Cơ sở pháp lý quan trọng để BĐBP thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới

Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) quy định vị trí, chức năng của BĐBP tại Điều 13: 'BĐBP là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của QĐND Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG), khu vực biên giới (KVBG). BĐBP có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách, pháp luật về biên phòng; thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật'. Quy định trên là cơ sở pháp lý quan trọng để BĐBP thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới.

Cán bộ Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu, BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự khu vực cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép. Ảnh: CTV

Xuyên suốt quá trình xây dựng Luật BPVN, trải qua nhiều cuộc hội thảo, hội nghị và các phiên thảo luận tại Quốc hội, các ý kiến của chuyên gia và đại biểu Quốc hội đều khẳng định, Luật BPVN đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Trong đó, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8-8-1995 của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng BĐBP trong tình hình mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG đều xác định BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG... Đồng thời, đáp ứng nguyên tắc được nêu trong Nghị quyết số 18–NQ/TW ngày 2-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”.

Theo đại biểu Phan Anh Khoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, trong hơn 61 năm xây dựng và trưởng thành của lực lượng BĐBP, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 7 nghị quyết, có 5 nghị quyết chuyên đề và một số kết luận về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng BĐBP. Quốc hội và Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đều xác định BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách hoặc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu.

“Luật BPVN đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, có sự kế thừa phát triển từ Pháp lệnh BĐBP và quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành. Cụ thể, khoản 2, Điều 31, Luật BGQG năm 2003, quy định: “BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở KVBG theo quy định của pháp luật”; điểm c, khoản 1, Điều 22, Luật An ninh quốc gia cũng xác định rõ: “BĐBP, Cảnh sát Biển là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở KVBG trên đất liền và KVBG trên biển”. Đặc biệt, khoản 2, Điều 35, Luật Quốc phòng năm 2018 quy định, Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ, quyền hạn: Duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên” - Đại biểu Phan Anh Khoa nêu dẫn chứng.

Bên cạnh việc cụ thể các quan điểm của Đảng, Nhà nước, thực tiễn chứng minh, lực lượng BĐBP đã hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, không quản ngại hy sinh, gian khổ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG. Đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc thực thi nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở KVBG khác rất căn bản với việc thực thi nhiệm vụ này ở địa bàn nội địa. Vì tình huống an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG có nhiều trường hợp xuất phát từ bên kia biên giới, nếu không xử lý tốt, kịp thời có thể biến thành tình huống quân sự, quốc phòng. Vì vậy, phải có một cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG để giải quyết có hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, tạo thành điểm “nóng” trên biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn, BĐBP An Giang tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Danh Dũng

Phân tích làm sâu sắc thêm vị trí, chức năng của BĐBP, đại biểu Nguyễn Ngọc Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang phân tích, hơn 61 năm qua, BĐBP luôn khẳng định rõ vị trí, chức năng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG, chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng ở KVBG, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự trên các tuyến biên giới, vùng biển, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, BĐBP đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng bắt giữ, xử lý trên 1.800 vụ với 3.025 đối tượng tội phạm về ma túy, thu giữ hơn 6 tấn ma túy các loại. Trong phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng BĐBP đã phát hiện, bắt giữ, xử lý, đưa đi cách ly theo quy định 20.000 người xuất, nhập cảnh trái phép. Hiện nay, BĐBP đang duy trì hơn 1.600 tổ chốt với hơn 7.000 cán bộ, chiến sĩ trên chiều dài hơn 5.000km đường biên giới đất liền, ngày đêm làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm qua biên giới.

Danh Dũng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-so-phap-ly-quan-trong-de-bdbp-thuc-hien-tot-nhiem-vu-xay-dung-quan-ly-bao-ve-bien-gioi-quoc-gia-trong-tinh-hinh-moi-post435403.html