành CTBV". Chỉ thị cũng đã chỉ ra nội dung tiến hành CTBV, nguyên tắc CTBV và phương châm CTBV.

Tuy là văn bản có tính chỉ đạo CTBV một chiến dịch, nhưng Chỉ thị số 05/CT-AZ của TCCT có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với việc hình thành các quan điểm, tư tưởng về CTBV an ninh chính trị và tổ chức, hoạt động của cơ quan bảo vệ an ninh quân đội thời kỳ đầu mới thành lập. Lần đầu tiên, những nguyên tắc, nội dung, phương pháp tiến hành CTBV an ninh chính trị trong quân đội đã được xác định. Đây là cơ sở nền tảng lý luận đầu tiên giúp cho việc tổ chức và hoạt động của cơ quan bảo vệ an ninh quân đội sau này.

Thiếu tướng DƯƠNG ĐỨC THIỆN

Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/co-so-nen-tang-phat-trien-ly-luan-va-to-chuc-hoat-dong-cua-co-quan-bao-ve-an-ninh-quan-doi-591894