Cơ sở pháp lý đảm bảo tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới

Sáng 20-7, tại thành phố Hải Phòng, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức hội nghị Tọa đàm dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An Ninh của Quốc hội chủ trì hội nghị.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng phát biểu đề dẫn tại hội nghị. Ảnh: Viết Hà

Phát biểu đề dẫn, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng cho biết, tại các hội nghị do Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Luật BPVN, phạm vi điều chỉnh, tên gọi của dự thảo Luật; nhiệm vụ của lực lượng BĐBP; lực lượng phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; bảo đảm về chế độ, chính sách biên phòng.

Qua thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật BPVN là hết sức cần thiết và đã được xác định tại Nghị quyết số 33 ngày 29-8-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức trong sự nghiệp bảo vệ biên giới. Đồng thời, xây dựng lực lượng BĐBP chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đáp ứng vai trò chuyên trách, nòng cốt trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Luật sư Lê Việt Trường. Ảnh: Viết Hà

Theo Luật sư Lê Việt Trường, dự thảo Luật BPVN được chuẩn bị công phu, có tính hợp hiến và phù hợp với các văn bản pháp luật, quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, luật hóa được chức năng nhiệm vụ bảo vệ biên giới trên bộ, triên không và trên biển.

“Lĩnh vực biên phòng, chức năng nhiệm vụ của BĐBP liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, các lợi ích kinh tế của đất nước, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Những vấn đề Luật Biên giới quốc gia; Luật An ninh quốc gia đã quy định là quy định chung, còn dự thảo Luật BPVN cụ thể hóa để đáp ứng yêu cầu bảo vệ biên giới trong tình hình mới” – Luật sư Lê Viết Trường nhấn mạnh.

Đối với tên gọi của Luật BPVN, theo Luật sư Lê Viết Trường, tên gọi đã được xác định trong Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị “Sớm ban hành Luật BPVN”. Luật BPVN chính là cơ sở pháp lý để đảm bảo tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu. Lực lượng BĐBP với vai trò lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong thực hiện Luật, địa vị pháp lý của BĐBP được nâng lên với tên gọi của Luật BPVN. Điều đó vừa là niềm tự hào, vừa là động lực, là trách nhiệm để BĐBP tiếp tục phấn đấu luôn thực sự là biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu” - Luật sư Lê Viết Trường nhấn mạnh thêm.

Đại tá Trần Kim Hải. Ảnh: Viết Hà

Để làm rõ thêm về tên gọi của Luật, Đại tá Trần Kim Hải, Phó Giám đốc Học viên An ninh cho biết, để xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia cần phải xây dựng được nền biên phòng toàn dân và xây dựng lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng vững mạnh. Nếu dự án Luật lấy tên gọi Luật BĐBP hay Luật Lực lượng BĐBP sẽ chỉ quy định cơ sở pháp lý cho lực lượng chuyên trách trong bảo vệ biên giới quốc gia, không quy định được tổng thể tất cả các vấn đề liên quan đến biên phòng, một bộ phận của công tác quốc phòng, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia. Ngoài ra, khu vực biên giới là đặc thù, là “phên dậu” quốc gia, mang tính chất quốc tế, dễ bị tác động của các yếu tố ngoại cảnh. Nên tên gọi Luật BPVN là phù hợp, cần thiết và thực tiễn yêu cầu bảo vệ biên giới trong tình hình mới.

Về quy định chức năng, nhiệm vụ của BĐBP, nhiều đại biểu khẳng định không có sự chồng chéo với các văn bản pháp luật hiện hành. Các nội dung đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành. Dự thảo luật đã luật hóa được các chủ trương của Đảng đối với BĐBP để thực hiện nhiệm vụ chuyên trách, nòng cốt bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Ông Trần Quang Tường. Ảnh: Viết Hà

Theo các đại biểu, BĐBP đã thực thi hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, nhân dân cả nước đánh giá cao. Theo ông Trần Quang Tường, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng cho biết: BĐBP là nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm vi phạm an ninh quốc gia, đặc biệt tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại. Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố cơ sở chính trị, giúp nhân dân biên giới xóa đói, giảm nghèo…, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, BĐBP đã kịp thời triển khai lực lượng và duy trì hàng nghìn tổ, chốt phòng, chống dịch Covid-19. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã có những hy sinh to lớn, ngăn chặn có hiệu quả dịch lây lan qua biên giới; tuyên truyền cho đồng bào phòng, chống dịch.

“Từ thực tiễn, kết quả thực hiện nhiệm vụ của BĐBP, thì việc ban hành Luật BPVN sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm; xây dựng khu vực biên giới ngày một phát triển…” - ông Trần Quang Tường nhấn mạnh.

Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh phát biểu giải trình một số ý kiến của đại biểu. Ảnh: Viết Hà

Tại hội thảo, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó Tư lệnh BĐBP, Phó Tổ trưởng thường trực Tổ Biên tập Luật BPVN đã giải trình những ý kiến khác nhau của các đại biểu và cho biết, Tổ Biên tập sẽ phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Viết Hà

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-so-phap-ly-dam-bao-tinh-uy-nghiem-va-bieu-tuong-quoc-gia-tai-bien-gioi-post430999.html